Việc Saudi Arabia dàn xếp để nhóm OPEC+ cắt giảm khai thác dầu thô đi ngược lại kêu gọi của Mỹ, bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm mọi cách giảm giá dầu trên thị trường, nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn thế giới.
Các chuyên gia tin rằng động thái của OPEC+ có nguy cơ khiến quan hệ giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Biden trở nên lạnh nhạt hơn nữa, thậm chí dẫn tới "hậu quả" như ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo, theo Financial Times.
Thông điệp của Saudi
Sau quyết định hôm 5/10 của OPEC+, hàng loạt chính trị gia Mỹ dồn dập chỉ trích Saudi Arabia, nước có tiếng nói nhất trong nhóm.
Đáp lại, Riyadh cử nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nhất phản pháo Washington, đó là ông Adel al-Jubeir, Bộ trưởng Nhà nước phụ trách đối ngoại và cũng là cựu đại sứ Saudi tại Mỹ.
"Ý kiến cho rằng Saudi Arabia làm vậy để gây tổn hại cho Mỹ, hoặc có bất cứ yếu tố chính trị nào liên quan, là hoàn toàn không chính xác", ông Jubeir nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News cuối tuần qua.
Thông điệp của Saudi rất rõ ràng, nước này hành động trên cơ sở diễn biến của thị trường dầu thô cũng như lợi ích của chính mình. Riyadh đang tìm mọi cách giữ giá dầu ở mức cao nhằm tài trợ cho các kế hoạch chi tiêu công tốn kém.
Saudi đang có quan hệ ngày càng gần gũi với Trung Quốc và Nga. Ảnh: Arab News. |
Nhưng mọi biện bạch có vẻ không lọt lỗ tai các chính trị gia đảng Dân chủ. Phe Dân chủ đang nổi giận với Saudi bởi dù là đồng minh truyền thống của Mỹ, Riyadh lại phớt lờ khi Washington "cầu xin không cắt giảm sản lượng".
Hôm 11/10, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Saudi sẽ gánh chịu hậu quả, nhưng không nói rõ Washington sẽ làm gì.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đang đánh giá lại quan hệ với Riyadh "bởi quyết định của OPEC". CNN dẫn lời ông Kirby cho biết Nhà Trắng sẵn sàng phối hợp với Quốc hội để đưa ra biện pháp trừng phạt Saudi.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu là diễn biến đáng chú ý cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman, người nắm quyền trên thực tế tại Saudi, sẵn sàng theo đuổi những mục tiêu riêng ngay cả khi có nguy cơ làm phật lòng các đối tác quan trọng của Riyadh.
Tuy vậy, việc để OPEC+ cắt giảm tới 2 triệu thùng dầu/ngày cũng khiến hình ảnh của Saudi càng trở nên tiêu cực tại Mỹ, quốc gia từ lâu là đồng minh quan trọng nhất của Riyadh.
"Họ muốn trực tiếp nhắn nhủ Mỹ rằng quan hệ giữa Washington và Riyadh không còn là quan hệ một chiều và, với cả hai bên, cần tính tới các lợi ích chung", ông Sanam Vakil, chuyên gia về chính trị vùng Vịnh tại Viện nghiên cứu Chatham, nhận xét.
Ông Vakil cho rằng hành vi quyết đoán kiểu như vừa rồi của Saudi là thông điệp nhắc nhở Washington rằng nếu muốn lôi kéo Riyadh, cần vun vén nuôi dưỡng quan hệ song phương.
Mỹ sẽ trừng phạt Saudi?
Tại Washington, bước đi của Saudi được xem như sự khinh thường dành cho Tổng thống Biden ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và giá nhiên liệu thế giới đang ở mức cao.
Quyết định cắt giảm khai thác của OPEC+ cũng khiến Mỹ thêm lo ngại về quan hệ giữa Riyadh với Moscow, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã đẩy Nga và phương Tây vào thế đối đầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Hôm 10/10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez kêu gọi Nhà Trắng "lập tức đóng băng mọi hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm các hợp đồng vũ khí và hợp tác an ninh".
"Tôi sẽ không cho phép bất cứ hợp tác nào với Riyadh cho đến khi họ đánh giá lại lập trường của chính họ trong bối cảnh tình hình ở Ukraine. Như vậy là quá đủ rồi", Thượng nghị sĩ Menendez nói.
Saudi Arabia phụ thuộc nặng nề vào vũ khí do Mỹ cung cấp. Nước này đang tìm cách thuyết phục Washington tăng cường cam kết an ninh trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở Trung Đông.
Nhưng những năm gần đây, căng thẳng giữa Riyadh và Washington ngày một gia tăng.
Trong quá khứ, quan hệ giữa hai nước thường xoay quanh mối liên hệ cá nhân giữa tổng thống Mỹ và quốc vương Saudi. Theo các chuyên gia, quan hệ giữa hai bên lúc này chỉ toàn ngờ vực, hiểu lầm và bất mãn.
Quan hệ Mỹ và Saudi nồng ấm dưới thời cựu Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
Thái tử Mohammed, người cai trị trên thực tế của Saudi, từng có quan hệ nồng ấm với cựu Tổng thống Trump và con rể của ông là Jared Kushner. Hai người này luôn ủng hộ Riyadh sau khi các đặc vụ Saudi ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
Nhưng Thái tử Moahammed hầu như không có quan hệ cá nhân nào với Tổng thống Biden. Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden thậm chí cam kết cô lập Saudi vì vụ ám sát nhà báo Khashoggi.
Sau khi nắm quyền, chính quyền Biden đóng băng các hợp đồng bán vũ khí sát thương cho Riyadh vì can dự vào cuộc chiến ở Yemen. Điều này càng củng cố lo ngại của Saudi rằng Washington không còn là một đồng minh có thể tin cậy.
"Không hề có quan hệ cá nhân, họ không hiểu nhu cầu, bối cảnh chính trị cũng như văn hóa của nhau", ông Vakil nhận định.
Thế khó của Mỹ
Sau khi Tổng thống Biden gặp gỡ Thái tử Mohammed hồi tháng 7, giới chức Mỹ lạc quan rằng Riyadh sẽ tăng sản lượng dầu thô. Nhưng các quan chức Saudi khẳng định nước này chưa từng hứa hẹn điều gì.
Tới tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn hợp đồng bán tên lửa Patriot trị giá 3 tỷ USD cho Saudi. Đáp lại, OPEC+ tăng sản lượng chỉ 100.000 thùng/ngày, đây là lần tăng sản lượng nhỏ nhất trong lịch sử của nhóm. Nhưng chỉ một tháng sau đó, OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng.
"Điều Saudi hứa là sẽ không để giá dầu tăng lên 200 USD/thùng, và đã làm vậy bằng cách tăng sản lượng trong mùa hè. Saudi sẽ không cho phép giá dầu giảm mạnh", Ali Shihabi, một đồng minh của hoàng gia Saudi, nói.
Trước thềm cuộc họp của OPEC+ tuần qua, giới chức Mỹ đã đề xuất ít nhất lùi kế hoạch cắt giảm sản lượng tới sau bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, nhưng Riyadh đã từ chối đề nghị này, ông Shihabi cho hay.
Mỹ có thể đóng băng các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi, trong đó có tên lửa Patriot. Ảnh: Reuters. |
Giới chức cũng như các nhà bình luận chính trị Saudi cho rằng việc các chính trị gia Dân chủ chỉ trích kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô phản ánh tác động từ chính trị nội bộ Mỹ, mà trực tiếp liên quan tới bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Ngoại trưởng Saudi Faisal bin Farhan Al-Saud cho biết Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là đối tác an ninh quan trọng nhất của Riyadh.
"Tôi tin khi các chính trị gia Mỹ đánh giá quan hệ một cách tổng thể, họ sẽ nhận ra tầm quan trọng và lợi ích mà quan hệ này mang lại, và họ sẽ tiếp tục hợp tác với Saudi. Chúng tôi rất trông chờ vào mối quan hệ này", ông Al-Saud nói.
Quan điểm của Ngoại trương Al-Saud tương tự với Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith. Ông Smith cho rằng việc đóng băng các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi sẽ chỉ có lợi cho Nga và Trung Quốc, theo The Hill.
"Làm vậy sẽ khiến Saudi ngả nhiều hơn về phía Nga và Trung Quốc. Moscow sẽ có thêm đồng minh trong cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc sẽ có con đường thuận lợi để thâm nhập Trung Đông. Kết quả đó có ích gì cho các lợi ích của chúng ta?", ông Smith nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 11/10.
Tuy vậy, một số chuyên gia tin rằng Quốc hội Mỹ, mà hiện lưỡng viện vẫn do đảng Dân chủ kiểm soát, sẽ ngày càng có thái độ thù địch với Riyadh.
"Saudi sẽ sớm gặp phiền toái bởi họ không có nhiều người ủng hộ tại Quốc hội Mỹ", Jon Alterman, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông tại CSIS, nhận định.