Ngày 21/7, người dùng mạng xã hội bày tỏ phẫn nộ về các đoạn video ghi lại cảnh người phụ nữ bán khỏa thân để trẻ em đụng chạm vùng nhạy cảm.
Một người dùng mạng tự nhận là phụ nữ xuất hiện trong clip, cho biết mình đã bị hack.
Đây không phải lần đầu hình ảnh riêng tư của các gia đình trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Trước đó, nữ ca sĩ Văn Mai Hương cũng từng bị lộ video ghi lại từ camera IP. Tạm gác qua những vấn đề về đạo đức, một lần nữa người dùng lại quan tâm hơn vấn đề bảo mật của các thiết bị ghi hình được lắp trong nhà.
Bỏ qua khía cạnh đạo đức, vụ người phụ nữ Hải Phòng lộ hình ảnh từ camera IP khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại về bảo mật thông tin. |
Rủi ro dữ liệu nhạy cảm lọt vào tay hacker
Cả hai trường hợp trên đều sử dụng camera IP. Đây là một loại thiết bị ghi hình độc lập. Thiết bị này chỉ cần mạng Wi-Fi là có thể sử dụng. Dữ liệu từ camera sẽ được truyền và lưu trữ lên máy chủ của hãng camera.
"Có hai khả năng lộ thông tin trong vụ việc trên. Một là người thân trong gia đình đăng tải clip. Hai là hacker đã xâm nhập thành công vào thiết bị", An Hoàng, kỹ sư an toàn thông tin tại một công ty ở Singapore cho biết. Ngoài ra, chuyên gia này cũng không loại trừ trường hợp người lắp camera đã làm việc này.
Trong trường hợp hacker tấn công, nhiều khả năng thiết bị mắc lỗ hổng bảo mật từ chính nhà sản xuất.
Theo ông An, nếu thiết bị có một lỗ hổng bảo mật, chỉ cần hacker vào cùng mạng với thiết bị (hoặc hack được mật khẩu Wi-Fi) là có thể tấn công và chiếm quyền. Sau khi đã chiếm được quyền điều khiển, hacker tùy ý sử dụng kho dữ liệu từ camera IP.
Vụ việc người phụ nữ cho trẻ chạm vào vùng kín một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính bảo mật của các loại camera IP. |
"Khả năng thứ hai là các thiết bị được thiết lập không đúng. Ví dụ, khi mua camera IP, không phải chỉ cắm điện và sử dụng ngay, bạn còn phải thiết lập theo hướng dẫn nhà sản xuất như đặt mật khẩu cho đúng, dùng các giao thức bảo mật, cài đặt cập nhật, giao diện cấu hình...", ông An nói thêm.
Nếu thiết bị không được thiết lập đúng, hacker cũng chỉ cần kết nối được với camera IP qua cloud, hoặc trong cùng mạng Wi-Fi như nêu trên, cũng có thể lấy được thông tin hoặc chiếm quyền điều khiển.
"Đó là 2 nguy cơ lớn nhất tới từ hacker khi sử dụng camera IP", ông An cho biết.
Camera trôi nổi làm tăng rủi ro lộ lọt thông tin
Khi thị trường ngày càng đa dạng về mẫu mã, người dùng chỉ cần bỏ ra từ 6-8 triệu đồng là có thể trang bị cho căn nhà của mình hệ thống 4 camera kết nối smartphone.
Đa phần camera từ các thương hiệu Âu Mỹ có giá khá cao. "Những loại này thường được khách hàng là cơ quan, công ty lắp đặt do có độ phân giải cao. Với hộ gia đình chỉ cần quan sát trong cự ly ngắn, họ thường chọn các sản phẩm giá rẻ", ông Nguyễn Sỹ Hoàng Long, kinh doanh dịch vụ camera an ninh tại Đồng Nai cho biết.
Độ phân giải chỉ là một phần quyết định giá thiết bị. Phần còn lại nằm ở dịch vụ hậu mãi và máy chủ lưu trữ dữ liệu. Theo ông Long, các thương hiệu có tên tuổi thường đặt máy chủ tại Việt Nam, đảm bảo tốc độ đường truyền. Ngoài ra họ đầu tư nhân sự để điều hành và bảo vệ máy chủ này.
Với các loại hàng trôi nổi, người dùng không thể biết video của mình đang nằm trong tay ai và có được bảo vệ hay không. Do đó, ông Long khuyến khích người dùng nên chọn những thương hiệu uy tín để tránh rủi ro về sau.
Người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất camera. Ảnh: Fleenor Security. |
Còn theo ông An, để phòng tránh khả năng bị lộ thông tin riêng tư, người dùng cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
"Nên chọn mua thiết bị có thương hiệu uy tín, được cập nhật, hỗ trợ liên tục. Sau khi lắp đặt, chú ý cập nhật, nâng cấp phần mềm mới thường xuyên", ông An nói thêm.
Người dùng tự hại mình khi giao thông tin cho thợ lắp camera
"Thực tế, bảo mật cao thì rất khó sử dụng, quá tiện dụng lại không bảo mật. Khi số đông người dùng còn khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, cùng tâm lý thích nhanh gọn dễ dẫn đến tính bảo mật thấp", ông An đánh giá người dùng Việt vẫn đang lơ là trong việc tự bảo vệ quyền riêng tư của mình.
Những khu vực nhạy cảm, người dùng nên cân nhắc trước khi lắp camera an ninh. |
Theo ông Long, hiện nay nhiều gia đình thoải mái để camera ở mật khẩu mặc định hoặc giao toàn bộ mật khẩu cho đơn vị lắp đặt.
"Vấn đề ở đây nằm ở đạo đức nghề nghiệp chứ không phải bảo mật camera. Việc giữ thông tin đăng nhập bản thân tôi cũng thường làm", ông Long cho biết.
Theo ông Long, lưu trữ mật khẩu camera giúp bên cung cấp dịch vụ dễ dàng bảo trì từ xa nếu khách cần gấp. Thêm nữa, người làm dịch vụ có thể đề phòng rủi ro quên mật khẩu của khách hàng. "Mật khẩu này chỉ có hãng mới lưu trữ, nếu quên phải mất rất nhiều thời gian và thủ tục mới có thể khôi phục được", ông Long nói thêm.
"Người dùng nên thiết lập mật khẩu Wi-Fi phức tạp, khó đoán và đổi mật khẩu thường xuyên, cập nhật router. Thực tế, với những khu vực nhạy cảm, riêng tư như phòng ngủ, bạn chỉ nên lắp camera nếu đây là việc thực sự cần thiết. Nếu không, chỉ cần lắp ở lối ra vào hoặc không gian chung", ông An cho biết.
Còn theo ông Long, người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu người lắp đặt hướng dẫn cách tự thay đổi thông tin đăng nhập. "Mật khẩu cần kết hợp chữ, số, ký tự đặc biệt. Tuy nhiên để tránh rắc rối khi quên mật khẩu, người dùng nên lưu trữ chuỗi đăng nhập ở nơi an toàn. Nếu có vấn đề bảo hành từ xa thì cung cấp thông tin. Xong việc đổi lại ngay", ông Long chia sẻ cách tự bảo vệ thiết bị an ninh của gia đình.