Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ có thêm nhiều những Tuấn Anh và Công Phượng sang Nhật

Trong tương lai gần, người hâm mộ Việt Nam hứa hẹn được nhìn thấy nhiều hơn những lứa cầu thủ nội sang Nhật chơi bóng, giống như trường hợp của Tuấn Anh và Công Phượng.

Từ khi ra đời hơn hai thập niên trước, giải J.League (Nhật Bản) phát triển rất ổn định. Ngày trước, người Nhật có niềm kiêu hãnh nhờ thành công từ giải quốc nội. Thế nhưng dòng chảy thời gian khiến mọi thứ thay đổi và buộc các nhà làm bóng đá xứ mặt trời mọc phải bỏ tư tưởng bảo thủ. Lúc này, họ phải có cái nhìn mang tính toàn cầu.

Cau thu Viet thi dau tai Nhat Ban anh 1
Ông 

Shusaku Yamashita trả lời phỏng vấn báo chí.

Bốn năm gần đây, văn phòng chiến lược khu vực Đông Nam Á của giải J.League liên tục được đổi tên. Năm 2012, nó được đổi tên thành văn phòng châu Á, theo đó, có nhiệm vụ vạch ra những vùng đất để giải J.League tiến hành khai phá. Tháng 4 năm ngoái, văn phòng châu Á được đổi thành Bộ phận quan hệ truyền thông quốc tế để giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Động thái trên cho thấy người Nhật không giấu tham vọng vươn mình rộng hơn ra châu lục. Trả lời báo The Japan Times hồi tháng 2, người đứng đầu thành Bộ phận quan hệ truyền thông quốc tế, Shusaku Yamashita nhấn mạnh giải J.League sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu.

"Chúng tôi chỉ có một thị phần nhỏ trong 120 triệu người Nhật, và xã hội thì ngày càng già đi. Trong quá khứ, giải J.League chỉ tập trung vào cộng đồng trong nước. Thế nhưng thị trường đó quá nhỏ. Chúng tôi muốn có thị trường rộng lớn hơn. Ngoài việc phát triển bóng đá trong cộng đồng, giải J.League muốn thu hút thêm người hâm mộ và tìm kiếm doanh thu từ bên ngoài Nhật Bản," ông Shusaku Yamashita nói.

Cau thu Viet thi dau tai Nhat Ban anh 2
Trong tương lai, Việt Nam sẽ có nhiều hơn trường hợp của Công Phượng sang Nhật thi đấu.

Cũng theo ông Shusaku Yamashita, mục tiêu giải J.League nhắm tới là thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó bao gồm luôn cả Việt Nam.

Từ lâu, J.League trở thành một trong những giải bóng đá hàng đầu châu Á. Doanh thu hàng năm lên tới 13 tỷ yen, tương đương 113 triệu USD. Đội tuyển bóng đá nam và nữ của Nhật cũng gặt hái nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Tuyển Nhật từng 5 lần liên tiếp góp mặt ở World Cup từ năm 2002, trong khi các cô gái một lần giành chức vô địch World Cup bóng đá nữ vào năm 2011. Thành công của giải J.League trở thành hình mẫu cho nhiều bạn bè các nước học theo.

Tuy nhiên, giải J.League lại vấp phải đối thủ là những giải đấu lớn của châu Âu. Thời gian qua, các đội bóng của Anh, Tây Ban Nha, Italy... liên tục đổ xô xâm chiếm thị trường Đông Nam Á. Trên đất Thái Lan hay Việt Nam, người hâm mộ của những đội bóng Anh rất đông. Điều đó buộc giải J.Legue phải có kế hoạch thực thi tức thì để cạnh tranh.

Cau thu Viet thi dau tai Nhat Ban anh 3
Việc Công Phượng sang Nhật mới chỉ là sự khởi đầu của bóng đá Việt? Ảnh: Tùng Lê

Từ năm 2012, giải J.League tiến hành bắt tay hợp tác với những quốc gia thuộc Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore... Theo đó, họ hỗ trợ các giải vô địch quốc gia ở đây về chuyên môn, kỹ thuật và cách làm bóng đá hiệu quả. Ngoài ra, một số đội bóng ở J.League cũng tiến hành trao đổi cầu thủ và HLV theo hướng song phương có lợi. Chính sách của người Nhật giúp Việt Nam có những Tuấn Anh và Công Phượng lần đầu sang xứ sở mặt trời mọc thi đấu.

"Chúng tôi muốn tạo ra khối kinh tế bóng đá giữa Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Lúc này, giải J.League sẽ được xuất khẩu sang nước bạn và hứa hẹn thu hút khoảng 700 triệu người xem. Ngoài ra, J.Legue sẽ lấn sân sang khu vực Thái Bình Dương với hy vọng tìm được thị phần ở Mỹ, Australia, Mexico và Trung Quốc," ông Yamashita cho biết thêm.

Bóng đá Nhật Bản ồ ạt khai thác thị trường Việt Nam

Việt Nam là một trong những thị trường giàu tiềm năng nhất ở khu vực ĐNA mà các CLB J.League muốn khai thác và tìm kiếm những tài năng sáng giá.

Cũng theo người đứng đầu Bộ phận quan hệ truyền thông quốc tế giải J.League, thời gian tới sẽ có thêm nhiều cầu thủ đến từ các quốc gia Đông Nam Á được trao cơ hội sang thi đấu ở giải J.League. Người Nhật hứa hẹn biến giải đấu nước họ thành sân chơi Ngoại hạng châu Á. "Nếu các cầu thủ từ Đông Nam Á chứng tỏ thành công giá trị của mình, tên tuổi họ sẽ được nâng tầm," ông Yamashita nói thêm.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm