Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sầu riêng, vải thiều lũ lượt lên 'sàn'

Một số loại nông sản như gạo, sầu riêng, vải thiều... đang được đẩy mạnh bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương chính thức xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Lazada, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ.

Mặt hàng nông sản này dự kiến được phân phối với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ tại Hà Nội và TP.HCM.

vai thieu len san anh 1

Vải u trứng trắng Thanh Hà được đóng gói và gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc trước khi bán trên sàn TMĐT. Ảnh: Cục XTTM.

Trước đó, từ tháng 5, ngành hàng thực phẩm tươi sống của Tiki cũng triển khai thử nghiệm mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”, sử dụng nền tảng livestream của hệ thống để giới thiệu và bán nông sản, mở đầu với 2 đặc sản sầu riêng Ri6 và gạo ST25.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki cho biết chỉ tính riêng ngày mở đầu dự án đã có đến 2,5 tấn sầu riêng và 2 tấn gạo được bán ra, chiếm gần 75% tổng số đơn hàng của ngành hàng.

Bà cho biết đây là chiến lược dài hạn được chú trọng đầu tư nhiều nguồn lực để hoàn thiện và mở rộng quy mô. Việc hỗ trợ nhà vườn lên sàn Tiki sẽ giúp cắt giảm các bước trung gian và tối ưu hóa chi phí, từ đó người tiêu dùng có cơ hội mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh.

"Sắp tới, dự án sẽ được tiếp tục triển khai với đa dạng danh mục sản phẩm, trải dài từ đặc sản trái cây Việt Nam như mít, dâu, bơ, vải…các sản phẩm sữa và chế phẩm chế biến từ sữa đến các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt…, kỳ vọng đóng góp 40% vào tổng doanh thu của ngành thực phẩm tươi sống”, bà Vũ Thị Nhật Linh chia sẻ.

Trong khi đó, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục XTTM và các đối tác, địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên bán trên sàn.

“Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần 'người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM nhìn nhận.

Thực tế, Cục XTTM đã mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này. Đồng thời, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo cũng được triển khai đồng bộ để từng bước hướng dẫn doanh nghiệp và hợp tác xã tự vận hành gian hàng.

Bên cạnh đó, Cục phối hợp với các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hệ thống hậu cần đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT.

Đặc biệt, cơ quan này đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả hàng nhái và kém chất lượng, cũng như hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến...

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm