Trao đổi với Zing trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới của Savills Mỹ nhấn mạnh các khách hàng của hãng tư vấn này đang rất hào hứng với thị trường Việt Nam. Nhu cầu thuê văn phòng, mở nhà máy, cửa hàng tại đây tăng trưởng đều đặn suốt những năm qua.
Đó là lý do ông đến Việt Nam để mở rộng quan hệ hợp tác với các cộng sự cũng như đối tác địa phương, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng tại Mỹ.
Từ giai đoạn thử nghiệm đến mở rộng kinh doanh
Theo ông Dominic Harding, bất cứ doanh nghiệp nào khi đặt chân vào một thị trường mới đều phải trải qua giai đoạn thâm nhập thị trường để kiểm tra tính hiệu quả. Với Việt Nam, ông cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đã không còn hoài nghi.
"Việt Nam đã vượt qua 'bài kiểm tra' của các doanh nghiệp Mỹ. Giờ đây, đất nước này đã khẳng định mình là địa điểm lý tưởng để bắt đầu kinh doanh và mở rộng hoạt động trong dài hạn", ông nói và lấy dẫn chứng từ Apple.
Ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới của Savills Mỹ. Ảnh: Savills. |
Thực tế, sau những năm đầu tiên chỉ sản xuất tai nghe Airpods tại Việt Nam, nay ông lớn này đã chuyển thêm một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng Ipad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam.
Chiến lược của Apple kéo một loạt đối tác lớn như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Theo ông, lợi thế của Việt Nam là ngay gần Trung Quốc, đồng thời dễ dàng kết nối với nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới. Do đó, trước làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi đây là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa và có nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp để hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.
Trong cuộc trò chuyện cùng Zing, vị lãnh đạo tại Savills Mỹ bày tỏ sự ấn tượng với cách Việt Nam ứng phó đại dịch, cũng như các chỉ số của nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.
Trong khi nhiều quốc gia đang trải qua suy thoái kinh tế và áp lực lạm phát nặng nề, Việt Nam vẫn duy trì mức lạm phát dưới 4% và được các tổ chức quốc tế dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 6-7%. Những yếu tố này góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.
Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cũng chính vì vậy, không chỉ Mỹ mà các quốc gia khác cũng ngày càng hứng thú với Việt Nam. Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết ngay sau đại dịch đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các đơn vị quản lý quỹ nước ngoài, quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư trực tiếp.
"Quy mô và phạm vi đầu tư rất rộng, nhu cầu tăng lên nhiều so với trước đây. Điển hình là phân khúc bất động sản công nghiệp nhận được vốn đầu tư đáng kể từ các nhà quản lý quỹ khu vực cũng như các khách thuê trên toàn cầu", ông nói.
Sự thu hút có kéo dài?
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Savills Việt Nam Neil MacGregor, điều quan trọng là Việt Nam có duy trì được sức hút này hay không. Trước đây, Trung Quốc là "công xưởng sản xuất" của thế giới, nhưng nay các doanh nghiệp buộc phải rời đi hoặc tìm thêm một "công xưởng" mới bởi những thay đổi trong chính sách điều hành trong đại dịch.
Đây là lúc Chính phủ Việt Nam được đánh giá cao. Do đó, để chứng minh là quốc gia phù hợp cho kinh doanh bền vững, Việt Nam cần tiếp tục cách tiếp cận với doanh nghiệp như hiện nay, theo hướng hỗ trợ và đồng hành tối đa.
Từ góc nhìn quốc tế, ông Chris Marriott - Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á - đánh giá môi trường chính trị xã hội bền vững đã luôn là một trong những động lực chính thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, công nghệ và bất động sản từ nhiều quốc gia đến Việt Nam xây dựng văn phòng đại diện, văn phòng thu mua, nhà máy, nhà kho, trung tâm logistics...
Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu so với các quốc gia khác trong khu vực
Ông Chris Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á
Sự tham gia của những tập đoàn lớn từ những nền kinh tế phát triển đã tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường Việt Nam cũng trở nên tự tin hơn. Điều này thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Trong khi Thái Lan chủ yếu phát triển nông nghiệp, Indonesia tập trung vào xuất khẩu nhiên liệu, các quốc gia Đông Nam Á khác phụ thuộc vào gia công dệt may, thì Việt Nam có ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất là điện tử, điện thoại", ông Chris Marriott phân tích.
Dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy các dự án được tăng vốn với quy mô lớn nhất thuộc về lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao, nâng quy mô điều chỉnh vốn bình quân đạt gần 14 triệu USD/lượt điều chỉnh, gần gấp đôi cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/6 vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký đã vượt 14 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản. Điều đáng nói, chiếm đa số trong dòng vốn vào bất động sản cũng là các khoản đầu tư vào bất động sản công nghiệp và logistics.