Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về đợt bán đấu giá cả lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty CP Dược Lâm Đồng - Ladophar.
Theo đó, SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 2,495 triệu cổ phiếu LDR, tương đương gần 32% vốn nắm giữ tại doanh nghiệp sản xuất dược này.
Giá khởi điểm cổ đông Nhà nước đưa ra là 28.100 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu bán thành công số vốn nói trên, SCIC sẽ thu về khoảng 70 tỷ đồng.
Theo quy chế bán đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài không được mua cổ phần đợt đấu giá. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 16/9 đến 9/10 và phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 10/10 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đáng chú ý, trong khi SCIC đưa ra mức giá 28.100 đồng/cổ phiếu thì thực tế thị giá của LDP trên sàn chứng khoán chỉ ở mức 22.300 đồng, thấp hơn 17% giá bán khởi điểm.
Tuy nhiên, hiện tại cổ phiếu LDP đang bị HNX đưa vào diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 báo số âm. Điều này khiến thanh khoản giao dịch trên sàn của LDP rất nhỏ, trung bình mỗi phiên có khoảng 200 cổ phiếu được khớp lệnh.
Dược Lâm Đồng chính là công ty do đại gia điện máy Nguyễn Kim sở hữu hơn 51% vốn. Ảnh: L.Q. |
Đây cũng không phải lần đầu tiên SCIC mang số cổ phần trên ra đấu giá. Trước đó, tháng 12/2018, SCIC từng mang lô cổ phần này đấu giá cạnh tranh với giá khởi điểm 42.600 đồng/cổ phiếu nhưng thất bại.
Như vậy, sau hơn 9 tháng, SCIC đã phải hạ giá lô cổ phần nắm giữ tại Dược Lâm Đồng xuống 34%.
Công ty CP Dược Lâm Đồng tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng được thành lập từ năm 1982 sau khi sáp nhập hai Công ty Dược liệu và Dược phẩm.
Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã hoàn tất mua vào hơn 1,26 triệu cổ phiếu LDP, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu tại đây lên hơn 4 triệu đơn vị, chiếm hơn 51% vốn điều lệ.
Hiện tại, Đầu tư Nguyễn Kim vẫn là cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối hoạt động của Dược Lâm Đồng.
Đáng chú ý, Đầu tư Nguyễn Kim chính là một trong hai pháp nhân lớn nhất thuộc hệ sinh thái doanh nghiệp của đại gia điện máy Nguyễn Kim.
Đầu tư Nguyễn Kim có vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, và do đại gia Nguyễn Kim là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Kim còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Thương Mại Nguyễn Kim, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim nổi tiếng tại thị trường phía Nam.
Đầu tư Nguyễn Kim bắt đầu rót vốn vào Dược Lâm Đồng từ cuối năm 2014 khi chi ra hàng chục tỷ đồng mua lại 10% vốn tại đây.
Ngoài Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim cũng còn có khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Công ty dược FT Pharma.
Trước Nguyễn Kim, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ điện máy khác cũng có động thái "chen chân" vào lĩnh vực phân phối dược phẩm như Thế Giới Di Động với chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang; hay FPT Retail với chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Về phần Dược Lâm Đồng, công ty có vốn điều lệ 78,3 tỷ đồng, nhưng doanh thu hàng năm đều xấp xỉ 500 tỷ và báo lãi đều đặn hàng năm.
Tuy nhiên, trong năm gần nhất, công ty bất ngờ báo lỗ do là năm đầu tiên triển khai chiến lược phát triển công ty 5 năm.
Doanh thu bán hàng năm 2018 sụt giảm 18%, hàng loạt chi phí cùng giá vốn tăng cao khiến Dược Lâm Đồng lỗ trước thuế gần 20 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi hơn 16 tỷ đồng.
Cũng trong nửa đầu năm qua, Dược Lâm Đồng ghi nhận 181 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14%. Nhờ cắt giảm được giá vốn nên lãi gộp công ty thu về tăng 21%, đạt 34 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chi phí trong kỳ tăng, đặc biệt là chi phí bán hàng tăng 45% khiến công ty ghi nhận thêm khoản lỗ trước thuế gần 7 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo, chi phí tăng chủ yếu nằm ở đầu tư cho nhân sự, marketing, và điều chỉnh một số chi phí phân bổ trong 12 tháng sang 6 tháng đầu năm.
Tính đến cuối tháng 6, Dược Lâm Đồng đang có khoản lỗ lũy kế hơn 14 tỷ đồng.