Hôm 22/8, trả lời phỏng vấn Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, cảnh báo khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để nâng giá.
“Quyết tâm của chúng tôi càng gia tăng khi chứng kiến sự biến động tai hại hiện nay, làm đảo lộn khả năng vận hành cơ bản của thị trường và gây hại tới sự ổn định của thị trường dầu”, ông nói.
Thông điệp này rõ ràng hướng đến thị trường - trên thực tế, tuyên bố của ông Abdulaziz đã khiến giá dầu tăng từ 94 USD một thùng hôm 22/8 lên 102 USD/thùng hôm 25/8.
Dù vậy, Riyadh dường như còn nhằm vào mục tiêu khác: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đang có ý định “tái sinh” thỏa thuận hạt nhân với Iran, Financial Times nhận định.
Tín hiệu gửi đến ông Biden
Trong bài phỏng vấn, Hoàng tử Abdulaziz tránh nhắc tới tên đối thủ của vương quốc này trong khu vực. Thay vào đó, ông đề cập tới các biến động trên thị trường khi giá dầu giảm tới 25 USD/thùng từ đầu tháng 6.
Theo các nguồn tin thông thạo sự việc của Financial Times, một phần nguyên nhân dẫn đến động thái của Saudi Arabia, điều đã giúp giá dầu một lần nữa vượt qua mức 100 USD/thùng, là mong muốn gửi tín hiệu tới Washington về những hậu quả nếu Iran có thể gia nhập trở lại thị trường năng lượng quốc tế.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman tuyên bố khối OPEC+ sẵn sàng giảm sản lượng để tăng giá. Ảnh: AFP. |
Sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu - bao gồm đích thân thăm Trung Đông hồi tháng 7.
Tuy vậy, chỉ một tháng sau, khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran “hồi sinh” - đi kèm với việc dầu Iran quay trở lại thị trường năng lượng toàn cầu - khiến Saudi Arabia quan ngại. Một mặt, Riyadh cho rằng điều này sẽ tiếp tục khiến giá dầu giảm. Mặt khác, họ lo ngại về các tác động tới an ninh của mình khi đối thủ được “xổ lồng”.
Theo hãng tư vấn Energy Aspects, nếu Iran có thể quay lại thị trường, giá dầu thô sẽ rơi xuống mức 70-80 USD/thùng trong kịch bản OPEC không giảm sản lượng.
“Trước đây, tôi nghĩ Saudi Arabia và các chủ thể khác trong khu vực khá tự tin rằng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không đạt được trong tương lai gần”, ông Helima Croft, người từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đang là chuyên gia về OPEC tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, nhận định.
“Giờ đây, các cuộc đàm phán đã được tái khởi động. Tôi nghĩ họ sẽ vừa tập trung vào thị trường dầu, vừa hướng đến các tác động an ninh rộng hơn của thỏa thuận có thể đạt được”, ông Croft nói.
Saudi Arabia từ lâu đã phản đối các động thái hòa giải giữa Mỹ và Iran. Năm 2017, Riyadh là một trong những bên tích cực thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được với Tehran.
Về phần mình, Washington nhận thức được rằng Iran là chủ thể mang tính quyết định trong thị trường năng lượng thế giới. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, Iran có thể xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường quốc tế - tương đương với khoảng 5% tổng sản lượng của OPEC.
Con số này sẽ giúp giảm nhẹ mối lo thiếu hụt năng lượng tại châu Âu trong bối cảnh các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) siết chặt cấm vận Nga do cuộc xung đột tại Ukraine.
Dù Iran sẽ cần thời gian để phục hồi ngành khai thác dầu và tăng sản lượng, quốc gia này vẫn đang có sẵn một lượng lớn dầu trong các con tàu cỡ lớn trên biển.
Tính toán của Riyadh
Tuy nhiên, một số nguồn tin nắm rõ chiến lược của Saudi Arabia tiết lộ thông điệp của vương quốc này không chỉ liên quan tới Iran và Mỹ.
Mục tiêu của ông Abdulaziz “rộng hơn là Iran”, ông Bob McNaly, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Rapidan và là cựu cố vấn của Nhà Trắng, nhận định. Theo ông, vị bộ trưởng còn mong muốn giữ ổn định cho thị trường dầu thô, vốn liên tục biến động trong những tháng qua.
Ổn định thị trường dầu thế giới là nhu cầu chiến lược của Saudi Arabia. Ảnh: AP. |
Với tư cách một trong những quốc gia tham gia vào thảo thuận hạt nhân Iran và là thành viên nhóm OPEC+, Nga cũng là đối tượng được Riyadh gửi thông điệp. Giữa lúc tái khẳng định liên minh về an ninh với Mỹ, Saudi Arabia cũng muốn giữ thỏa thuận năng lượng với Nga, vốn giúp nước này tăng nguồn thu.
“Khả năng dầu Iran quay lại là nhân tố gây mất ổn định cho thế ‘lưỡng đầu’ của Saudi Arabia và Nga trong nhóm OPEC+, đặc biệt nếu dầu Iran được đưa ra thị trường vào đầu mùa đông”, ông Roger Diwan, Phó chủ tịch công ty thông tin doanh nghiệp IHS Markit, nhận xét.
“Tuyên bố liên minh sẽ tiếp tục điều hành thị trường - bao gồm khả năng giảm sản lượng - là chỉ dấu cho thấy Saudi Arabia và Nga đồng thuận về nhu cầu bảo vệ ngưỡng giá sàn”, ông Diwan bổ sung.
Theo ông Gary Ross, chuyên gia về OPEC, thông điệp của Saudi Arabia là thông tin không mấy vui vẻ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người muốn giảm giá xăng dầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.
“Người Saudi Arabia rõ ràng đang ra tín hiệu rằng họ muốn mức sàn cho giá dầu là 100 USD/thùng”, ông Ross nói. “Hoàng tử Abdulaziz đã thay đổi thành công tâm lý thị trường”.
Hoàng tử Abdulaziz tuyên bố ngành công nghiệp dầu khí cần có thêm các khoản đầu tư, chỉ dấu cho thấy ông tin tưởng giá dầu cao là điều cần thiết. Nó cũng sẽ giúp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có thêm nguồn tài chính để phục hồi nền kinh tế.
Dù vậy, giá dầu tăng quá cao có thể đẩy nhanh tốc độ “từ bỏ” năng lượng hóa thạch của nền kinh tế thế giới.
“Saudi Arabia không muốn mất khả năng kiểm soát giá, dù theo hướng lên hay xuống”, chuyên gia Amrita Sen tại Energy Aspects nói.