Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ thu hồi dự án nếu doanh nghiệp chây ì nộp thuế

Người dân không nên mua hàng hóa của DN nợ tiền sử dụng đất. Những DN chay ì, nợ thuế chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP có cơ chế thu hồi dự án.

Đây là ý kiến của Phó cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Thái Dũng Tiến trao đổi với phóng viên tại buổi thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 14/7.

Hàng trăm DN sai phạm về thuế 

Ông Tiến cho biết, tổng số tiền nợ đến thời điểm này lên tới 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ thuế phí 9.600 tỷ đồng, nợ thuế đất 7.400 tỷ đồng và nợ thuế chậm nộp 5.900 tỷ đồng. Từ công khai danh tính các doanh nghiệp (DN) chây ì, 6 tháng đầu năm, Cục Thuế Hà Nội đã thu nợ được hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó nợ thuế phí hơn 4.600 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng còn lại là các khoản nợ liên quan đến đất. 

Cũng theo ông Tiến, trong nhiều năm nay, Cục Thuế Hà Nội cùng các cơ quan liên quan đã rà soát, đối chiếu xác minh hóa đơn, phối hợp với chính quyền xã, phường xem thực trạng của DN như thế nào. Ngành thuế vừa ứng dụng công nghệ, có thể đối chiếu các hóa đơn đầu ra của DN này với đầu vào của DN kia. 

Dự án USILKCITY của Sông Đà Thăng Long, một trong các đơn vị đứng đầu về nợ thuế.

Dự án USILKCITY của Sông Đà Thăng Long, một trong các đơn vị đứng đầu về nợ thuế.

“Khi phát hiện dấu hiệu không bình thường, chúng tôi sẽ xác minh ngay xem trụ sở của DN đó thế nào, làm ăn cái gì? Từ đó đưa ra cảnh báo tới tất cả các DN có sử dụng hóa đơn của DN đó. Đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác định rõ hành vi, thậm chí bắt giữ người chủ mưu, đưa ra khởi tố để làm gương”, ông Tiến nhấn mạnh.

Không mua căn hộ của DN nợ thuế

Đề cập đến giải pháp công khai danh tính DN chây ì nộp thuế, ông Tiến cho biết, trong tháng 7, 8, 9 tới đây, Cục Thuế sẽ tiếp tục bêu tên, nhất là đối với các DN có thể triển khai dự án nhưng vẫn nợ thuế.

“Chủ dự án nợ tiền sử dụng đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người mua nhà, vì DN chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Khi người dân làm các thủ tục về quyền sử dụng đất chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo, người dân không nên mua hàng hóa của DN nợ tiền sử dụng đất”, ông Tiến khuyến cáo.

“Chúng tôi đang phân loại và sẽ cùng với Sở TN&MT, Tài chính, Xây dựng xuống DN xem họ khó khăn cái gì. Từ đó sẽ tập trung xử lý với những đối tượng được nhà nước ưu đãi nhưng lại không nộp, hoặc đã triển khai dự án rồi, đã huy động tiền và có dòng tiền luân chuyển rồi mà lại nợ tiền sử dụng đất. Đến giờ phút này, những DN không nộp tiền sử dụng đất, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND thành phố có cơ chế thu hồi dự án”, ông Tiến nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc này, Phó giám đốc Công an Hà Nội Lưu Quang Hợi cho biết, 23.000 tỷ đồng DN đang nợ là con số không hề nhỏ. DN cứ chây ì trong khi lợi nhuận cứ hưởng. Theo ông Hợi, nếu lần một, lần hai, rồi lần ba mà không thu được thuế thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.   

Cục Thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh sai phạm về thuế 86 vụ liên quan đến 86 DN có dấu hiệu phát hành hóa đơn trái phép. 6 tháng đầu năm đã khởi tố 5 đơn vị liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Một số vụ điển hình có tính chất nghiêm trọng như: Vụ Đinh Thị Văn cùng đồng bọn mua bán trái phép hóa đơn GTGT, thu giữ 6 con dấu, 103 quyển hóa đơn của 10 công ty; Vụ bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Trường, thu giữ 16 con dấu của DN, 14 con dấu chức danh giám đốc; Khởi tố vụ án của Công ty CP xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc…


Nỗi niềm chung cư không sổ hồng

Hà Nội và TP HCM có tới hàng chục nghìn căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Một trong những nguyên nhân là chủ đầu tư nợ tiền thuế sử dụng đất.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/se-thu-hoi-du-an-neu-doanh-nghiep-chay-i-nop-thue-883968.tpo

Theo Dũng Nguyễn/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm