Khu Quản lý đường bộ 1 (Cục Đường bộ Việt Nam) dự kiến sẽ tiến hành Dự án sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình trên tuyến đoạn Km13+000-Km29+800 trên đường Quốc lộ 2 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên cơ sở nền mặt đường bê tông nhựa hiện hữu đoạn Km13+000 - Km29+800, Khu Quản lý đường bộ 1sẽ giữ nguyên các yếu tố cơ bản của bình đồ, trắc dọc, trắc ngang hiện hữu, chỉ tiến hành sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường, hoàn trả lớp bê tông nhựa và sửa chữa hệ thống vạch sơn kẻ đường.
Cụ thể, đối với các vị trí hư hỏng chỉ xảy ra đối với lớp bê tông nhưa lớp trên, nhà thầu cào bóc bỏ lớp bê tông nhựa hư hỏng, tưới nhũ tương dính bám, thảm hoàn trả lớp bê tông nhựa có sử dụng phụ gia kháng hằn lún dày 5 cm.
Nhà thầu tiến hành thi công thảm nhựa nền đường một tuyến Quốc lộ. Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+. |
Đối với các vị trí hư hỏng xảy ra đối với 2 lớp bê tông nhựa mặt đường, đơn vị thi công tiến hành cào bóc bỏ toàn bộ bê tông nhựa hư hỏng, tưới nhũ tương thấm bám, thảm hoàn trả lớp một bê tông nhựa lớp 1 có độ dày 7 cm, sau đó tiếp tục tưới nhũ tương dính bám và thảm lớp bê tông nhựa có sử dụng phụ gia kháng hằn lún dày 5 cm.
Với vị trí hư hỏng xảy ra đến lớp móng cấp phối đá dăm, phương án xử lý bằng cách tiến hành đào bỏ và thay lớp móng cấp phối hư hỏng, thảm hoàn trả 2 lớp bê tông nhựa C19 và bê tông nhựa C16.
Sau đó, đơn vị thi công sẽ hoàn trả hệ thống sơn vạch kẻ đường an toàn giao thông đảm bảo theo đúng quy chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Dự án có tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng.
Hiện nay Khu Quản lý đường bộ 1 triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế bảo vệ thi công, dự kiến có kết quả lựa chọn nhà thầu trước ngày 20/1; hoàn thành hồ sơ thiết kế bảo vệ thi công và phê duyệt trước ngày 20/2; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp trong tháng 3, triển khai thi công sửa chữa trong 3 tháng, hoàn thành trong tháng 6/2024.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phương án giao cho địa phương bố trí ngân sách để đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến Quốc lộ 2 đoạn từ TP Phúc Yên đến TP Vĩnh Yên.
Đánh giá phương án này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Đảng, Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận pháp luật hiện hành về giao thông đường bộ và ngân sách Nhà nước quy định việc đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải nên các địa phương chưa thể bố trí ngân sách địa phương để đầu tư, quản lý, bảo trì các công trình này.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Luật Đường bộ dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trong đó căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương sẽ xem xét giao cho các địa phương được phép đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh.