Ngày 27/11, tại hội thảo Đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020 và định hướng 2021, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT nhận định game lậu đang gây ra nhiều thiệt hại với các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, game lậu do các doanh nghiệp hoặc cá nhân phát hành nhưng không được cấp phép, phê duyệt kịch bản. Trong khi các doanh nghiệp phát hành game trong nước phải chi tiền mua bản quyền, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Điều này khiến họ không thể cạnh tranh sòng phẳng với những cá nhân và tổ chức điều hành game lậu.
Yêu cầu Apple, Google gỡ 121 game vi phạm
Cục PTTH&TTĐT đã nhiều lần yêu cầu Apple, Google, Facebook và TikTok gỡ bỏ các quảng cáo, game không phép ra khỏi nền tảng. Kết quả đạt 121 game không phép, cờ bạc, bạo lực đã bị xóa khỏi kho ứng dụng Apple và Google.
Theo số liệu từ Cục PTTH&TTĐT, tính đến 30/10/2020, đã có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng. Đồng thời, có 4 doanh nghiệp đã dừng hoạt động và 50 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do không hoạt động, không hoàn thành các thủ tục quản lý được cơ quan chức năng yêu cầu.
Hiện, Việt Nam có 878 kịch bản trò chơi đã được cấp phép. Trong số đó, 625 trò chơi đang được phát hành và 253 game dừng phát hành. Tính đến tháng 10, có 152 quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi, cao hơn 39 trường hợp so với năm 2019.
Cục PTTH&TTĐT cũng chính thức ra mắt cổng thông tin về game tại địa chỉ gameportal.gov.vn, gameportal.com.vn, gameportal.vn. Cổng thông tin này sẽ giúp các sở Thông tin Truyền thông, cơ quan chức năng, doanh nghiệp tra cứu thông tin. |
Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là 106 doanh nghiệp với 8.332 trò chơi đã được cấp giấy thông báo phát hành.
Tuy vậy, vấn đề đang gặp phải là việc có nhiều tựa game online đang được phát hành trên kho ứng dụng lại chưa được cấp phép, phê duyệt kịch bản. Đại diện Cục PTHH&TTĐT cho biết việc này khiến một số doanh nghiệp trong nước không hoàn thành đầy đủ quyền và trách nhiệm vận hành trò chơi theo pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, việc xử phạt cũng hết sức khó khăn khi không xác định được game lậu hay đã được cấp phép trên các kho ứng dụng. Để xử lý vấn đề này, Cục đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Apple rà soát, thực hiện hiển thị tên đơn vị phát hành game là “đã được Bộ TT&TT cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi G1” trên App Store và Google Play.
Các đơn vị này phải rà soát thoả thuận ủy quyền hợp tác phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam giữa doanh nghiệp và đối tác, bảo đảm doanh nghiệp có đầy đủ khả năng quản lý và cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, đối tác uỷ quyền cho phát hành game không hợp tác, chuyển giao đầy đủ công cụ và quyền quản lý game theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần xem xét tạm dừng hợp tác đến khi vi phạm được khắc phục.
Cục cũng cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về việc nhiều công ty Trung Quốc đang cố tình vi phạm bằng cách cài cắm đường lưỡi bò phi pháp vào game. Quá trình này được thực hiện tinh vi qua các bản cập nhật, nâng cấp. Cục yêu cầu các doanh nghiệp trong nước chủ động rà soát, kiểm tra kịch bản game đã được cấp phép, đặc biệt với các game có nguồn gốc nước ngoài.
Đồng thời, Cục cũng đã phát hiện các ví điện tử hỗ trợ thanh toán game lậu trên AppStore và Google Play. Hiện Cục PTHH&TTĐT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xử lý những trường hợp này.
Mạng xã hội không được đăng bài viết giống báo chí
Cũng trong buổi hội thảo, vấn đề các trang tin và mạng xã hội trong nước đang “báo hóa” cũng được mang ra thảo luận. Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 71/2013/NĐ-CP sắp tới sẽ bổ sung những quy định mới nhằm hạn chế tình trạng này. Tình trạng “báo hóa” hiện nay đang rất phổ biến trên các trang mạng xã hội.
Theo đó, quy định mới sẽ định vị mạng xã hội chỉ là nền tảng, công cụ để người sử dụng trao đổi thông tin, không được tự cung cấp thông tin và các dịch vụ khác. Theo đó, chỉ những tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà. Những tài khoản ảo, chưa được xác minh chỉ được xem tin bài.
Quy định mới sẽ định vị mạng xã hội chỉ là nền tảng, công cụ để người sử dụng trao đổi thông tin, không được tự ý cung cấp thông tin giống báo chí và các dịch vụ khác như hiện nay. |
Bên cạnh đó, các mạng xã hội chỉ được hiển thị thông tin của người dùng theo thời gian thực, không được sắp xếp thành các chuyên mục. Trường hợp trên mạng xã hội đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng “báo hóa”, quy định mới có thể yêu cầu mạng xã hội tiền kiểm thông tin của người dùng, không cho phép đăng bài viết giống sản phẩm báo chí.
Tuy vậy, để hỗ trợ các mạng xã hội nhỏ, mới thành lập, quy định mới dự kiến ban hành chỉ yêu cầu những đơn vị này thông báo theo mẫu mà chưa cần xin phép. Khi mạng xã hội đạt 10.000 thành viên thường xuyên/tháng hay 1 triệu người sử dụng mới phải làm thủ tục cấp phép.