Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu vào Chủ nhật 3/9, đồng thời tuyên bố nước này đã có thể gắn bom nhiệt hạch (tức bom H) vào tên lửa đạn đạo tầm xa.
Theo Bình Nhưỡng, cuộc thử nghiệm do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo "hoàn toàn thành công" và đánh dấu cột mốc "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thiện chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Đối với cộng đồng quốc tế, vụ thử lập tức dấy lên nhiều quan ngại.
Vụ thử được dự báo trước?
Con đường dẫn tới vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên hôm 3/9 đi theo một chiến lược bài bản: leo thang các hành vi khiêu khích, đồng thời mạnh mẽ lên án cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trong khi truyền thông phương Tây thường cho rằng chế độ tại Triều Tiên hành động phi logic, thậm chí mất cân bằng, các chuyên gia nói Bình Nhưỡng đã cho thấy năng lực vô cùng tinh vi trong việc xác định quy mô cũng như thời điểm cho các hành động nhằm tối đa hóa lợi ích.
Vụ thử hôm 3/9 được báo hiệu bằng vụ phóng hai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà dường như có tầm bắn bao phủ lục địa Mỹ. Vụ việc đã khiến Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Triều Tiên sẽ hứng chịu "hỏa lực và thịnh nộ". Trong khi đó, Bình Nhưỡng công bố kế hoạch tấn công đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát một "vũ khí nhiệt hạch" được công bố vài giờ trước khi vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên diễn ra hôm 3/9. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Những dấu hiệu cuối cùng bắt đầu hôm 21/8 khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận thường niên mang tên "Người bảo vệ Tự do Ulchi" với sự tham gia của hàng chục nghìn binh lính. Bình Nhưỡng, vốn luôn coi cuộc tập trận là hành động chuẩn bị của cho sự xâm lược, nói Mỹ sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" nếu tiếp tục diễn tập.
Phản ứng quân sự đầu tiên của Triều Tiên diễn ra ngày 26/8 với việc phóng 3 tên lửa tầm ngắn. Ba ngày sau, Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích bằng việc phóng một tên lửa tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Vụ thử mới nhất được báo hiệu trước chỉ vài tiếng khi truyền thông Triều Tiên công bố các bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát một "vũ khí nhiệt hạch" có thể gắn được trên ICBM.
Loại bom được kích nổ?
Triều Tiên nói nước này đã cho nổ một quả bom H "với sức công phá chưa từng thấy" và có thể gắn vào một tên lửa tầm xa. Đây là một bước tiến làm gia tăng mối đe dọa mà Bình Nhưỡng tạo ra.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vụ thử đã "hoàn toàn thành công" và phóng xạ không bị rò rỉ ra bầu khí quyển.
Bom nguyên tử (tức bom A) hoạt động dựa trên nguyên lý về phản ứng phân hạch. Năng lượng của quả bom được tạo ra bằng cách phân rã các nguyên tử uranium hay plutonium đã được làm giàu có trong đầu đạn.
Khác với bom A, bom H hoạt động trên nguyên lý tổng hợp hạt nhân. Một vụ nổ bom H cần có một quả bom nguyên tử làm “bom mồi” để đạt được nhiệt độ cần thiết cho phản ứng nhiệt hạch. Do đó, bom H thường là một quả bom kép với sức công phá lớn hơn nhiều lần bom A.
Hiện tuyên bố của Triều Tiên vẫn chưa được xác nhận bởi các nguồn độc lập. Song đây là vụ nổ có sức công phá ước tính mạnh nhất cho đến nay và nhiều chuyên gia cho rằng vụ nổ chứa đầy đủ các dấu hiệu về sự hiện diện của một quả bom nhiệt hạch.
Nhật Bản cho biết nước này đã triển khai các máy bay "đánh hơi" có thể phát hiện phóng xạ, từ đó cung cấp manh mối về loại thiết bị nổ, dù các chứng cứ từng được thu thập trước đây rất mơ hồ.
So với các vụ thử trước?
Các chuyên gia tại Seoul cho biết năng lượng giải phóng trong trận địa chấn gây ra bởi vụ nổ lớn gấp 5 đến 6 lần vụ thử gần nhất, tức vụ thử lần thứ năm diễn ra vào tháng 9 năm ngoái.
So với 5 lần thử trước, vụ thử mới nhất của Triều Tiên có sức công phá lớn hơn gấp 5 đến 6 lần. Đồ họa: USGS. |
Vụ thử lần thứ năm có sức công phá 10 kiloton, trong khi quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945 có sức công phá 15 kiloton.
Triều Tiên từng tuyên bố thử thành công bom H sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1/2016. Tuy nhiên khi đó, các chuyên gia nghi ngờ tuyên bố này vì năng lượng mà nó tạo ra tương đối nhỏ.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA hôm 3/9 nói rằng bom H của Triều Tiên có "sức công phá có thể được điều chỉnh từ hàng chục lên đến hàng trăm kiloton tùy thuộc vào mục tiêu".
Vụ thử cuối?
Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử hạt nhân lần thứ sáu đánh dấu một "cột mốc rất quan trọng" trong việc tiến đến "mục tiêu cuối cùng" là trở thành một cường quốc hạt nhân toàn diện.
"Tôi nghĩ Triều Tiên đã đến giai đoạn mà họ không cần phải thử nghiệm gì nữa. Các cuộc thử nghiệm giờ đây sẽ là vô nghĩa", chuyên gia Koo Kab-woo ở Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nói với AFP.
Ông Koo đề cập đến trường hợp Pakistan - nước có chương trình hạt nhân được cho là có liên hệ với Triều Tiên - đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân và có lẽ đã không thấy cần thiết phải tiến hành thêm một lần nữa.
Vị chuyên gia Hàn Quốc nói "nếu chúng ta xem xét việc này từ ví dụ Pakistan, Miền Bắc có lẽ đang ở trong những giai đoạn cuối cùng" trên con đường trở thành một quốc gia hạt nhân.
Người dân Tokyo, Nhật Bản, theo dõi bản tin trên truyền hình về vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Theo chuyên gia Cha Du-hyeong ở Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Triều Tiên đã thể hiện đến mức tối đa năng lực hạt nhân của họ bằng việc thử nghiệm bom H. Ông muốn Mỹ tin vào tuyên bố của Bình Nhưỡng.
"Bất cứ vụ thử nghiệm công nghệ nào đều có thể được xem là một ván bài", ông Cha nói. "Bạn muốn đối thủ của bạn đọc được đường đi nước bước như bạn dự định hay sao?".
Triều Tiên sẽ làm gì tiếp?
Các nhà phân tích đưa ra những ý kiến khác nhau về việc liệu vụ thử nghiệm mới nhất sẽ dẫn đến thêm nhiều hành động khiêu khích từ Triều Tiên hay là giúp mở ra đối thoại giữa các bên liên quan.
Trong khi Triều Tiên đã thử nghiệm ICBM mà họ tuyên bố cả nước Mỹ nằm trong tầm bắn, các quan chức cũng như chuyên gia vẫn nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của tuyên bố này cũng như việc liệu Triều Tiên đã thực sự làm chủ được công nghệ tái nhập khí quyển hay chưa.
Bình Nhưỡng cũng chưa từng công bố bằng chứng về việc họ đã có thể thu nhỏ đầu đạn gắn vào tên lửa.
Theo chuyên gia Cha, Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử mới trong vài tháng tới.
Nước này cũng có thể vừa bắt đầu triển khai những vũ khí mới của họ trong thực tế, vừa tìm kiếm khả năng ngoại giao với chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo giáo sư Yoo Ho-yeol của Đại học Hàn Quốc.
Ông Yoo nhận định việc triển khai vũ khí nói trên sẽ được tiến hành "vào thời điểm thuận lợi nhất để tối đa hóa tác động của biện pháp ngoại giao".
Theo chuyên gia Go Myong-hyun của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, trong bất kỳ trường hợp nào, Bình Nhưỡng đều sẽ tìm cách để cộng đồng quốc tế công nhận họ là quốc gia hạt nhân.
Mỹ, Hàn sẽ phản ứng sao?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi "lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất" nhằm vào Bình Nhưỡng cũng như "mọi biện pháp ngoại giao, bao gồm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để hoàn toàn cô lập Triều Tiên".
Giáo sư Koo của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng vụ thử là bước lùi đối với những hy vọng của ông Moon về việc cải thiện quan hệ liên Triều. Vị tân tổng thống áp dụng cách tiếp cận song song - vừa mềm mỏng kêu gọi tiếp xúc hai miền vừa cứng rắn thúc giục các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên - với hy vọng có thể đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 30/6. Ảnh: Getty. |
Mỹ chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ thử, tuy nhiên trên Twitter, Tổng thống Trump đã nhanh chóng khẳng định "sự nhân nhượng với Triều Tiên không phát huy tác dụng". Ông cũng chỉ trích sự thất bại của Trung Quốc trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.
Hồi tuần trước, sau khi Bình Nhưỡng phóng đi một tên lửa bay qua Nhật Bản, ông Trump viết: "Mỹ đã đàm phán với Triều Tiên và phải chi các khoản tống tiền trong suốt 25 năm qua. Đàm phán không phải là giải pháp".
Những dòng tweet của ông Trump có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên khi ông dường như muốn ám chỉ khả năng Mỹ tấn công quân sự. Tuy nhiên, theo Steve Bannon, cựu cố vấn cấp cao thân cận với vị tổng thống, "không có giải pháp quân sự nào, hãy quên điều đó đi".