Theo đánh giá của Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, chương trình tham quan trụ sở UBND TP.HCM đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp khi đã có 48 đoàn khách với khoảng 1.500 du khách tham gia.
Hầu hết các du khách sau khi tham quan đã đánh giá cao vẻ đẹp cũng như sự lưu giữ những kiến trúc cổ độc đáo của toà nhà. Đồng thời nhiều du khách cho rằng việc mở cửa toà nhà UBND TP.HCM đã cho thấy sự cởi mở thân thiện, gần gũi với người dân của những người lãnh đạo tại TP.HCM.
Du khách tham quan trụ sở UBND TP.HCM dịp Lễ 30/4 và 1/5. |
Với những kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời trước nguyện vọng của hàng nghìn du khách đã không thể đăng ký tham gia trong đợt đầu tiên, Sở Du lịch TP.HCM đã đề xuất 3 phương án tổ chức chương trình tham quan di tích này trong thời gian tới. Trong đó:
Phương án 1, trong năm 2023 thành phố sẽ mở thêm 3 đợt tham quan trụ sở UBND TP.HCM vào những ngày lễ trọng đại. Cụ thể, đợt tham quan đầu tiên được tổ chức ngày thứ Bảy (1/7) và Chủ nhật (27) nhân dịp kỷ niệm thành phố chính thức mang tên TP.HCM (ngày 2/7/1976); đợt tham quan tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bảy (2/9) và Chủ nhật (3/9) nhân dịp Quốc khánh (2/9); Đợt tham quan thứ 3 sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bảy (30/12) và Chủ nhật (31/12) chào mừng năm mới 2024.
Những bức phù điêu độc đáo của toà nhà UBND TP.HCM. |
Với phương án này, thành phố dự kiến đón 168 đoàn khách với khoảng 5.040 du khách từ nay đến cuối năm, tuy nhiên hạn chế của phương án này là số ngày tham quan còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan của người dân và du khách đồng thời chưa tạo ra hiệu ứng kích cầu du lịch một cách mạnh mẽ.
Phương án 2, thành phố sẽ mở thêm 9 đợt tham quan từ nay đến cuối năm vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ và năm mới dương lịch. Mỗi đợt tham quan được tổ chức vào hai ngày cuối tuần. Trong đó, đợt tham quan đầu tiên sẽ diễn ra ngày thứ Bảy (20/5) và Chủ nhật (21/5), nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đợt tham quan tiếp theo được tổ chức vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật liền kề với các dịp kỷ niệm và lễ lớn như ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911); ngày thành phố chính thức mang tên TP.HCM (2/7/1976); ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945); ngày Quốc khánh (2/9/1945); ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940); Tuần lễ du lịch TP.HCM (2/12); chào mừng năm mới 2024.
Du khách nghe giới thiệu về toà nhà UBND TP.HCM qua màn hình. |
Với phương án này, dự kiến đón 504 đoàn với 15.120 du khách tham quan, tuy nhiên tần suất tổ chức tham quan sẽ không đều theo thời gian khi tháng 9, tháng 12 sẽ tổ chức 2 lần/tháng, trong khi suốt tháng 10 sẽ không có chương trình nào được tổ chức.
Phương án 3, thành phố tổ chức các đợt tham quan định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật cuối cùng hàng tháng và chương trình bắt đầu từ cuối tháng 5. Với phương án này, trong năm 2023 trụ sở UBND TP.HCM sẽ đón 448 đoàn khách tham quan với khoảng 13.440 du khách.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, phương án 3 là phương án phù hợp nhất bởi số ngày được mở rộng, đáp ứng được nhu cầu hiện nay của người dân, du khách. Ngoài ra việc tổ chức chương trình vào cuối mỗi tháng sẽ giúp cho các đơn vị tổ chức chương trình thuận lợi trong việc xây dựng lịch tổ chức tham quan ổn định, dễ tìm hiểu dành cho du khách.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.