Đưa ra khái niệm xe máy điện là gì một cách dễ hiểu; đề xuất không thu phí trước bạ, cho phép người dân tự kê khai đăng ký, thủ tục đăng ký đơn giản, có lộ trình, tạo điều kiện cho người sử dụng tự giác đến đăng ký… là những “hướng” mà các cơ quan hữu trách muốn đưa ra để việc quản lý và sử dụng xe máy điện có thể “đi vào khuôn khổ”.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến nay cả nước mới có 70 xe máy điện được đăng ký, quá ít so với số lượng xe đang lưu hành. Thực tế, xe máy điện hiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Số lượng xe không có nguồn gốc, trôi nổi lưu hành trên thị trường khá lớn dù thủ tục đăng ký xe của Bộ Công an đã khá đầy đủ.
“Mở” rồi, vẫn khó “gỡ”
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, Bộ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe viết cam kết, có xác nhận của chính quyền địa phương để đăng ký phương tiện nhưng vẫn còn một số vấn đề thủ tục pháp lý về thuế, trước bạ, giấy kiểm định… gây khó khăn trong quá trình đăng ký phương tiện.
Hiện nay cả nước mới có 70 xe máy điện được đăng ký. |
“Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật để phân biệt xe máy điện và xe đạp điện, có tem quy định rõ ràng để người dân dễ dàng nhận biết được. Các Bộ, ngành liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất xe máy điện yêu cầu mỗi xe máy điện bán ra thị trường cần có đầy đủ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tổ chức đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho phương tiện đầy đủ” - lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt kiến nghị trong cuộc họp về vấn đề quản lý và sử dụng xe máy điện vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tại Hà Nội.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 7/2014, tại Việt Nam có 7 doanh nghiệp sản xuất xe máy điện, đã xuất xưởng 3.298 xe thuộc 9 kiểu loại. Số xe nhập khẩu là 773 xe, thuộc 32 kiểu loại. Tất cả các xe nói trên đều đảm bảo đủ điều kiện, không có vướng mắc về thủ tục trong quá trình đăng ký. Vấn đề khó khăn của cơ quan đăng kiểm là việc kiểm soát chất lượng số lượng xe nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ngoài chính ngạch lưu hành trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Kiến nghị dán nhãn, không thu phí trước bạ
Để quản lý được loại phương tiện này, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ghi nhãn phương tiện để dễ dàng quản lý.
Đại diện Bộ Công an cũng đề xuất: "Đối với các xe không có nguồn gốc hợp pháp, Bộ Công an sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký cho chủ xe, nhưng đối với các vấn đề liên quan như thuế trước bạ, giấy kiểm định… các đơn vị liên quan cũng cần phối hợp giải quyết".
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ đưa ra khái niệm xe máy điện là gì một cách đơn giản để người dân hiểu được, đồng thời báo cáo Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan không thu phí trước bạ, cho phép người dân tự kê khai đăng ký, tự chịu trách nhiệm, thủ tục đăng ký đơn giản, có lộ trình, tạo điều kiện cho người sử dụng tự giác đến đăng ký.
Cụ thể, đối với xe sản xuất, lắp rắp trong nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định chất lượng. Đối với số phương tiện hiện chưa bán ra, yêu cầu doanh nghiệp tự kê khai xong trước ngày 31/12/2014. Từ ngày 1/7/2015, những người sử dụng xe mà chưa đăng ký sẽ thực hiện xử phạt theo quy định.