Là ngân hàng thương mại dẫn đầu về quy mô tài sản, năm 2016, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên tới 1.006.404 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015.
Với mức tăng trưởng tài sản bình quân 20%/năm, hiện BIDV đang chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng Việt Nam.
So với 5 năm trước, các chỉ số tổng tài sản, huy động vốn và cho vay của BIDV đều tăng hơn 2 lần.
So với năm 2012, các chỉ số tài chính chính của BIDV đều tăng hơn gấp đôi. Đồ họa: Quang Thắng. |
Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên, năm 2016, BIDV đã thực hiện trả thù lao cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát ngân hàng với tỷ lệ 0,44% lợi nhuận sau thuế.
Cụ thể, năm 2016, tổng lợi nhuận sau thuế của BIDV đạt 6.229 tỷ đồng, với tỷ lệ chi trả 0,44%, quỹ thù lao mà các lãnh đạo nhà băng này nhận được lên tới 27,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, HĐQT ngân hàng BIDV gồm 10 thành viên đương nhiệm, Ban kiểm soát ngân hàng gồm 3 thành viên. Ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV đã thôi giữ chức vụ từ tháng 9/2016, ông Trần Anh Tuấn được bổ nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách điều hành HĐQT giai đoạn còn lại.
Nếu so với thù lao mà các nhà băng khác cùng quy mô chi trả cho các lãnh đạo, mức thù lao tại BIDV không cao hơn quá nhiều.
Cụ thể, năm 2016, lãnh đạo Vietcombank được phê duyệt mức thù lao với tỷ lệ 0,35% kết quả lợi nhuận sau thuế, tương đương gần 24 tỷ đồng. Tổng số thành viên của HĐQT và Ban kiểm soát nhà băng này gồm 11 người, trung bình mỗi lãnh đạo Vietcombank nhận được khoảng 2,18 tỷ đồng thù lao trong năm 2016, xấp xỉ 182 triệu đồng/người/tháng.
Vietinbank cũng trích 0,38% lợi nhuận sau thuế để chi trả thù lao cho các lãnh đạo ngân hàng. Trung bình mỗi thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Vietinbank nhận được gần 2 tỷ đồng, tương đương thù lao 166 triệu đồng/tháng.
Năm 2017, BIDV tiếp tục trình cổ đông thông qua mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát với tỷ lệ 0,44%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thù lao theo lợi nhuận tại các nhà băng khác. Trong trường hợp phát sinh thêm thành viên, đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định mức thù lao phát sinh thêm, phù hợp với thù lao của các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo.
Ngoài ra, các lãnh đạo của ngân hàng cũng được chi trả các chi phí như đi lại, ăn ở, công tác hay các chi phí hợp lý khác.
Ngoài thông qua kế hoạch chi trả thù lao cho lãnh đạo ngân hàng năm 2017, BIDV cũng sẽ trình cổ đông thông qua các kế hoạch trong năm 2017, như phương án chia cổ tức, tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II, và bầu nhân sự mới.
Theo kế hoạch, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, thông qua 3 lần phát hành cổ phiếu, bao gồm chi trả cổ tức năm 2016 khoảng 2,393 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu riêng lẻ 1.026 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu cho người lao động 1.026 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt trên 38.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì trong top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Bùi Quang Tiến - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước để thay thế cho ông Đặng Xuân Sinh sẽ nghỉ hưu theo chế độ, và ông Lê Việt Cường sẽ thay thế ông Tô Ngọc Hưng.
Hiện tại, BIDV vẫn chưa có Chủ tịch HĐQT chính thức kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu.
Năm 2017, BIDV đặt kế hoạch lãi trước thuế không dưới 7.750 tỷ đồng, huy động vốn tăng 16,5% và tín dụng tăng trưởng không quá 16%. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng.