Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo đó, sầu riêng sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc. Khi tới cửa khẩu, hải quan nước này sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch với quả sầu riêng.
"Những lô hàng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc", nghị định thư nêu rõ.
Đặc biệt, quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc, phát hiện lẫn đất, lá thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.
Trước đó, hồi tháng 6, Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện thủ tục để ký nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng, giúp mặt hàng này có đầu ra bền vững thay vì xuất khẩu tiểu ngạch.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Ảnh: T.N. |
Theo Cục Bảo vệ thực vật, để xuất sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, nhà vườn cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: Có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì...
Hiện những điều kiện cần thiết để có thể xuất khẩu trái sầu riêng đã được hoàn thành như: Tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, người trồng cần nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật phía Trung Quốc để việc xuất khẩu được thuận lợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cũng cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà nước bạn đề ra.
Với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 650.000 tấn sầu riêng, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Do đó, việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch thành công sẽ tạo điều kiện cho loại sầu riêng Việt Nam chính thức thâm nhập vào thị trường này, thay vì xuất theo đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.