Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018 ngày 31/12/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tại dự thảo thông tư mới, NHNN dự kiến bổ sung quy định về giảm vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn của ngân hàng thương mại trong trường hợp chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt).
Lý do của việc phải bổ sung quy định cho phép ngân hàng giảm vốn điều lệ đến từ thực tế NHNN đã nhận được đề nghị của ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu giảm vốn theo quy định tại Điều 29 Luật các TCTD.
Tại dự thảo, cơ quan quản lý tiền tệ bổ sung các trình tự, thủ tục, chủ thể phát hành văn bản đề nghị NHNN chấp thuận, quy định về trách nhiệm của cơ quan thành tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với quá trình giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại.
NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn ngân hàng thương mại cổ phần giảm vốn điều lệ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, bổ sung quy định tại Điều 14a về Giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông để phù hợp với các quy định về trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông; quy định về mua lại cổ phần của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại; quy định về công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng.
Trong đó, ngân hàng thương mại muốn giảm vốn điều lệ phải có hồ sơ đề nghị và được NHNN phê duyệt.
Hồ sơ đề nghị bao gồm văn bản đề nghị, trong đó thể hiện lý do muốn giảm vốn; mức vốn hiện tại và mức vốn dự kiến giảm; cam kết giảm vốn không làm giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) và không dẫn đến vi phạm các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông…
Các ngân hàng cũng phải có nghị quyết hoặc quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua phương án giảm vốn bằng việc mua lại cổ phần của cổ đông cũng như kế hoạch mua lại; danh sách cổ đông và cổ đông sở hữu từ 5% vốn trở lên ở thời điểm hiện tại và sau giảm; danh sách sở hữu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng; danh sách cổ đông hoặc người có liên quan sở hữu từ 20% vốn trở lên ở hiện tại và dự kiến sau khi giảm…
Trong quá trình làm thủ tục giảm vốn điều lệ, các ngân hàng cũng phải có đánh giá tác động của việc giảm vốn đối với tình hình hoạt động, an toàn hoạt động của nhà băng (trước và dự kiến sau khi giảm).
Trong đó bao gồm các chỉ tiêu an toàn vốn điều lệ; giá trị thực của vốn điều lệ; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; giới hạn, hạn chế cấp tín dụng…