Tại vòng bảng, VFF chính thức đưa hệ thống bán vé trực tuyến vào sử dụng và đã có khoảng hơn 3.700 vé được bán ra qua hình thức này..
Bước đầu, việc triển khai bán vé qua mạng nhận nhiều phản hồi tích cực và nó cho thấy nhiều sự ưu việt hơn so với những cách bán vé truyền thống.
Tuy vậy, số lượng vé bán qua hình thức này còn khá hạn chế nên không ít khán giả buông lời phàn nàn cho rằng cần "cơ cấu" số lượng vé bán trực tuyến nhiều hơn.
Đáp ứng nguyện vọng này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) dự kiến sẽ tăng số lượng vé bán trực tuyến ở trận bán kết và chung kết nếu đội tuyển Việt Nam góp mặt.
Người hâm mộ đặt trực tuyến xếp hàng chờ lấy vé trong buổi chiều 10/11. Ảnh: Quang Thịnh. |
Cụ thể, sẽ có khoảng 25.000 vé được triển khai bán trực tuyến. Mức tăng này là rất đáng kể so với các trận đấu tại vòng bảng.
Trao đổi trong buổi tối 13/11, Phó tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu cho biết đơn vị này đang bàn bạc cùng bộ phận kỹ thuật nhằm đảm bảo vận hành hệ thống một cách tốt nhất trong thời gian mở cổng đăng ký mua vé.
"Chúng tôi mới chỉ có phương án về cơ bản. Còn chi tiết thì cần bàn bạc và thống nhất thêm, đặc biệt về yếu tố kỹ thuật để làm sao phục vụ người hâm mộ tốt nhất", vị này trả lời.
Theo ông, chắc chắn sẽ có sự gia tăng về số lương vé bán trực tuyến, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì vị phó tổng thư ký không tiết lộ: "BTC phải tính toán để mọi thứ vận hành tốt nhất...", ông nói.
BTC đối chiếu, rà soát thông tin người đặt mua trước khi tiến hành trả vé. Ảnh: Quang Thịnh. |
"Thực tế, chúng tôi đã thử nghiệm từ trận Việt Nam gặp Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019 nhưng với số lượng hạn chế. Tới vòng bảng AFF Cup, VFF quyết định đưa vào triển khai phương án này và bước đầu cho thấy sự hiệu quả", ông nói.
Một trong những vấn đề của hình thức bán vé qua mạng từ phía VFF chính là việc kiểm kê, đối chiếu. Trong đợt trả vé đặt trực tuyến vừa qua, đơn vị này mất 3 ngày để trả cho người hâm mộ theo từng mệnh giá khác nhau.
Việc làm này khá mất thời gian và khiến một số người băn khoăn tại sao không thể in vé điện tử giống một số hình thức như in hóa đơn ngân hàng hoặc vé máy bay.
Theo tìm hiểu, việc bán vé còn được kiểm kê, báo cáo và khai báo thông tin với Bộ Tài chính. Tức là, một sự kiện như AFF Cup, phía VFF không thể đưa 2 hình thức vé (điện tử và vé cứng truyền thống) vào sử dụng.
Được biết, những tấm vé đến tay người hâm mộ chỉ là phần "ngọn", VFF có trách nhiệm phải giữ và lưu trữ phần cuống vé nhiều năm sau để phục vụ kiểm toán khi cần.