Caitlin Winter (31 tuổi), giám đốc tiếp thị của Adelaide, gần đây đã nhận được sự chú ý trên mạng xã hội sau khi thử nghiệm xu hướng “ngày thứ hai tối thiểu” (Bare minimum monday) cho các nhân viên của mình.
Theo News.com.au, đây là hình thức khuyến khích người lao động khởi đầu tuần mới bằng khối lượng nhiệm vụ vừa đủ, nhằm giảm bớt sự sợ hãi và áp lực khi trở lại văn phòng.
Mỗi công ty sẽ đưa ra các giải pháp khác nhau khi theo đuổi trào lưu này. Có nơi cho phép nhân sự “điểm danh” ở nhà, trong khi một số khác giao ít công việc nhất có thể tùy theo vai trò của họ.
Winter nói rằng đối với cô, đó là cách giúp cấp dưới tận hưởng thứ 2 theo tốc độ của họ và chuẩn bị cho một tuần hiệu quả.
“Nhiều người nghĩ nó có nghĩa là tôi sẽ mặc đồ ngủ cả ngày, ngồi trước TV và không làm gì cả. Nhưng trên thực tế, đó chỉ đơn giản là một ngày chúng ta ‘work from home’, không lên lịch họp và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn một chút để sẵn sàng cho tuần mới”, giám đốc 31 tuổi nói.
Cô cho biết thêm mọi người cũng có thể sử dụng ngày này để giặt giũ, đi chợ, lên kế hoạch cho bữa tối, dắt chó đi dạo hoặc đưa đón con cái, điều mà họ không thể làm trong giờ hành chính.
"Ngày thứ 2 tối thiểu" giúp nhân viên "lấy đà" cho tuần làm việc hiệu quả. Ảnh: Global News. |
Các chuyên gia nhận định đại dịch đã vĩnh viễn thay đổi cách làm việc của nhiều ngành nghề và thị trường lao động.
Thời kỳ nhân viên phải ở trong văn phòng cả ngày, xem đồng hồ trên chiếc ghế xoay, chờ cho đến khi điểm giờ tan ca đã trở thành dĩ vãng.
Hàng loạt công ty trên khắp thế giới đã áp dụng các phương thức linh hoạt, bao gồm cả những ngày “work from home” và có mặt tại cơ quan. Các ông chủ trao quyền cho nhân viên nhiều hơn để tự do lựa chọn giờ làm.
Sự thay đổi này đã nhận nhiều lời khen ngợi và được cho là giúp cải thiện năng suất, sức khỏe tinh thần của người lao động.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã khởi động quy định quay lại văn phòng sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.
Một số quản lý thậm chí còn buộc nhân viên phải đến cơ quan toàn thời gian, tạo ra phản ứng dữ dội từ những người đã thích nghi với lịch trình linh hoạt.
Ngoài ra, những xu hướng mới xoay quanh giới công sở ngày càng gia tăng, chẳng hạn tuần làm việc bốn ngày và nghỉ việc trong âm thầm.
Theo News.com.au, “thứ hai tối thiểu” đang càn quét khắp nơi, dẫn đến những luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh nhóm ủng hộ, những người phản đối cho rằng trào lưu này đang thúc đẩy lười biếng và lạm quyền.
Sau đại dịch, nhiều hình thức làm việc mới ra đời và gây ra nhiều luồng tranh cãi trong giới "cổ cồn trắng". Ảnh: Pexels. |
Tuy nhiên, với Caitlin, đây là biện pháp tích cực vì nó giúp cô đạt được nhiều mục tiêu hơn và hoàn thành các nhiệm vụ còn dang dở trong tuần.
“Vào các ngày thứ hai, tôi dành thời gian để phát triển bản thân và nghề nghiệp. Nếu có những việc khẩn cấp, cần phải giải quyết, tôi vẫn sẽ ưu tiên chúng và không đẩy sang thứ ba”, Caitlin chia sẻ.
Quy định này cũng khiến cô nhớ lại trận chiến nội bộ giữa nhóm Millennials, những người đã làm việc như điên khi bắt đầu sự nghiệp để chứng tỏ bản thân là một nhân viên chăm chỉ.
“Tôi đã trải qua điều đó và thấy rằng mọi thứ không nên đi theo hướng như vậy”.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.