Nếu được ký kết, thỏa thuận này có thể dẫn đến sự sắp xếp lớn trật tự chính trị ở Trung Đông, theo New York Times.
Yêu cầu đầy tham vọng của Riyadh mang đến cho Tổng thống Biden cơ hội làm trung gian cho một thỏa thuận kịch tính, tái định hình mối quan hệ giữa Israel và quốc gia Arab hùng mạnh nhất.
Thỏa thuận này cũng hoàn thành một trong những mục tiêu ấp ủ lớn nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhằm tăng cường an ninh trước Iran.
Điều kiện của Saudi Arabia
Theo New York Times, các quan chức và chuyên gia ở cả Mỹ và Trung Đông có quan điểm trái ngược về đề xuất của Saudi Arabia, do mối quan hệ lạnh nhạt giữa ông Biden và Thái tử Mohammed bin Salman.
Gần đây, tình trạng bạo lực giữa Israel và Palestine cũng gia tăng. Chính phủ Saudi nhiều lần công khai lên án các hành động của Israel, làm mờ đi triển vọng thỏa thuận trong ngắn hạn.
Vào tháng 2, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan mô tả tình hình ở Israel “rất nguy hiểm” và nói bất kỳ mối quan hệ nào với nước này phải “bao gồm cả người Palestine, vì nếu không giải quyết vấn đề nhà nước Palestine, chúng tôi sẽ không có một nền hòa bình thực sự trong khu vực”.
Tuy nhiên, Wall Street Journal dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết chính phủ Riyadh có thể sẽ hạ thấp yêu cầu.
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters. |
“Thật thú vị. Ông Netanyahu rất muốn điều đó và ông ấy chỉ có thể đạt được với sự giúp đỡ của ông Biden”, Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, nhận định.
“Tình huống này giúp Tổng thống Biden có đòn bẩy để thuyết phục ông Netanyahu rằng sẽ không có gì tốt đẹp xảy ra với Saudi Arabia nếu Israel khiến tình hình ở Bờ Tây và Đông Jerusalem bùng nổ”, ông cho hay.
Vị cựu đại sứ cũng nói thêm ông Biden sẽ coi việc bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia là vì lợi ích của Mỹ, nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran.
Tuy nhiên, các yêu cầu của Riyadh gây ra một số trở ngại. Các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh giác với những nỗ lực thiết lập một chương trình hạt nhân dân sự của Saudi. Họ lo ngại đây có thể là bước đầu tiên hướng tới vũ khí hạt nhân, thứ mà Riyadh sẽ sử dụng như một sự bảo đảm chống lại Iran - quốc gia có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin, hiện các điều khoản trong thỏa thuận an ninh chưa được xác định, nhưng có thể không đạt tới mức phòng thủ chung như điều khoản ràng buộc các quốc gia NATO.
Và ngay cả khi tổng thống Mỹ sẵn sàng đáp ứng các điều khoản của Thái tử Mohammed, ông sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt tại Quốc hội, nơi nhiều đảng viên Dân chủ đã thúc ép hạ cấp quan hệ với Saudi Arabia.
“Mối quan hệ của chúng ta với Saudi Arabia phải là mối quan hệ song phương trực tiếp. Nó không nên thông qua Israel", Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, đảng viên Dân chủ và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại, cho biết.
“Người Saudi Arabia đã liên tục cư xử tồi tệ hết lần này đến lần khác”, ông Murphy nói, đồng thời thúc giục chính quyền Mỹ giới hạn việc bán vũ khí cho quốc gia này.
Cơ hội hay cái bẫy?
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc thảo luận ngoại giao nhưng cho biết chính quyền ông Biden ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Israel và các nước láng giềng Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia.
Đại sứ quán Israel tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Mặc dù Thủ tướng Netanyahu thường xuyên nhấn mạnh mong muốn đạt được thỏa thuận ngoại giao với Saudi Arabia.
“Tôi tin rằng thỏa thuận hòa bình giữa chúng tôi và Saudi sẽ dẫn đến một thỏa thuận với người Palestine”, ông Netanyahu nói.
Trong khi đó, hai nguồn thạo tin tiết lộ các cuộc đàm phán đang được dẫn dắt bởi ông Brett McGurk, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Đông và Bắc Phi, và ông Amos Hochstein, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Biden về các vấn đề năng lượng toàn cầu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Pool/Gil Cohen-Magen. |
Thông tin về các cuộc thảo luận này được tiết lộ trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Riyadh có chiều hướng đi xuống, sau cuộc tranh cãi công khai về quyết định khuyến nghị các quốc gia OPEC+ giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia.
Chỉ vài tháng trước đó, Tổng thống Biden đã đến thăm thủ đô Riyadh, gặp mặt Thái tử Mohammed và tin rằng quốc gia Trung Đông này sẽ duy trì sản lượng dầu cao hơn. Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết họ rất ngạc nhiên và tức giận trước quyết định cắt giảm sản lượng, đồng thời tuyên bố đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Riyadh, theo CNN.
Với tư cách ứng viên tổng thống năm 2020, ông Biden cũng từng cam kết biến Saudi Arabia thành đất nước bị cộng đồng quốc tế “bài xích” vì cuộc chiến ở Yemen, đồng thời buộc họ “trả giá” cho vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
Do đó, ông Abdulaziz Alghashian, nhà nghiên cứu chính sách của Saudi Arabia với Israel, cho rằng với mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, đề xuất của Riyadh có thể được hiểu là một “động thái khoa trương”.
Mục tiêu của họ là đặt ông Biden vào tình thế khó xử khi từ chối hỗ trợ một thỏa thuận mà Israel luôn mong muốn - kết quả có thể khiến các nhóm người Mỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng chính trị thất vọng.
Ông Alghashian nói rằng khó có khả năng các quan chức Saudi Arabia sẽ thực sự tạo điều kiện cho ông Biden giành được một chiến thắng đối ngoại lớn, do họ bất bình với chính quyền Mỹ hiện tại.
Tuy nhiên, thực tế là các cuộc thảo luận đang diễn ra. Điều này cho thấy cách Thái tử Mohammed lựa chọn hình ảnh một người thực dụng hơn là một nhà tư tưởng, sẵn sàng phá vỡ truyền thống để theo đuổi những gì ông coi là lợi ích đất nước.
“Chúng tôi không coi Israel là kẻ thù, mà là một đồng minh tiềm năng”, Thái tử Mohammed nói với tờ Atlantic, theo bản ghi được cơ quan báo chí Saudi Arabia công bố.
Vào tháng 7/2022, quốc gia này đã cho phép các hãng hàng không Israel tiếp cận nhiều hơn với không phận, trong một động thái mà các nhà phân tích coi là tín hiệu cho thấy Saudi Arabia đã sẵn sàng hợp tác với Israel.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.