Đoàn quân của HLV Saad Al-Shehri giành ngôi nhất bảng D. U23 Saudi Arabia có cùng có 7 điểm với Nhật Bản nhưng hơn về chỉ số phụ. Theo thống kê từ ban tổ chức, đội bóng Tây Á sở hữu hàng công mạnh thứ 2 giải đấu năm nay khi có 7 bàn thắng. Đó không phải là thông số đáng nể nhất của đội bóng này.
Họ thắng Tajikistan 5-0, hoà Nhật Bản 0-0 trước khi đánh bại UAE 2-0. Sau 3 trận đấu, U23 Saudi Arabia không để lọt lưới bàn nào và trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử giải đấu làm được điều này. Theo dữ liệu từ Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) - tổ chức sở hữu giải đấu - có 15 đội chỉ để lọt lưới một bàn khi kết thúc vòng bảng.
Saudi Arabia giữ sạch lưới tại vòng bảng nhưng đội bóng này không thể dùng trung vệ đội trưởng Saud Abdulhamid ở trận gặp U23 Việt Nam. Ảnh: AFC. |
Giải đấu năm nay, đoàn quân của HLV Shehri có hàng phòng ngự đáng nể. Không chỉ bảo vệ khung thành tuyệt đối. Đội bóng này chỉ để các đối thủ dứt điểm trúng khung thành 3 lần, khiến thủ môn đội nhà phải cứu thua. Dù vậy, tính vững chắc này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước U23 Việt Nam khi trung vệ Saud Abdulhamid và tiền vệ phòng ngự Ibrahim Mahnashi bị treo giò bởi nhận đủ số thẻ vàng.
Đội bóng này có thể bổ sung 2 cầu thủ cho trận đấu sắp tới khi HLV Shehri mới đăng ký 21 người. Theo quy định, mỗi đội bóng được đăng ký tối đa 23 cầu thủ cho giải đấu.
U23 Saudi Arabia đem 12 tuyển thủ quốc gia tới giải đấu lần này. Đáng chú ý nhất là tiền đạo Firas Al-Buraikan, người đã có 22 trận và ghi 6 bàn cho đội tuyển nước này. Dù vậy, Buraikan không được sử dụng ở cả 3 trận đấu đã qua.
Về phía U23 Việt Nam, HLV Gong Oh-kyun đã tung 22/23 cầu thủ đã đăng ký vào sân. Người duy nhất chưa được trao cơ hội là thủ môn Đặng Tuấn Hưng. Hậu vệ Phan Tuấn Tài là người duy nhất chơi đủ 270 phút tại vòng bảng. Chỉ có 11 cầu thủ được nhà cầm quân người Hàn Quốc sử dụng ở cả 3 trận đấu vừa qua của U23 Việt Nam.
U23 Việt Nam nằm ở nhánh khác Nhật Bản, Hàn Quốc và Uzbekistan. Đồ họa: Minh Phúc. |