Theo Caixin, các công ty Trung Quốc vừa trải qua "cơn bão quy định", khiến giá cổ phiếu lao dốc mạnh. "Những chính sách được đưa ra mà không có bất cứ cảnh báo nào và vượt xa tưởng tượng, dù là từ bên trong hay bên ngoài Trung Quốc", đại diện một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ phàn nàn.
Để trấn an các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, hôm 6/9, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố rằng sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với nền kinh tế tư nhân không thay đổi và sẽ không thay đổi trong tương lai.
Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ để khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong việc ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời thúc đẩy đổi mới.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhấn mạnh sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Reuters. |
Cơn bão quy định
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông Lưu lên tiếng trấn an dư luận. Vào cuối tháng 7, ông tuyên bố rằng phương hướng phát triển của Trung Quốc không thay đổi. Trung Quốc sẽ khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của kinh tế phi công lập.
Sự hoảng loạn của thị trường bắt đầu vào đầu tháng 7, khi các cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc điều tra Didi Chuxing - công ty gọi xe hàng đầu của đất nước. Ứng dụng của Didi cũng bị yêu cầu xóa bỏ khỏi những kho ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Giá cổ phiếu của Didi lao dốc hơn 20% trong vòng một tuần và giảm kể từ đó. Sự cố xảy ra chỉ vài ngày sau khi Didi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trên sàn Mỹ.
Sau đó không lâu, Trung Quốc ra lệnh cấm dạy thêm tất cả môn học chính cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở vào cuối tuần và trong kỳ nghỉ. Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty dạy thêm tư nhân chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không được huy động vốn nước ngoài.
Giá cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục sụp đổ. Sự hoảng loạn nhanh chóng lan sang hầu hết công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong và Mỹ.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - theo dõi 98 công ty Trung Quốc niêm yết - đã giảm hơn 20% trong tháng 7, tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ứng dụng của Didi - gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc - bị yêu cầu xóa bỏ khỏi các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ảnh: Reuters. |
Các cơ quan quản lý Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thay đổi quy định nhằm ngăn doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài, bịt lỗ hổng mà những gã khổng lồ công nghệ nước này đã sử dụng từ lâu.
Theo đó, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đang lên kế hoạch sửa đổi các quy tắc về niêm yết ở nước ngoài, có hiệu lực từ năm 1994.
Hệ thống quy tắc do Trung Quốc đặt ra vào năm 1994 yêu cầu các công ty phải nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước để niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng chỉ có hiệu lực với những công ty phát hành cổ phiếu có trụ sở tại Trung Quốc và không xem xét đến khả năng niêm yết thông qua một công ty vỏ bọc ở nước ngoài.
Những chính sách được đưa ra mà không có bất cứ cảnh báo nào và vượt xa tưởng tượng, dù là từ bên trong hay bên ngoài Trung Quốc
Đại diện một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đang lên kế hoạch thay đổi các quy tắc này. Khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt hạn chế đối với việc niêm yết nước ngoài, giới chức trách có thể yêu cầu doanh nghiệp sử dụng VIE (mô hình sở hữu đặc biệt) xin phép niêm yết trên sàn quốc tế, ngay cả khi thông qua một công ty holding đăng ký ở nước ngoài.
Theo dự thảo quy định công bố hôm 10/7, các công ty Trung Quốc nắm giữ thông tin của 1 triệu người dùng trở lên sẽ được chính phủ đánh giá an ninh mạng trước khi IPO ở nước ngoài.
Một số công ty Trung Quốc nắm giữ nhiều dữ liệu đã tạm dừng kế hoạch IPO trên sàn nước ngoài sau sự cố của Didi, bao gồm công ty chia sẻ xe đạp Hello và Ximalaya.
Hồi cuối tháng 7, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã vào cuộc. Chủ tịch SEC Gary Gensler yêu cầu các công ty Trung Quốc sử dụng mô hình VIE cần "tiết lộ rõ ràng" về ảnh hưởng từ các hành động trong tương lai của chính quyền Trung Quốc.
Vào khoảng giữa tháng 8, ông Gensler cho biết đã yêu cầu nhân viên tạm dừng các đợt IPO của những công ty vỏ bọc được doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để niêm yết tại Mỹ.
SEC từng nhấn mạnh tình trạng pháp lý không rõ ràng của các VIE trong một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Cơ quan này khẳng định cơ cấu VIE của doanh nghiệp Trung Quốc "gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ".
Giới chức Mỹ cũng đã yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ phải tuân thủ đầy đủ quy định kiểm toán của nước này.
Nhà đầu tư loay hoay
Các nhà đầu tư đã phản ứng với "cơn bão quy định" theo những cách khác nhau. Một số bán tháo và khẳng định rằng cổ phiếu Trung Quốc không phải kênh đầu tư hiệu quả.
Nhiều nhà đầu tư khác nhận thấy cơ hội hiếm có và tìm cách "mua đáy". Trong khi đó, một số khác vẫn thận trọng và cho rằng còn quá sớm để đưa ra quyết định.
Bà Catherine Wood - người đứng đầu Ark Investment Management LLC, nhà quản lý quỹ nổi tiếng ở Phố Wall - đã bán hầu hết cổ phiếu Trung Quốc vào đầu tháng 8. Tại một hội nghị vào đầu tháng 9, bà tiết lộ rằng quỹ của bà hiện chỉ nắm giữ cổ phiếu của các công ty "được lòng" chính quyền Trung Quốc.
Ông Meng Lei - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS - cảnh báo rằng có thể vẫn chưa đến lúc "mua đáy". Ông dự đoán "bão quy định" có khả năng kéo dài đến cuối năm nay.
Trong khi đó, theo ông Howard Wang tại JP Morgan Asset Management, phần lớn quy định mới của Trung Quốc chỉ là cố gắng bắt kịp các ngành công nghiệp đang phát triển quá nhanh. Ông kêu gọi nhà đầu tư tập trung vào dài hạn.
Các nhà đầu tư phản ứng trái chiều với những động thái của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả ông Ray Dalio - tỷ phú đầu tư, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates - cũng khuyến khích các nhà đầu tư "nhìn vào xu hướng, không hiểu sai và quá tập trung vào sự biến động nhỏ".
Theo ông, những nhà đầu tư hiểu sai định hướng chính sách của Trung Quốc đã "bỏ lỡ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc và có thể tiếp tục bỏ lỡ".
Cuộc điều tra về bảo mật dữ liệu của Didi, cùng với sự can thiệp của SEC, đã ngăn chặn hiệu quả tất cả kế hoạch IPO trên sàn Mỹ của các công ty Internet hoặc fintech Trung Quốc.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Yi Huiman cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ các công ty trong nước tìm cách niêm yết nước ngoài.
Ông khẳng định doanh nghiệp có thể lựa chọn nơi niêm yết dựa trên nhu cầu. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các công ty tuân thủ quy định của địa phương và kêu gọi những cơ quan quản lý trên toàn thế giới kết hợp chặt chẽ hơn trong việc thực thi.