Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ chỉnh sửa 'quy định ngực lép' để phù hợp hơn

Cả hai bộ Y tế và GTVT đều không thừa nhận dự thảo quy định ngực lép, thấp bé, nhẹ cân không được lái xe máy là do đơn vị mình xây dựng.

Ngày 24/8, trả lời báo chí, ông  Trần Quý Tường, phó Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết ban soạn thảo “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe” vẫn chưa được thành lập.

Do đó vẫn chưa có bản dự thảo thông tư trong đó có các quy định về ngực lép, thấp bé, nhẹ cân… không được lái xe máy. 

Theo ông Tường, hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và chính sách y tế nghiên cứu về thực trạng sức khỏe lái xe, thực trạng cấp phép lái xe và báo cáo bộ để bộ có cơ sở khi xây dựng quy chế mới. Đại diện Bộ Y tế cho rằng, những quy định trong dự thảo ngày 7/8 mà báo chí thông tin là do bộ GTVT lấy từ năm 2008 đưa vào.

Trái lại, ông Nguyễn Thành Lâm – Phó Cục trưởng Cục y tế giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ông đã nhiều lần họp với Bộ Y tế, Bộ Công an về nội dung dự thảo thông tư trên. Ông Lâm khẳng định dự thảo ngày 7/8 ra đời sau cuộc họp lần 2 của ban soạn thảo và các bên đã cơ bản thống nhất các nội dung, trong đó vẫn giữ nguyên các quy định ngực lép, thấp bé, nhẹ cân không được lái xe máy.

Cũng theo ông Lâm, để xây dựng dự thảo thông tư trên, Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập ban soạn thảo gồm 30 người. Hiện ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục tiếp thu ý kiến và chỉnh lý để trình 2 bộ trưởng ký.

Ông Lâm cho rằng nhiều quy định trong dự thảo này cần phải chỉnh sửa vì phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cụ thể là cần phải quy định rõ hơn các tiêu chuẩn về thể lực theo giới tính hoặc theo từng loại xe khác nhau.

“Ví dụ, nam thường khỏe hơn nữ và hiện tại có những loại phương tiện cần rất ít thể lực để điều khiển. Chúng ta không thể tham khảo các quy chuẩn của nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam được”, ông Lâm nhận định.

Bổ sung, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ GTVT cho rằng trả lời của Bộ Y tế về việc chưa có dự thảo trên là chưa chính xác. Bộ Y tế đã thành lập một ban soạn thảo tiêu chuẩn sức khỏe gồm nhiều người và đã họp nhiều lần. Bên Bộ GTVT chỉ tham gia 2 người.

Ông Triển cho biết cách đây một tháng, Cục Y tế (bộ GTVT) đã xây dựng một thông tư nền để gửi cho Bộ Y tế. “Khi xây dựng văn bản này chúng tôi cũng đã tham khảo, rút kinh nghiệm từ những quy định từ năm 2008 để tránh những quy định không phù hợp. Sau đó bộ Y tế tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thành một dự thảo mới”, ông Triển nói.

Như đã thông tin, Dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe (ngày 7/8 của Bộ Y tế và Bộ GTVT) quy định người cao dưới 1,45m, nặng dưới 40kg và vòng ngực dưới 72cm sẽ không được lái xe hạng A1 (xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175cm3).

Cạnh đó, lực bóp tay thuận phải đạt trên 26kg, lực bóp tay không thuận trên 24kg và lực kéo thân phải trên 70kg. Nếu không đạt một trong 6 tiêu chí thể lực trên sẽ không đủ điều kiện để lái xe trên 50cm3, không phân biệt giới tính.

Cũng theo quy định của dự thảo, điều kiện lái các loại xe hạng giấy phép B1 (xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg không kinh doanh vận tải) cũng tương tự hạng A1 nhưng người lái xe phải cao hơn 1,5m. Người lái xe mô tô trên 175cm3, ô tô chở người từ 10 trở lên, ô tô tải, đầu kéo có rơmoóc từ 350kg trở lên phải cao hơn 1,62m, nặng trên 47kg và có vòng ngực lớn hơn 78cm.  

Ngoài 6 tiêu chí về thể lực, dự thảo còn quy định 77 loại tiêu chí khác quy định về chức năng sinh lý, bệnh tật . Đặc biệt trong đó có quy định những người bị bệnh da liễu, trĩ, suy thận... ở một số cấp độ khác nhau sẽ không đủ điều kiện lái những loại xe khác nhau.

Theo kế hoạch, thông tư này sẽ được ban hành vào đầu năm 2014.

 

Thanh Lưu

Bạn có thể quan tâm