Ngày 14/2, FLC khởi công dự án y tế đầu tiên của mình tại Thái Bình. Sau khi lấn sân sang làm hàng không, y tế là mảng tiếp theo mà tập đoàn này theo đuổi.
Tham vọng về ngành kinh doanh béo bở
Theo FLC, tập đoàn này sẽ thực hiện dự án bệnh viện đa khoa quốc tế quy mô 1.000 giường bệnh tại tỉnh Thái Bình. Dự án rộng 12 ha nằm tại phường Trần Lãm và xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án là 3.722 tỷ đồng.
Theo một số nguồn tin, FLC sẽ bỏ ra 80% số vốn để xây dựng dự án, tức trên 3.000 tỷ đồng và dự kiến khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2022. Doanh nghiệp này sẽ trực tiếp vận hành theo mô hình kết hợp giữa bệnh viện - khách sạn.
Mô hình bệnh viện sắp xây dựng của FLC ở Thái Bình. Ảnh: FLC. |
Theo bà Hương Trần Kiều Dung, CEO FLC, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư chuỗi bệnh viện quy mô lớn trên cả nước trong nhiều năm tới. Dự án bệnh viện tại Thái Bình chỉ là bước đầu cho định hướng này.
Trước đó vào tháng 9/2018, FLC cũng được đồng ý thực hiện một khu công nghiệp y dược công nghệ cao tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Tại đây, doanh nghiệp này dự kiến xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế, trong đó đáng chú ý là sản xuất thiết bị y tế.
Y tế được đánh giá là một trong những ngành kinh doanh đầy triển vọng ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ giường bệnh/một vạn dân đang là 26,5 ở mức khá thấp so với thế giới.
Còn thống kê của Hội thiết bị Y tế TP.HCM cho thấy doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước đạt khoảng 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Trong khi đó mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt khoảng 18-20%/năm. Đây là mức tăng “mơ ước” của nhiều ngành nghề khác nhau.
Toan tính gì?
Chuyên gia về chiến lược doanh nghiệp, ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solution, phân tích về nước đi của FLC trong lĩnh vực này.
Sau nông nghiệp và hàng không, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục lấn sân sang y tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Việt, hiện nay đã có nhiều ngành nghề đã vào giai đoạn thoái trào, tỷ trọng lợi nhuận không còn cao. Trong khi đó, một số ngành nổi lên vì xã hội có nhu cầu, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt,điển hình như lĩnh vực giáo dục, y tế…
Theo vị này, y tế là lĩnh vực thậm chí còn hấp dẫn hơn giáo dục khi nhiều người sẵn sàng bán nhà để chữa bệnh. Trong khi bệnh viện công đang ngày càng quá tải, thì nhu cầu về bệnh viện dịch vụ tốt tư nhân là rất lớn.
Khẳng định sức hấp dẫn của ngành, ông Việt cũng lưu ý, giáo dục, y tế có hàng rào đặc biệt, không phải ai muốn làm là làm được. Và chỉ có một nhóm nhỏ doanh nghiệp có thể làm được y tế tư nhân.
“Giấy phép để xây dựng một bệnh viện và đưa nó vào hoạt động là cực kỳ gian nan để có được. Nhiều doanh nghiệp thấy nhưng không thể gia nhập”, ông nói.
Ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solution, Tổng thư ký CLB Quản trị và Khởi nghiệp. Ảnh: YEA. |
Với FLC, theo ông, tập đoàn này sẽ đứng trước thách thức lớn khi lân sân sang mảng này.
Thách thức đầu tiên là vận hành. "Bản chất của FLC trong việc đầu tư bệnh viện ở Thái Bình giống như kiểu kinh doanh bất động sản y tế, chứ không hẳn là việc làm bệnh viện đơn thuần”, ông nói.
Ông Việt nhận định mô hình hoạt động có thể là FLC xây dựng bệnh viện, rồi thuê một đơn vị khác vận hành, giống như nhiều doanh nghiệp xây khách sạn và thuê cho một đơn vị khác vận hành, quản lý.
“Bản chất của FLC vẫn là bất động sản. Thay vì xây nhà, xây biệt thự nghỉ dưỡng, thì nay làm bất động sản y tế” - ông Việt nói.
Thách thức, hay cũng chính là toan tính huy động vốn của FLC trên thị trường chứng khoán cũng được CEO Dong A Solution chỉ ra. Theo đó, khi có công trình mới, tập đoàn này sẽ gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho các công ty con trên sàn (điển hình như FLC Faros). Công ty này có dự án, có “treo” một khoản doanh thu, lợi nhuận khi tham gia xây bệnh viện, từ đó có thể dễ dàng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
“Tuy nhiên, làm bệnh viện phải mất thời gian rất lâu để thu hồi vốn. Ở một góc độ nào đó, không loại trừ đây là thủ thuật tài chính để dễ huy động hơn trên sàn chứng khoán”, ông nhận xét.