Sáng 21/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi Roadshow giới thiệu về cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk. Thông tin về việc chào bán 9% cổ phần của Vinamilk sẽ được SCIC công bố sớm nhất trong tuần tới.
Chưa xác định được nhà đầu tư cụ thể
Theo kế hoạch thoái vốn của SCIC, tổng khối lượng cổ phần chào bán đợt này là hơn 130 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ VNM. Thời gian diễn ra phiên giao dịch và ký hợp đồng là ngày 2/12.
Hiện tại vẫn chưa xác định được giá khởi điểm nhưng nhiều thông tin cho rằng giá sẽ được duy trì ở mức 145.000 đồng mỗi cổ phiếu. Đồng thời SCIC cũng đưa ra quy định, giá đặt mua của nhà đầu tư không được thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn mà SCIC đưa ra của ngày chào bán (được xác định từ kết quả giao dịch của phiên đóng cửa, lúc 14h45 ngày T-1, ngày chào bán có giao dịch thành công).
Cơ hội chia đều cho tất cả các nhà đầu tư khi SCIC chào bán 9% cổ phần Vinamilk Ảnh: Vinamilk. |
Ngoài ra, SCIC cũng quy định đối với trường hợp mức giá sàn được định giá cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với khoảng giá mà nhà đầu tư chấp nhận thì nhà đầu tư có thể lựa chọn hủy đăng ký tham dự chào bán cho đến 16h ngày T-1.
Do vậy, mức giá sàn trở thành một nhân tố trong quan trọng quyết định đến sự thành công của đợt chào bán lần này của SCIC.
Trả lời câu hỏi về khả năng tham gia của cổ đông chiến lược F&N của Vinamilk, đại diện SCIC cho rằng thời điểm này đơn vị vẫn chưa tiếp nhận được thông tin chính thức ngỏ ý đầu tư mua cổ phần SCIC thoái vốn. Riêng cổ đông lớn F&N vẫn chưa có động thái gì cho thấy việc sẽ tiếp tục tham gia.(F&N là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu gần 11% cổ phần của Vinamilk).
Trước sự băn khoăn về bảo mật thông tin đấu giá, vì sao vẫn chưa công khai hoàn toàn thông tin…của nhà đầu tư nước ngoài, đại diện SCIS cho rằng việc bảo mật thực hiện theo quy chế và đúng với chuẩn mực của quốc tế. Trong đợt thoái vốn này của Vinamilk, SCIC không bán chỉ cho nhà đầu tư chiến lược mà mở ra cơ hội bình đẳng cho mọi người, ai yêu quý Vinamilk thì có thể đăng ký tham gia mua cổ phần.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết, trong tuần tới, đơn vị sẽ công khai toàn bộ các thông tin liên quan đến phiên chào bán 9% vốn tại VNM.
Về kế hoạch thoái vốn tiếp theo, ông Chi cho biết, năm 2016 SCIC chỉ bán 9% sau đó sẽ đánh giá lại tình hình rồi mới tiếp tục công khai kế hoạch sớm nhất đến nhà đầu tư và công chúng.
Bà Mai Kiều Liên để ngỏ khả năng ở lại
Giá sữa nguyên liệu là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người tham gia vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Vinamilk.
Tuy nhiên theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, trong vòng 5 năm tới giá sữa nguyên liêu sẽ không tăng trở lại như giai đoạn 2014. Giá sữa tăng khoảng 25-30% đầu năm nay chủ yếu do chính sách trợ giá của châu Âu. Đồng thời, mức giá sữa hiện nay là khá hợp lý sau khi giá đã ở vùng đáy khá lâu.
“Vinamilk không chịu nhiều áp lực bởi tăng giá nguyên liệu”, bà Liên khẳng định.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết TPP không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của Vinamilk vì trước đó thuế suất từ các thị trường xuất - nhập khẩu chính như Australia và New Zealand đã về 0%.
“Về kế hoạch trong vòng 3 năm tới đối với người nông dân, nếu có TPP thì năng suất phải tăng thêm để giảm giá thành so với mức chung của thế giới”, bà Liên cho biết.
Đặt kế hoạch duy trì tăng trưởng 7% trong vòng 5 năm tới nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng phải lấy mục tiêu là được thị phần. Tính đến nay, tổng mức đầu tư cho 5 năm vừa qua khoảng 13.000 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định sẽ đầu tư thêm tương đương với con số đó.
Về ý kiến cho rằng uy tín doanh nghiệp có thể không còn được như trước khi bà Mai Kiều Liên rút khỏi vị trí điều hành, nữ Tổng giám đốc chia sẻ: “Trong 2 năm vừa qua VNM đang chuẩn bị lực lượng kế thừa, còn việc tôi có còn tiếp tục làm việc hay không thì điều đó còn phải do đại hội đồng cổ đông và ban điều hành đưa ra trong cuộc họp vào giữa năm sau”.