Variety đưa tin ngày 29/7, đoàn luật sư của Scarlett Johansson đã trình hồ sơ lên tòa án tối cao Los Angeles với cáo buộc hãng Walt Disney đơn phương vi phạm hợp đồng khi không phát hành độc quyền bộ phim Black Widow tại các rạp chiếu.
Văn bản gửi tòa của các luật sư đại diện cho Johansson có đoạn: “Disney đã khiến Marvel Studios phải vi phạm hợp đồng mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Mục đích của hành động này là ngăn cản bà Johansson ý thức được đầy đủ về khoản lợi nhuận mà thỏa thuận giữa mình và Marvel Studios sẽ mang lại”.
Thiệt hại của Scarlett Johansson
Theo Variety, phần lớn khoản chia sẻ lợi nhuận Johansson nhận được khi tham gia Black Widow đến từ tiền lãi bán vé của phim. Tuy nhiên, chỉ đến khi doanh thu toàn cầu của tác phẩm chạm tới một mốc nhất định, nữ diễn viên mới nhận được khoản ăn chia này.
Mâu thuẫn trong việc ăn chia lợi nhuận đã dẫn tới việc Scarlett Johansson đệ đơn kiện Disney. Ảnh: E! |
Trong hồ sơ khởi kiện, phía Scarlett Johansson chỉ ra giá cổ phiếu Disney đã tăng sau khi “nhà chuột” tiết lộ mức doanh thu từ tiền thuê phim trên dịch vụ Disney+ của Black Widow.
Văn bản có đoạn: “Disney đã chọn làm đẹp lòng các nhà đầu tư Phố Wall và lợi nhuận thay vì tạo điều kiện cho Marvel Studios tuân thủ đúng điều khoản trong hợp đồng” và “Không ai bất ngờ khi quyết định vi phạm hợp đồng của Disney đã lôi kéo hàng triệu người hâm mộ MCU khỏi rạp chiếu để tới với dịch vụ Disney+”.
The Wall Street Journal, kênh đầu tiên đưa tin về vụ kiện, dẫn lời một nguồn tin thân cận với Johansson cho hay ước tính quyết định phát hành Black Widow song song tại rạp và trên dịch vụ trực tuyến của Disney đã khiến nữ diễn viên thiệt hại khoản tiền lên đến 50 triệu USD.
“Chúng ta đều biết Disney phát hành song song những bộ phim như Black Widow lên Disney+ trước mắt nhằm gia tăng số lượng người dùng và sau đó là nâng giá cổ phiếu của công ty. Mục đích này được che giấu sau tấm bình phong mang tên Covid-19”, luật sư John Berlinski - thành viên trong đoàn luật sư của Johansson - chia sẻ với Variety.
Cơ hội để tạo ra thay đổi
Vụ kiện của Johansson xảy ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thay đổi trong cách các diễn viên hạng A tại Hollywood được trả thù lao.
Thời gian qua, nhiều diễn viên thuộc top đầu tại Hollywood đã liệt kê khoản chia sẻ lợi nhuận từ tiền lãi bán vé vào hợp đồng ký với hãng phim.
Nhưng sự nở rộ của các dịch vụ xem video trực tuyến khiến khoản thu này trở nên khó xác định. Thêm vào đó, việc các hãng phim lớn như Warner Bros. hay Disney lựa chọn phát hành tác phẩm trên các dịch vụ trực tuyến “cây nhà lá vườn” cũng gián tiếp phá bỏ công thức tính thù lao này.
Black Widow đối mặt nguy cơ trở thành phim siêu anh hùng Marvel có doanh thu thấp nhất. Ảnh: Disney. |
Khi Warner Bros. quyết định phát hành toàn bộ tác phẩm điện ảnh mới trong năm 2021 song song tại rạp và trên dịch vụ trực tuyến, hãng đã phải trả thêm hàng chục triệu USD cho các ngôi sao của mình.
Will Smith, Denzel Washington và Keanu Reeves là những tài tử đã nhận toàn bộ phần ăn chia tiền lãi của bộ phim mình góp mặt được Waner Bros. phát hành trên HBO Max.
Nếu thành công, vụ kiện của Johansson có thể khuyến khích thêm nhiều diễn viên gặp hoàn cảnh tương tự lên tiếng đòi khoản thu nhập mình xứng đáng nhận được. Tình huống cũng thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ nghệ sĩ khi tác phẩm của họ không được phát hành độc quyền tại rạp.
Các luật sư của Johansson cũng cho hay vụ kiện của nữ diễn viên có thể trở thành một tiền lệ.
Khi bom tấn hóa bom xịt
Đoàn luật sư của Johansson cũng tiết lộ việc đại diện của nữ diễn viên từng lo ngại Black Widow sẽ được Disney phát hành trên Disney+ từ trước khi tình hình đại dịch trở nên căng thẳng.
Bằng chứng được ê-kíp đưa ra trước tòa là những email gửi tới đại diện Disney, yêu cầu hãng cam kết phát hành độc quyền Black Widow tại rạp.
Màn chia tay MCU của Johansson đã mang về cho Disney hàng chục triệu USD doanh thu từ dịch vụ xem video trực tuyến Disney+. Ảnh: Marvel Studios. |
Đáp lại, trưởng ban cố vấn Dave Galluzzi của Marvel Studios hứa hẹn một kế hoạch phát hành theo cách truyền thống kèm lời giải thích “Một khi kế hoạch thay đổi, chúng tôi sẽ phải trao đổi với các bạn và đi đến thống nhất rằng chúng ta đang thương lượng về tương lai một mảnh ghép trong thương hiệu phim có lợi nhuận khổng lồ”.
Hồi tháng 3, Disney từng tuyên bố Black Widow nằm trong danh sách phim điện ảnh sẽ được phát hành song song tại rạp và trên dịch vụ xem video trực tuyến Disney+ với mức phụ phí 30 USD.
Ngày 9/7, phim phát hành và nhanh chóng xác lập kỷ lục tác phẩm có doanh thu mở màn cao nhất đại dịch với 80 triệu USD tại Bắc Mỹ, 78 triệu USD quốc tế và 60 triệu USD trên dịch vụ Disney+.
Tuy nhiên, doanh thu phòng vé của Black Widow giảm mạnh trong các tuần tiếp theo. Sau 3 tuần, bộ phim siêu anh hùng đang dừng chân ở mốc 319 triệu USD doanh thu toàn cầu. Con số đặt tác phẩm trước nguy cơ trở thành một trong các bộ phim có doanh thu thấp nhất Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Không lâu sau khi phim ra mắt, Hiệp hội Chủ sở hữu rạp chiếu phim Mỹ (NATO) đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch phát hành của Disney là nguyên nhân khiến Black Widow thất bại tại phòng vé.
Đại diện Disney vẫn chưa đưa ra phản hồi về sự việc.