Điều này đang tạo kỳ vọng giải quyết thấu đáo, triệt để tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Hình thành thị trường mua bán nợ
Theo kết quả báo cáo kinh doanh năm 2015 của nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, khối lượng nợ xấu, nợ khó đòi đều giảm, lợi nhuận tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đặt ra nghi vấn và lo ngại về hiện tượng đảo nợ, chuyển nợ dẫn tới vẫn còn một lượng nợ xấu đáng kể “ẩn mình” đâu đó và chưa được xử lý. Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ tại nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đúng nghĩa, mới chỉ có Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại được phép hoạt động trong lĩnh vực này.
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho hay, việc xử lý nợ xấu tuy đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc như: VAMC không có quyền chủ động để xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo; việc định giá khoản nợ đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá còn phức tạp… Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có thị trường mua bán nợ nên người tham gia mua bán nợ không có nhiều ngoài các tổ chức tín dụng.
Do đó, tổ soạn thảo dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ của NHNN mong muốn Nghị định sẽ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Dự thảo Nghị định đã mở hơn khi cho phép DN đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, DN được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, trong đó bao gồm các AMC và DATC được phép mua bán nợ như một món hàng hóa, trở thành một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Đặc biệt, việc dự thảo xem xét cho phép AMC và DATC được hoạt động như một DN mua bán nợ chuyên nghiệp, nhưng việc thành lập và hoạt động các DN này vẫn thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của NHNN, kỳ vọng sẽ tạo ra những tổ chức xử lý nợ thực chất và hiệu quả hơn. Bởi theo quy định hiện hành, AMC chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, không được mua nợ của tổ chức kinh tế và cá nhân, còn DATC của Bộ Tài chính cũng mới chỉ dừng ở việc mua bán nợ của DN Nhà nước. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, vì thực tế hiện nay, các tổ chức này đang được thực hiện mua bán nợ.
Nghị định về sàn giao dịch mua bán nợ xấu sẽ tạo cơ sở thông thoáng hơn cho việc kinh doanh, mua bán nợ xấu. |
Cần chặt chẽ hơn
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh doanh nợ xấu là một nghề khá đặc biệt, nghĩa là món nợ bao gồm tài sản đảm bảo trong thời kỳ này có thể có giá trị không cao, gây lỗ cho người nắm giữ, nhưng đến một thời điểm nào đó, khi thị trường phục hồi, nguồn tài sản này lại có thể đem lại lợi nhuận cao. Vì thế, đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để đặt điều kiện mua lại số lượng lớn nợ xấu, tuy nhiên, họ đều chưa thực hiện do “nút thắt” ở luật.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, việc đặt ra nghị định về sàn giao dịch mua bán nợ xấu sẽ tạo cơ sở thông thoáng hơn cho việc kinh doanh, mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, nghị định này cần được quy định rõ hơn trong việc giải quyết vấn đề sở hữu, cách phân chia khối lượng nợ đó như thế nào để định giá cụ thể cho người mua bán nợ. Bởi chỉ khi nào xác định được cụ thể khối lượng và giá trị theo thị trường, người mua bán nợ mới dám đầu tư để thực hiện.
Cùng với việc luật định chưa chặt chẽ, theo TS. Độ, hệ thống các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính ở nước ta vẫn còn hoạt động lỏng lẻo, do đó, việc xây dựng các quy định mới cần phải có sự nghiên cứu chặt chẽ, giúp đảm bảo thị trường mua bán nợ hoạt động ổn định, tránh tổ chức yếu kém gây nhiễu loạn.
Chính vì thế, dự thảo Nghị định đã quy định nghiêm ngặt hơn đối với DN kinh doanh dịch vụ mua bán nợ với những điều kiện về vốn, nhân sự và kinh nghiệm. Đặc biệt, DN cung cấp dịch vụ sàn giao dịch nợ phải đáp ứng điều kiện là đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ liên tục ít nhất 3 năm với mức doanh thu hoạt động (kê khai thuế) hằng năm tối thiểu 1.000 tỷ đồng, cũng như phải đáp ứng được văn bằng, chứng chỉ kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự. Như vậy, đây vẫn là sân chơi của những DN lớn và các AMC, bởi thị trường mua bán nợ trong nước chưa được hình thành thì DN nào có đủ điều kiện 3 năm hoạt động.
Nhìn chung, việc xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ vẫn cần sự hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để giải quyết rốt ráo những vấn đề còn tồn đọng. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN nhận định, để xử lý triệt để nợ xấu, việc quan trọng nhất là phải giải phóng được trách nhiệm những người xử lý, phân chia số lỗ phát sinh từ khối nợ đó như thế nào. Điều này cần đến một hành lang pháp lý đủ mạnh và rõ trách nhiệm.