Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SCIC đã nhận đủ gần 7.400 tỷ đồng từ An Quý Hưng cho cổ phần Vinaconex

Chiều nay (4/12), SCIC cho biết đã nhận đủ số tiền 7.366 tỷ đồng từ Công ty TNHH An Quý Hưng, đơn vị đưa ra mức giá cao nhất trong phiên đấu giá cổ phần của Vinaconex mới đây.

Chiều 4/12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo đã nhận đủ số tiền 7.366 tỷ đồng từ Công ty TNHH An Quý Hưng. Đây chính là tiền An Quý Hưng thanh toán cho cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex trong phiên đấu giá mới đây. Số tiền này bao gồm hơn 540 tỷ đồng đặt cọc.

Như vậy, Vinaconex đã chính thức trở thành công ty con của An Quý Hưng với tỷ lệ sở hữu 57,7% vốn điều lệ, tương đương gần 255 triệu cổ phiếu VCG.

Trong phiên đấu giá ngày 22/11, An Quý Hưng đã mua thành công trọn lô cổ phiếu này với mức giá 28.900 đồng mỗi cổ phần, cao hơn gần 36% so với giá khởi điểm. Tổng giá trị số cổ phần bán được đạt gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn 1.900 tỷ đồng so với quy mô đợt đấu giá tính theo mức thấp nhất.

Công ty TNHH An Quý Hưng hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản có đăng ký kinh doanh tại Chương Mỹ, Hà Nội. Quy mô tài sản của công ty này thấp hơn nhiều so với số tiền chi ra để mua trọn lô cổ phần Vinaconex của SCIC.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tính đến cuối năm 2017, An Quý Hưng có tổng tài sản chỉ gần 1.000 tỷ đồng, tương đương chưa tới 1/7 số tiền phải chi trả cho thương vụ thâu tóm này.

Kết quả kinh doanh của công ty cũng khá khiêm tốn so với quy mô của thương vụ khi chỉ ghi nhận 956 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 62 tỷ đồng lãi ròng sau thuế trong năm 2017.

SCIC da nhan du 7.400 ty tu an quy hung anh 1
Ông Nguyễn Xuân Đông, đại gia đứng sau thương vụ thâu tóm Vinaconex.

Trước thời điểm tham gia phiên đấu giá, công ty có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, sau đó tăng lên 500 tỷ đồng. Hai cổ đông chính là ông Nguyễn Xuân Đông và vợ, bà Đỗ Thị Thanh.

Vinaconex tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài được thành lập từ năm 1988, kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng tại các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động.

Công ty này là chủ đầu tư của hàng loạt dự án khu đô thị mới đời đầu của Hà Nội như Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Vinaconex hiện sở hữu và quản lý danh mục đất rộng tới 3,2 triệu m2 ở nhiều tỉnh, thành phố. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến cổ phần doanh nghiệp này hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá vừa qua.

Ngoài các dự án, lô đất trực tiếp sở hữu, Vinaconex còn nắm giữ lợi ích tại nhiều dự án lớn khác gián tiếp qua các công ty con.

Vinaconex có gì để hấp dẫn nhà đầu tư?

Doanh nghiệp đang có dấu hiệu kinh doanh sụt giảm, vì sao phiên đấu giá cổ phần Vinaconex lại thành công ngoài mong đợi, với sự bạo chi của một nhà đầu tư nhỏ?

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm