Theo vị lãnh đạo này, không phải ngẫu nhiên mà cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng đề nghị xem xét lại về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Việc các doanh nghiệp lập ra nhiều tầng nấc trung gian để phân phối, nếu xét về bản chất, có thể coi là dấu hiệu chuyển giá vì giúp giảm số tiền phải nộp thuế TTĐB.
Kết luận kiểm toán là căn cứ để thực hiện
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có văn bản phản ứng về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước gửi các bộ ngành, nhưng trả lời về định hướng với khoản tiền Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải thu từ Sabeco, vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hướng của bộ này là sẽ thực hiện nghiêm theo kiến nghị của kiểm toán, có nghĩa sẽ yêu cầu Sabeco nộp vào ngân sách 467 tỷ, trong đó có 408 tỷ tiền thuế TTĐB!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Họa - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, người ký văn bản kiến nghị về trường hợp Sabeco gửi Bộ Tài chính - xác nhận kết luận kiểm toán kiến nghị Sabeco cần nộp thêm thuế TTĐB năm 2013 là 408 tỷ đồng. Ông Họa khẳng định theo Luật kiểm toán Nhà nước, kết luận kiểm toán là căn cứ để tổ chức thực hiện.
Cụ thể, điểm D khoản 2 điều 9 của Luật kiểm toán nhà nước quy định rõ: Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính. “Do đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện chứ không thể cho rằng thích nộp thì nộp, trường hợp có ý kiến khác thì phải có khiếu nại”, ông Họa nói.
Kho lưu trữ bia thành phẩm tại Nhà máy Bia Sài Gòn sáng 22/4. |
Cũng theo ông Họa, qua kiểm toán Sabeco, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện lỗ hổng pháp lý ở đây. Cụ thể, doanh nghiệp này đã bán hàng qua nhiều tầng nấc trong hệ thống với giá thấp để trốn thuế. Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách. Đó là cần quy định rõ giá tính thuế TTĐB trong trường hợp cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh thương mại là công ty con của cơ sở sản xuất thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để tránh thất thu thuế TTĐB cho ngân sách nhà nước.
Sớm sửa chính sách để bịt kẽ hở
Theo bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Luật thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trong tháng 7 hoặc tháng 8 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều Luật TTĐB và Luật TTĐB sửa đổi. Một điểm căn bản mà Bộ Tài chính đề xuất là sửa đổi, bổ sung cách tính thuế TTĐB đối với các mặt hàng chịu sắc thuế này.
Cụ thể, để tránh cách hiểu khác nhau đối với các sản phẩm như bia sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra.
Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, công ty liên kết thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con hoặc công ty liên kết bán ra thị trường nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại. Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Như vậy, dự thảo mới sẽ “khóa” chặt hơn, chênh lệch giữa giá tính thuế TTĐB và giá sản phẩm được bán ngoài thị trường sẽ chỉ được chênh nhau 5%. Điều này sẽ giúp hạn chế khả năng các doanh nghiệp lập các khâu trung gian nhằm bán giá thấp cho nhau, lấy giá đó tính thuế. Sau khi tính thuế xong thì nâng vọt lên bán cho người tiêu dùng...
Thành lập nhiều công ty con, công ty cháu để trốn thuế?
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cũng vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB sửa đổi. Đáng chú ý, tại tờ trình này, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập so với thực tế, trong đó nhấn mạnh việc một số doanh nghiệp đã thành lập các công ty con, công ty liên kết để... chuyển giá.
Không nêu cụ thể trường hợp Sabeco nhưng tờ trình của Bộ Tài chính nêu quy định hiện hành chỉ phù hợp với các cơ sở sản xuất bia, rượu, thuốc lá... có các cửa hàng trực tiếp bán lẻ sản phẩm. Song do chưa có quy định về áp giá tính thuế TTĐB như thế nào đối với trường hợp người nộp thuế bán hàng qua công ty con của chính họ.
“Vì vậy nhiều người nộp thuế, bao gồm cả cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, đều thành lập công ty con, công ty cổ phần (chiếm cổ phần chi phối) để phân phối sản phẩm, chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp cho ngân sách”, Bộ Tài chính cho biết.
Thuế TTĐB ôtô còn nhiều bất cập
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã cho biết như vậy. Theo đó, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế TTĐB đối với ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ là giá bán ra của nhà nhập khẩu.
Hiện cách tính thuế TTĐB đối với ôtô nhập khẩu đang có bất cập, chưa thật sự công bằng với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước. Bởi cách tính giá để tính thuế TTĐB đối với ôtô nhập khẩu loại dưới 24 chỗ ngồi là tính trên giá CIF (giá thực tế phải trả đến cửa khẩu nhập đầu tiên) cộng thuế nhập khẩu, trong khi đối với ôtô sản xuất trong nước là theo giá bán ra.
Bà Mai cũng nói thêm theo cam kết thuế đối với các nước trong nội khối ASEAN, thuế ôtô nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% vào năm 2018. Rõ ràng việc xác định giá tính thuế như hiện nay đối với ôtô nhập khẩu còn không đảm bảo tính cạnh tranh giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước.
Cụ thể, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính - cho biết, thuế TTĐB đối với ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi được tính ngay ở cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan. Giá tính thuế là giá CIF cộng thuế nhập khẩu. Khi doanh nghiệp bán xe ra thị trường, thuế TTĐB được tính trên giá bán và trừ phần thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, mức trừ tối đa bằng mức đã nộp khi làm thủ tục hải quan.
Đồng thời, theo bà Mai, Bộ Tài chính cũng đề xuất cần phải khống chế mức lợi nhuận và chi phí tối thiểu đối với ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi. Qua ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội... Bộ Tài chính đang cân nhắc xem nên quy định là 5% hay 10%.