Ngày 20/1 là kỷ niệm một năm tỷ phú Donald Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Trong một năm qua, vị tổng thống vốn chưa từng có kinh nghiệm chính trị đã luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, Zing.vn có cuộc trò chuyện bàn tròn với các chuyên gia về chính trị Mỹ, quan hệ quốc tế... để cùng nhau nhìn lại xem ông Trump đã lèo lái nước Mỹ về đâu cũng như Nhà Trắng đã thay đổi vị tổng thống ra sao.
Tham dự cuộc trò chuyện có giáo sư Jim Butterfield, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Western Michigan (bang Michigan, Mỹ); tiến sĩ Michael E. O'Hanlon, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại, chuyên gia về an ninh quốc gia Mỹ tại Viện Brookings (Washington D.C., Mỹ); và giáo sư Carl A. Thayer, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Học viện Quốc phòng Australia.
Từ trái qua: giáo sư Jim Butterfield, tiến sĩ Michael O'Hanlon và giáo sư Carl Thayer. |
Bỡ ngỡ như ngày đầu tiên
- Xin hãy mô tả năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump bằng một từ hoặc cụm từ và lý do các vị lựa chọn từ/cụm từ đó.
- Thayer: Khủng hoảng (disruptive). Ông Trump bước vào Nhà Trắng với lời hứa "tháo nước đầm lầy", tái đàm phán các hiệp định thương mại tự do và buộc các đồng mình phải đóng góp ngân sách nhiều hơn cho an ninh. Vì ông Trump cũng như đội ngũ của ông ở Nhà Trắng không ai có kinh nghiệm làm việc ở cấp độ chính phủ, chính quyền đến nay vẫn chưa thể vận hành một cách bình thường, các đối tác thương mại chủ chốt trở nên thiếu chắc chắn, và các đồng minh đang hoạt động một cách độc lập hơn trước.
- Butterfield: Một từ chính xác là "dễ thay đổi" (volatile). Bạn có thể nói rằng ở điểm này thì sự khó đoán của ông Trump lại có thể dự đoán được. Năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, người ta thấy các cố vấn cố gắng áp đặt kỷ cương lên ông Trump bằng cách khuyến khích ông sử dụng máy nhắc chữ thay vì nói một cách tùy ý, lựa chọn từ ngữ một cách cẩn trọng và phát ngôn "trước sau như một" về cùng vấn đề.
Hình thức truyền đạt thông tin yêu thích của ông Trump là Twitter và nghe nói rằng kiểm tra Twitter của ông ấy là việc đầu tiên mà các trợ lý làm vào mỗi sáng để xem tối hôm trước tổng thống có đưa ra phát ngôn gì ngoài dự liệu hay không. Ông ấy "nổi tiếng" về việc đồng ý với các nghị sĩ trong một cuộc họp nhưng chỉ vài tiếng sau lại hủy bỏ hoặc phủ nhận thỏa thuận đó.
Với các vấn đề quốc tế, ông Trump vẫn là một người gây rắc rối, một người không theo khuôn phép và một người dân túy. Còn về các vấn đề trong nước, ông là một người gây chia rẽ.
Tiến sĩ Michael O'Hanlon
- O'Hanlon: Tôi có thể mô tả bằng nhiều từ không? Với các vấn đề quốc tế, ông Trump vẫn là một người tạo nên rắc rối, một người không theo khuôn phép và một người dân túy. Còn về các vấn đề trong nước, ông là một người gây chia rẽ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đối ngoại của Mỹ trong năm qua ở mức độ nào đó đã tốt hơn tôi kỳ vọng, phần lớn là nhờ vào đội ngũ mà ông Trump lựa chọn. Phe chỉ trích tổng thống quá tập trung vào những phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump mà không nhìn thấy sức bật và sự ổn định đáng kinh ngạc của các chính sách đối ngoại.
- Phát ngôn hay hành động nào của ông Trump trong năm qua khiến các vị bất ngờ nhất?
- Thayer: Tôi ngạc nhiên nhất với những dòng tweet và phát biểu công khai của ông Trump về vấn đề nhập cư và sắc tộc. Ông nhận được tỷ lệ ủng hộ thấp nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong năm đầu nhiệm kỳ. Những phát ngôn của ông liên tục gây phân cực nước Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến phe Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 khi tất cả thành viên của Hạ viện và một phần ba Thượng viện sẽ ra tranh cử.
Những tweet của ông Trump về Triều Tiên cũng khiến tôi ngạc nhiên, chẳng hạn như ông ấy gọi Kim Jong un là "gã tên lửa" hay khoe rằng nút hạt nhân của ông ấy to hơn nút của ông Kim. Những tweet của Trump đã làm hạ thấp uy danh của ngôi vị tổng thống. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một chuyện hết sức nghiêm trọng và tôi cho rằng ông Trump đã biến chuyện này thành vấn đề cá nhân.
- O'Hanlon: Tôi ngạc nhiên là ông ấy đã xử lý mối quan hệ với một số nước châu Á khá tốt hoặc ít ra là chấp nhận được, nhưng lại xử lý nhiều mối quan hệ tại châu Âu rất tệ. Các đồng minh truyền thống của Mỹ tại NATO không vui khi ông Trump liên tục nhấn mạnh việc đóng góp công bằng cho ngân sách an ninh chung.
Tuy vậy, như đã nói ông Trump có một đội ngũ, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Mattis ở Lầu Năm Góc, chánh văn phòng Kelly và cố vấn an ninh quốc gia McMaster ở Nhà Trắng, đại sứ Haley ở LHQ và cả Ngoại trưởng Tillerson ở "Foggy Bottom" (biệt danh của Bộ Ngoại giao Mỹ - PV). Họ đã luôn nhanh chóng khẳng định cam kết của Washington với đồng minh và có những bước đi tích cực để thể hiện mối quan hệ vững chắc.
- Butterfield: Tôi không kỳ vọng ông Trump là một tổng thống tài trí nhưng tôi cũng không mong đợi nhìn thấy ông ấy chống lại việc học cách trở thành tổng thống như vậy. Một năm sau lễ nhậm chức, ông ấy vẫn cho thấy mình bỡ ngỡ với các vấn đề như ngày đầu tiên. Ông ấy dường như không đọc phần lớn báo cáo tóm tắt tình hình và tỏ ra lơ đễnh trong các cuộc họp tình báo.
Chuyên gia cho rằng một năm sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn bỡ ngỡ với các vấn đề như ngày đầu tiên. Ảnh: Getty. |
Đảng Cộng hòa hay đảng Trump?
- Nước Mỹ đã thay đổi thế nào từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, cả trên hai phương diện trong nước và quốc tế?
- Thayer: Kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng ở mức 3%. Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng với kỷ lục mới. Với việc thông qua gói cải cách thuế, có những dấu hiệu cho thấy các công ty lớn của Mỹ sẽ chuyển đầu tư về trong nước, giúp gia tăng công ăn việc làm.
Trong lĩnh vực chính trị, đảng Cộng hòa bị chia rẽ sâu sắc, một bộ phận biến thành "đảng Trump". Vấn đề chính là hệ thống chính trị Mỹ đang gặp trục trặc đến mức quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cho chính phủ hoạt động. Tất cả những gì họ đạt được là duy trì ngân sách mỗi lần chỉ một vài tháng.
Trên phương diện quốc tế, những chính sách của ông Trump đã tạo ra sự bất định cao độ về chiến lược. Ngoại trừ cuộc chiến chống IS, chính quyền của Tổng thống Assad tại Syria và cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ đang không thể hiện vai trò lãnh đạo ở bất cứ đâu. Đáng nói là ông Trump đã không còn được xem là "lãnh đạo của thế giới tự do". Sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lấp vào các chỗ trống và thúc đẩy các lợi ích của mình.
Sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lấp vào các chỗ trống và thúc đẩy các lợi ích của mình.
Giáo sư Carl Thayer
- Butterfield: Trong nước, chúng tôi đã bắt đầu chờ đợi một sự bình thường mới, một sự suy giảm về mức độ quan tâm dành cho các cộng đồng thiểu số, nhập cư và nữ giới. Trên bình diện quốc tế, ảnh hưởng của chúng tôi cũng đang suy yếu vì sự rút lui khỏi các hiệp định quốc tế, chẳng hạn như TPP và Hiệp định Paris, cũng như vì sự dễ thay đổi trong hành vi của chính quyền Trump khiến nước Mỹ đôi khi trở thành một đồng minh không đáng tin cậy.
- O'Hanlon: Tôi muốn hy vọng rằng chúng tôi đã không thay đổi nhiều như vậy, mà tốt hơn là chúng tôi đang đi qua một con đường mà từ đó chúng tôi sẽ phục hồi.
Về đối ngoại, nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đã thay đổi 180 độ các chính sách của Mỹ, những truyền thống và đồng thuận 70 năm qua. Nhưng chính nhờ sức mạnh và sự gắn kết của đội ngũ mà tôi đã nói ở trên, năm 2017 thực tế lại chứng kiến sự chệch hướng chính sách đối ngoại ít kịch tích hơn nhiều so với những gì chính quyền Trump bị cáo buộc. Chẳng hạn, chắc chắn là ít nghiêm trọng hơn những năm 1950, 1964-1965 hay 2001-2003 khi nước Mỹ can dự vào các cuộc chiến tranh.
- Và ngược lại, Nhà Trắng đã thay đổi ông Trump ra sao?
- Butterfield: Ông ấy không quen với việc bị chỉ trích hay việc không được làm theo ý mình, như cách ông ấy làm trong kinh doanh, và điều đó càng khiến ông ấy dễ nổi giận. Tôi muốn nhìn thấy những thay đổi khác, chẳng hạn như nhận thức tốt hơn về cách Washington vận hành và hiểu biết sâu hơn về những vấn đề phức tạp mà chúng tôi phải đối mặt, nhưng tôi chưa nhìn thấy những điều đó.
- Thayer: Đây là một câu hỏi mở vì Nhà Trắng đang là một đống lộn xộn còn ông Trump lại nhất mực không thay đổi cách thức của mình. Đã có nhiều người ra đi và người mới thế chỗ. Ông Trump đặt ra lịch trình riêng, dành hàng giờ trên mạng xã hội, xem tin tức trên tivi và viết tweet. Ông cũng thường xuyên đi chơi golf. Ông thường xuyên "chệch hướng" so với những gì hiện trên máy nhắc chữ khi nói trước công chúng. Ông vô cùng quyết đoán và không thừa nhận nhầm lẫn hay đánh giá sai lầm. Quan hệ giữa Trump và Nhà Trắng vẫng như một tác phẩm đang trong quá trình thực hiện.
- O'Hanlon: Tôi không nghĩ ông Trump thay đổi gì nhiều về mặt con người. Trong vai trò tổng thống, ông ấy cơ bản đã nhận ra sẽ nguy hiểm nếu đi gieo rắc hoài nghi về sự cương quyết của Mỹ, và chiến lược an ninh quốc gia mới mà ông công bố đã thể hiện rõ điều này.
Theo nhận định của các chuyên gia, ông Trump không quen với việc bị chỉ trích hay việc không được làm theo ý mình. Ảnh: Getty. |
Dấu hỏi về vai trò của Mỹ
- Với những chính sách của ông Trump trong một năm qua, trật tự thế giới đã có những biến động gì sâu sắc?
- Butterfield: Nhiều nước đang đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trên thế giới. Điều này không hoàn toàn mới, như sự thất bại của Mỹ ở Iraq cũng làm suy yếu vị thế của Mỹ đó thôi. Song khi người ta nhìn vào một lãnh đạo, họ muốn nhìn thấy sự kiên định và cam kết. Nước Mỹ đang không đủ mạnh và điều này dĩ nhiên có lợi cho Trung Quốc hơn ai hết.
- Thayer: Sự rút lui ở một mức độ nào đó của Mỹ đã khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, có ảnh hưởng và quyết đoán hơn. Pháp và Đức trở nên độc lập và tích cực hơn ở châu Âu. Mối quan hệ giữa Mỹ và Anh rơi vào căng thẳng.
Tại châu Á, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông và biển Hoa Đông. Nhật Bản đang tiến tới dỡ bỏ những rào cản đối với lực lượng phòng vệ để trở thành một quốc gia "bình thường". Tokyo cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc kết nối "Tứ giác kim cương" bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- O'Hanlon: Tôi không nghĩ thay đổi là đáng kể, hoặc ít ra là vẫn chưa.
- Các vị có thể đưa ra vài dự đoán về tương lai nhiệm kỳ của ông Trump?
- Butterfield: Những dự đoán về con người thường đặc biệt không chính xác. Chúng ta đã dự đoán sai về Trump khá nhiều lần. Dự đoán duy nhất mà tôi cho là có thể đúng đó là sự dễ thay đổi của ông ấy. Điều này đã khắc sâu trong tính cách của tổng thống và càng trở nên nghiêm trọng vì ông ấy không thể (hoặc không muốn) nắm rõ về những thách thức mà ông phải đối mặt.
Chúng ta đã dự đoán sai về Trump khá nhiều lần. Dự đoán duy nhất mà tôi cho là có thể đúng đó là sự dễ thay đổi của ông ấy.
Giáo sư Jim Butterfield
- Thayer: Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ kết thúc vào tháng 1/2021 sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2020. Để có thể tái đắc cử trong 3 năm tới, ông phải tăng cường được sự ủng hộ trong công chúng Mỹ. Ông sẽ đối mặt với ít nhất ba thách thức lớn.
Thứ nhất, ông phải vượt qua được cuộc điều tra Nga can thiệp chính trị Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller một cách "lành lặn". Vị thế của Trump sẽ suy yếu nếu ông bị kết luận cản trở công lý. Song dù ông Trump có thể phải đối mặt với quá trình luận tội, tôi nghĩ ông sẽ không bị buộc tội.
Thứ hai, Trump phải thành công trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Mỹ. Thách thức thứ hai này có thể khó vượt qua nếu mâu thuẫn thương mại nghiêm trọng phát sinh trong quan hệ Trung - Mỹ hoặc nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thứ ba, ông Trump phải thành công trong việc ứng phó và xử lý một hoặc nhiều cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như một vụ tấn công khủng bố lớn ở Mỹ hoặc một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại nghiêm trọng, chẳng hạn như xung đột trên bán đảo Triều Tiên hoặc hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc.
- Xin cảm ơn các vị!