Chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã hạn chế những hành động khiến lãnh đạo châu Âu chỉ trích. Những lời phê phán công khai các đồng minh đã ít đi, không còn cảnh chen lấn giành chỗ chụp hình như lần đầu.
Thế nhưng, ngày 8/7, khi ông rời châu Âu, hình ảnh ông vẫn y hệt như cũ: Một nhân tố khó đoán, một "người xa lạ" với những đồng minh lâu năm của Washington.
Đối với những người ủng hộ tổng thống, vị thế của Trump nằm ở việc làm tròn những lời hứa tranh cử: giảm bớt cam kết trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặt dấu hỏi với những cam kết toàn cầu bấy lâu nay của Washington, kể cả với những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ.
Với những người phản đối thì ông Trump đang tiếp tục những thông điệp mập mờ một cách đáng ngại với thế giới.
"Các đối tác và đồng minh của chúng ta đang tìm kiếm thông điệp và mục đích trong các phát biểu (của Tổng thống Trump)", Laura Rosenberger, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của bà Hillary Clinton đồng thời là chuyên viên cao cấp của Quỹ Marshall của Đức, nói.
Thông điệp không rõ ràng với Nga
Thông điệp của ông Trump đối với Nga đang là khó hiểu nhất, bất chấp nỗ lực của các cố vấn cấp cao nhằm làm rõ quan điểm của tổng thống đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử.
Quan chức Nhà Trắng nói trong cuộc gặp kín với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 7/7, ông Trump đã nhiều lần chất vấn về việc Nga can thiệp bầu cử. Nhưng tổng thống Mỹ lại từ chối bình luận công khai về vấn đề này.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Putin đều nói tổng thống Mỹ đã chấp nhận câu trả lời rằng Nga không can thiệp cuộc bầu cử 2016.
Nhưng quan chức cấp cao Nhà Trắng ngay lập tức phủ nhận thông tin trên. Còn ông Trump thì không xác nhận gì mà chỉ bày tỏ Putin "đã nghe ý kiến của tôi" trên Twitter hôm 9/7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters. |
Quan điểm của ông Trump với Putin khiến các đồng minh của Mỹ vừa bực bội vừa lo lắng, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump và Nga hồi năm ngoái.
Ngay cả trong bài phát biểu đanh thép nhận định thế giới bằng ngôn từ rõ ràng, dứt khoát ở Warsaw, Ba Lan, ông Trump vẫn đưa ra thông điệp mập mờ về Nga. Tổng thống Mỹ thừa nhận Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016, nhưng lại lặp đi lặp lại rằng "các quốc gia khác" có thể cũng làm điều tương tự.
Trump và những người ủng hộ ông thì dường như thỏa mãn với sự khó đoán này của tổng thống Mỹ. Nile Gardiner, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại cho tổ chức bảo thủ Heritage Foundation, khen ngợi ông Trump là "người thẳng thắn và độc đáo nhất trong số các tổng thống Mỹ thời hiện đại".
Chia rẽ với các đồng minh ngày càng lớn
Từng được xem là chỗ dựa vững chắc, giờ đây Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump lại bị coi là “mối đe dọa” đối với sự thống nhất và an ninh của châu Âu.
Đi ngược lại các nguyên tắc, thỏa thuận mà Mỹ đã từng cam kết hay theo đuổi, ông Trump công khai ủng hộ Brexit, chống lại chính sách của EU đối với người Hồi giáo nhập cư và người tị nạn, đe dọa không thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO…
Quan điểm trên của chính quyền Mỹ đã tạo nên những khác biệt và bất đồng tại Thượng đỉnh G20 lần này. Lần đầu tiên tham dự hội nghị quan trọng của nhóm các nền kinh tế G20, Tổng thống Trump được báo chí mô tả với cụm từ “bị cô lập”.
Trong hai vấn đề chính và đáng quan tâm nhất của hội nghị là biến đổi khí hậu và tự do thương mại, Mỹ đều có quan điểm đi ngược với số đông.
Lãnh đạo của các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 chụp ảnh tập thể tại Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: Reuters. |
Sự chia rẽ về vấn đề khí hậu hiển hiện rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức. Mỹ là quốc gia thành viên duy nhất không ký vào tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ của nhóm G20 đối với những nỗ lực quốc tế đấu tranh chống lại sự ấm lên toàn cầu. Tuyên bố gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà ông Trump rút khỏi tháng trước, là một thỏa thuận toàn cầu "không thể đảo ngược".
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói việc ông Trump từ chối ký tuyên bố là điều "đáng tiếc". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định có "những khác biệt lớn, ngày càng gia tăng giữa các cường quốc".
"Các chế độ độc tài đang nổi lên và thậm chí trong lòng thế giới phương Tây đang xuất hiện sự chia rẽ, bất ổn sâu sắc, những điều chỉ vài năm trước không hề tồn tại".
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G20 tháng 11/2008 mà Mỹ làm chủ nhà, nước Mỹ luôn giữ vai trò chủ chốt trong nhóm đặc biệt đối với các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi G20 năm nay liệu có thể coi là đánh dấu thời điểm "thoái trào" chính thức của Mỹ khỏi vị thế quốc gia quyền lực nhất thế giới.
Mặc dù mang chủ đề "Định hình một thế giới kết nối" nhưng G20 năm nay bị chia rẽ bởi những tuyên bố mang tính “co cụm” từ phía Mỹ, ít nhất là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và tự do thương mại.
Thêm vào đó, Tổng thống Trump hầu như không đả động đến những vấn đề nóng nhất của thế giới hiện nay như Triều Tiên, Syria, di cư và nhiều vấn đề đáng lo ngại khác tại một diễn đàn đa phương quan trọng như thế này.