Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

G20: Liên minh thay đổi, đây là hỗn loạn mới của thế giới?

Giữa khủng hoảng hạt nhân ở hội nghị thượng đỉnh G20, lo ngại về sự rối loạn trong trật tự thế giới ngày càng lớn khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm và cân bằng quyền lực thay đổi.

Những thay đổi ở Washington đang kéo theo xáo trộn lớn của trật tự thế giới.

Việc Mỹ công khai đe dọa trừng phạt bằng hành động quân sự sau cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên đã biến một vấn đề khu vực kéo dài thành cuộc khủng hoảng toàn cầu đáng sợ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh biểu dương lực lượng trên bán đảo Triều Tiên và cảnh báo về những sự trả đũa "rất nghiêm trọng", trách nhiệm kêu gọi bình tĩnh và đối thoại giờ lại xuất phát từ Nga và Trung Quốc.

Sự đối đầu chưa có dấu hiệu dịu bớt đã làm gia tăng nỗi lo sợ thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm và hỗn loạn khi không có ai thực sự nắm quyền.

Nước Mỹ co cụm, thế giới hỗn loạn

Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần này của các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, những người đang trong tâm trạng căng thẳng, chỉ góp thêm vào cảm nhận nặng nề của thế giới về việc mọi thứ đang đi xuống.

Hội nghị Hamburg cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel không thể đồng thuận để giải quyết vấn đề Triều Tiên, Syria, biến đổi khí hậu, di cư hàng loạt và nhiều vấn đề đáng lo ngại khác.

hoi nghi thuong dinh G-20 anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới phiên làm việc buổi sáng thứ hai của hội nghị thượng đỉnh kinh tế G20 ở Hamburg, Đức, ngày 8/7. Ảnh: Getty.

Những lo ngại về thế giới rối loạn sâu sắc đang ngày một rõ ràng. Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ là sự cải cách định kỳ của trật tự quốc tế, khi cán cân quyền lực chuyển dịch và những lực lượng mới đang thách thức thế giới.

Thay đổi lớn nhất là sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Hình ảnh tên lửa Triều Tiên vút bay trên bầu trời vào đúng dịp Quốc khánh Mỹ đã tạo hiệu ứng tức thì. Bình Nhưỡng cũng không ngại bóng gió rằng vụ phóng tên lửa chính là "món quà" cho Ngày Độc lập của siêu cường phía bên kia bán cầu.

Hành động của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho thấy thời kì trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh Lạnh với sự thống trị của Mỹ đang dần kết thúc.

Ông Kim chủ đích nhắm vào ông Trump, người tỏ ra ít hiểu biết hay ưa thích vai trò cảnh sát toàn cầu của Mỹ và thường lặp đi lặp lại câu khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết".

Quá trình nước Mỹ co cụm lại và giảm bớt ham muốn với vai trò lãnh đạo thế giới được cho là đã bắt đầu vào năm 2009.

Trong nhiệm kỳ của mình, Barack Obama thừa hưởng một đất nước bị phàn nàn vì những can thiệp thô bạo của người tiền nhiệm George W. Bush ở Iraq và Afghanistan và mệt mỏi với "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố". Ông Obama đã cảnh giác với những sự can dự mới ở nước ngoài tại Syria, Ukraine và các nơi khác.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử với chương trình nghị sự mang chủ nghĩa dân tộc, biệt lập, bảo hộ và bài ngoại đánh dấu bước tiếp theo trong tiến trình tách biệt khỏi thế giới của Mỹ.

Sự nghi ngờ của ông đối với các đồng minh lâu năm, sự phủ nhận Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cùng những bài phát biểu theo hướng dân túy đều cho thấy xu hướng giảm bớt cam kết toàn cầu. Đó là một đòn giáng vào chủ nghĩa đa phương dưới mọi hình thức.

hoi nghi thuong dinh G-20 anh 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi tại buổi làm việc đầu tiên của cuộc họp G20 tại Hamburg, miền Bắc nước Đức, ngày 7/7. Ảnh: AFP/Getty.

Bài phát biểu gây chia rẽ của ông Trump tại Warsaw ngày 29/6 đã xác nhận sự biến chuyển khủng khiếp này. Trong phân tích đơn giản của mình, ông Trump cho rằng thế giới đang tham gia một cuộc đấu tranh có thực giữa những người Cơ đốc giáo phương Tây "văn minh" với các thế lực đen tối phản động và lạm quyền.

Bài diễn văn cường điệu của ông đã gián tiếp xác nhận những mối nghi ngờ. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đang được coi như nhân tố nguy hiểm trong các vấn đề quốc tế thay vì đóng vai trò uy tín như trước đây.

Các thế lực mới nổi lên

Trong khi đó, các quốc gia và các lực lượng khác đang đấu tranh để hình thành và dẫn dắt trật tự thế giới mới, trong đó có Trung Quốc và Nga. Hai nước đều đang tìm cách nổi lên trên vũ đài quốc tế để khôi phục hào quang khi xưa.

Đối với ông Putin, mục tiêu là khôi phục sự thống trị trong khu vực mà Liên Xô từng có bất chấp nền kinh tế suy yếu hiện tại của Nga.

Đối với ông Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn được cho là một nước đang phát triển, chưa sẵn sàng cho việc lãnh đạo toàn cầu dù có sức tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Dù có chung mục tiêu nhưng Bắc Kinh thường đứng sau Moscow hơn là đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, tương quan trong mối quan hệ này đang thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

hoi nghi thuong dinh G-20 anh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: BPA/Getty.

Liên minh châu Âu (EU) dưới sự dẫn dắt của bà Merkel cũng đã lấy lại được sự tự tin sau vài năm trắc trở. Cú sốc Anh tách khỏi EU và chiến thắng của ông Trump đã khiến châu Âu tự tin vươn lên sau khi nước Mỹ thoái lui và xu hướng dân túy bị đẩy lùi với biểu hiện rõ rệt nhất là thắng lợi của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước hội nghị thượng đỉnh G20, ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, mô tả EU là "điểm tham chiếu toàn cầu cho những ai coi trọng các nguyên tắc của tự do dân chủ và nhân quyền, thương mại tự do, công bằng và các hành động cụ thể trong việc đối mặt với thách thức toàn cầu". Nước Mỹ từng được xem là một điểm tham chiếu như vậy.

Các nhóm khác cũng đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng từ khoảng trống mà Mỹ bỏ lại, trong đó có các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni do Saudi Arabia dẫn đầu. Tuy nhiên, nhóm này lại bị Iran và các đồng minh cạnh tranh.

Tương tự, các nước đang phát triển nhanh như Ấn Độ, Mexico và Indonesia cũng tham gia cuộc đua dù hiện tại quyền lực của họ chủ yếu nằm ở kinh tế và số dân hơn là chính trị. 

Bên cạnh đó, còn có các nhân tố khác góp phần vào tình hình thế giới như IS hay al-Qaeda và các nước như Triều Tiên, Syria, Afghanistan, Yemen, Pakistan, Somalia, Nam Sudan và Venezuela.

Sự bất ổn toàn cầu có thể được đo bằng nhiều cách. Báo cáo về rủi ro toàn cầu năm 2016 của Diễn đàn Thế giới ghi nhận sự gia tăng báo động về biến đổi khí hậu, di cư hàng loạt và chiến tranh mạng.

Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tổng số người chết trong các cuộc xung đột trên thế giới năm 2016 đã giảm năm thứ hai liên tiếp.

Có lẽ thước đo của sự bất an toàn cầu là con người. Khi mọi người cảm thấy không an toàn, họ sẽ nhìn nhận thế giới khác đi. Mặc dù vậy, nếu thế giới thực sự bước vào thời kỳ căng thẳng thì nguyên nhân chính của nó có thể được tóm gọn bằng ba từ: hiệu ứng Trump.

Cuộc hội ngộ giữa ông Trump và ông Tập bên lề G20 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hội ngộ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.

Tuyên bố chung của G20 cô lập Trump và nước Mỹ

Tuyên bố chung của hội nghị G20 lưu ý việc nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và tái khẳng định cam kết của các nước còn lại đối với hiệp định này.

Hình ảnh các nhà lãnh đạo tại hội nghị G20 ở Hamburg

Lãnh đạo các nước đã có nhiều gặp gỡ trao đổi tại hội nghị G20 ở Hamburg vừa kết thúc ngày 8/7 (giờ Đức).

Tuyết Mai (Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm