Guardian dẫn nguồn tin các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc nói rằng Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tiến hành một chiến dịch vận động hành lang, khiến Mỹ và một số thành viên Hội đồng Bảo an ngăn chặn một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và nối lại viện trợ nhân đạo ở Yemen.
Nghị quyết do Anh soạn thảo, kêu gọi dừng các hoạt động giao tranh giữa 2 phe tại thành phố cảng Hodeidah và kêu gọi các bên liên quan đảm bảo dược phẩm, thực phẩm có thể được chuyển tới an toàn cho Yemen khi quốc gia này đang phải đối mặt với nạn đói đe doạ mạng sống của 14 triệu người. Cảng Hodeidah là địa điểm chính tiếp nhận hàng viện trợ.
Một binh sĩ thuộc lực lượng thân chính phủ đi qua vùng chiến sự ở thành phố cảng Hodeidah. Ảnh: AFP. |
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã bày tỏ sự phản đối kịch liệt với nghị quyết này khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đến thăm Riyadh ngày 12/11. Sau đó, phía Anh vẫn muốn lệnh ngừng bắn được giới hạn trong khu vực thành phố Hodeidah, nhưng tránh chỉ trích trực tiếp liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, vốn đang tham gia cuộc xung đột ở Yemen.
Anh cho rằng họ sẽ có sự ủng hộ của Mỹ vì vào hồi tháng 10, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, nỗ lực của Anh nhanh chóng đã gặp phải sự phản đối của một số thành viên Hội đồng Bảo an. Mỹ, Trung Quốc, Kazakhstan và Ethiopia đều đề nghị hoãn nghị quyết cho đến khi cuộc đàm phán hòa bình Yemen tại thành phố Stockholm (Thụy Điển) trong tháng tới diễn ra giữa phe nổi dậy Houthi và chính phủ đang lưu vong của Yemen.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Yemen, ông Martin Griffiths hy vọng một cuộc gặp giữa 2 bên sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 3-13/12.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Yemen, ông Martin Griffiths (tóc trắng) sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo lực lượng Houthis, ông Mohammed Ali al-Houthi (đội mũ đỏ ngay sau ông Griffiths) tại thủ đô Sana'a vào cuối tuần vừa rồi. Ảnh: AFP. |
Theo các nguồn tin ngoại giao, chỉ có Ba Lan, Hà Lan và Peru ủng hộ nghị quyết. Pháp, Nga và Thụy Điển nằm trong số những thành viên còn lại, thường trực và không thường trực, của Hội đồng Bảo an không có ý kiến. Các nhà ngoại giao Anh cảnh báo rằng mối đe dọa của nạn đói nghiêm trọng đến mức không nên trì hoãn việc thông qua nghị quyết. Nguồn tin cũng cho biết Anh đã hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng từ các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an.
Các nguồn tin ngoại giao ở Liên Hợp Quốc cũng cho biết Saudi Arabia và UAE đã tích cực vận động hành lang với các thành viên của Hội đồng Bảo an trong tuần vừa rồi trước thời điểm nghị quyết được đưa ra.
"Những người Saudi đã tốn tiền một số phái đoàn, nói rằng chính phủ Yemen (do Saudi hậu thuẫn) sẽ không đến Stockholm nếu nghị quyết được thông qua", một nhà ngoại giao nói. "Lý do là họ không muốn Hội đồng Bảo an kiềm tỏa khả năng sử dụng hành động quân sự của họ. Họ tin họ có thể đánh thắng Houthi".