Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ ít doanh nghiệp IPO vì nghẽn lệnh chứng khoán

CEO Công ty Chứng khoán Bản Việt VCSC dự đoán hoạt động IPO của các doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ trầm lắng khi tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE chưa được khắc phục.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức chiều 9/4, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) Tô Hải chia sẻ trong năm nay VCSC dự kiến tham gia tư vấn các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá 2,3 tỷ USD và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 200 triệu USD.

Nghẽn lệnh làm doanh nghiệp ngại niêm yết

Ông Hải cho biết ngoài việc tự mình tư vấn, có một số thương vụ VCSC kết hợp với các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Theo ông, các công ty chứng khoán Việt Nam có lợi thế am hiểu thị trường so với các đơn vị có vốn ngoại nên vẫn được ưu tiên lựa chọn thực hiện dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư (IB).

CEO VCSC thừa nhận không kỳ vọng nhiều vào hoạt động IPO trong năm 2021. Lý do là hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HoSE và việc cổ phiếu niêm yết mới phải giao dịch trên sàn HNX sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại.

Song song đó, thị trường chứng khoán đang thay đổi quá nhanh nên nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị kịp. “Năm nay là M&A còn năm sau sẽ bùng nổ IPO”, ông Hải dự báo.

chung khoan anh 1

Chủ tịch HĐQT VCSC Nguyễn Thanh Phượng và CEO Tô Hải chủ trì đại hội cổ đông chiều 9/4. Ảnh: VCI.

Trả lời câu hỏi về tác động của tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE, ông Hải cho biết tất cả hoạt động như tự doanh, môi giới, ngân hàng đầu tư đều bị ảnh hưởng. Tư vấn các thương vụ IPO là một mảng kinh doanh quan trọng đóng góp vào hiệu quả kinh doanh của VCSC. Do đó, hoạt động IPO trầm lắng hơn sẽ ảnh hưởng đến công ty.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng tác động của việc nghẽn lệnh lên VCSC vẫn ít hơn nhiều công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào mảng môi giới. Cơ cấu lợi nhuận của VCSC hiện cân bằng giữa 3 lĩnh vực môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư.

Thị phần môi giới không phải ưu tiên quan trọng nhất

Cũng tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi lý do thị phần môi giới của VCSC có xu hướng giảm thời gian qua. CEO VCSC thẳng thắn chia sẻ 3-4 năm nay thị phần không phải là câu chuyện công ty quan tâm nhất.

Theo ông Hải, một số công ty tăng thị phần nhanh nhưng phần lớn đến từ tự doanh, giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường cơ sở và phái sinh. Nghiệp vụ này không lỗ nhưng cũng không có lợi nhuận lớn và lại tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Trong khi đó, VCSC đang là công ty chứng khoán có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thuộc nhóm cao nhất toàn ngành, trên 20%. Tỷ suất lợi nhuận của riêng hoạt động môi giới của VCSC hơn 40%, cũng đứng đầu thị trường trong khi một số công ty có thị phần lớn hơn nếu hạch toán đúng và đủ chi phí thực chất không có lãi từ mảng này.

“Cần phải nhìn vào doanh số và chi phí thực tế. Còn chỉ theo đuổi thị phần sẽ rất khốc liệt”, ông Hải chia sẻ với cổ đông.

Top 5 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới
Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của 5 công ty dẫn đầu tại HoSE trong quý I
NhãnVPSSSIHSCVNDirectVCSC
thị phần môi giới trên HoSE % 13.211.98.27.55.6

CEO VCSC đồng thời nhấn mạnh công ty không chạy đua giảm phí giao dịch để thu hút khách hàng. Ông Hải cho rằng nếu khách hàng đến với công ty chứng khoán vì phí giao dịch thấp thì cũng sẽ bỏ đi khi không còn chương trình miễn giảm phí.

“Muốn giữ chân khách hàng thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Muốn làm được việc này thì phải đầu tư mà đầu tư thì phải có tiền, có lợi nhuận. Đó là cách bền vững mà chúng ta theo đuổi bao nhiêu năm nay”, CEO VCSC khẳng định. Ông Hải cũng nhấn mạnh công ty chấp nhận thị phần môi giới có thể còn giảm thêm nhưng quan trọng là giữ được ROE cao.

Năm nay, VCSC đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng. Sau quý I, VCSC đạt lợi nhuận dự kiến 350-400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hải cho hay công ty đang có hơn 500 tỷ lợi nhuận chưa thực hiện của mảng tự doanh nhưng đang thận trọng và chưa hạch toán vào lợi nhuận. Nếu hạch toán đầy đủ, VCSC sẽ lãi tới hơn 850 tỷ.

Một số khoản đầu tư lớn vào các doanh nghiệp chưa lên sàn của VCSC như NAPAS và Sữa quốc tế (IDP) cũng đang có hiệu quả rất tốt nhưng công ty mới chỉ hạch toán giá trị sổ sách. Ông Hải cho rằng NAPAS và IDP đều có khả năng cán mốc giá trị 1 tỷ USD vào năm tới 2022.

Chứng khoán Việt lập kỷ lục

VN-Index đóng cửa phiên 1/4 ở 1.216 điểm, xác lập kỷ lục mới sau gần 21 năm thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm