Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau Foxconn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục nhộn nhịp đến Việt Nam

Việc dự án nhà máy Fukang Technology của Foxconn nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Bắc Giang là bước tiến lớn trong hành trình mở rộng sản xuất của tập đoàn này tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của Foxconn cho dự án nhà máy Fukang Technology vào khoảng 270 triệu USD (tương đương 6.233 tỉ đồng). Nhà máy này được đặt tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với công suất năm đầu tiên ước khoảng 8 triệu sản phẩm, chủ yếu là gia công máy tính bảng và máy tính xách tay.

Trong buổi gặp với đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, Tổng giám đốc Foxconn Việt Nam Trác Hiến Hồng cho biết tổng vốn đầu tư của tập đoàn vào Việt Nam là khoảng 1,5 tỉ USD, tính tới hết tháng 12/2020, riêng số vốn đầu tư vào tỉnh Bắc Giang ước đạt 900 triệu USD. Người đứng đầu Foxconn Việt Nam cũng tiết lộ tập đoàn này dự kiến tăng thêm khoảng 700 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021.

Thực tế, thông tin về việc tập đoàn Đài Loan xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy ở tỉnh Bắc Giang đã được các hãng thông tấn nhắc tới từ hồi tháng 11/2020. "Động thái mở rộng sản xuất khỏi Trung Quốc của Foxconn là hiện thực hóa yêu cầu từ Apple, họ muốn đa dạng hóa sản xuất sau thương chiến Mỹ - Trung", Reuters trích nguồn tin riêng cho biết.

Trả lời Zing, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC), gọi việc Foxconn công bố đầu tư vào Bắc Giang là "kết quả của kế hoạch được khởi động từ khoảng mùa thu năm 2019, sau đó được củng cố thêm bởi nhiều yếu tố".

Foxconn mo nha may iPad tai VIet Nam anh 1

Một nhà máy của Foxconn ở Bắc Giang. Ảnh: Ricons.

Điểm đến hấp dẫn

Trao đổi với Zing, chuyên gia thương mại Stephen Olson thuộc Hinrich Foundation cho rằng sự kiện này là "phản chiếu xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài".

Ông Thành phân tích thêm sự dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc thực tế đã khởi đầu từ trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra. Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp sản xuất Mỹ đã nhận thấy rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia để sản xuất.

"Dịch Covid-19 cho thấy chuỗi cung ứng và sản xuất không thể tập trung vào một quốc gia. Đó là sự kết thúc của công xưởng thế giới", Liu Young-way, Chủ tịch Hon Hai Precision Industry, phát biểu trong diễn đàn trực tuyến do Viện Tư vấn và Thông tin Thị trường (Đài Loan) tổ chức.

Chuỗi cung ứng và sản xuất không thể phụ thuộc vào một quốc gia

Liu Young-way, Chủ tịch Hon Hai Precision Industry

Hai năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Riêng năm 2020, có ít nhất 4 trong số 20 nhà cung ứng chính thức cho Apple tại Việt Nam có động thái cho thấy họ đang chuẩn bị để đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2021, thậm chí là chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơn.

Tháng 9/2020, Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft và Sony - hé lộ dự định rót 1 tỉ USD cho 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), theo văn bản từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng chính phủ. Cụ thể, văn bản cho biết từ tháng 3, dự án đầu tiên của Pegatron tại Việt Nam với vốn đầu tư 19 triệu USD đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Đồng thời, đối tác sản xuất linh kiện, sản phẩm của Apple, Microsoft, Sony cho biết có ý định đầu tư tiếp dự án nhà máy thứ hai và ba tại Việt Nam, với số vốn lần lượt 481 triệu và 500 triệu USD.

Pegatron đã xúc tiến các thủ tục xin giấy phép đầu tư để chuyên sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, bảng mạch... cung cấp cho các đối tác lớn trong khuôn khổ dự án thứ hai. Dự án thứ ba dự kiến được triển khai sau 6-7 năm tới.

Foxconn mo nha may iPad tai VIet Nam anh 2

Một hải cảng ở Sơn Đông, Trung Quốc. Sau thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19, các doanh nghiệp quốc tế xác định không thể tiếp tục phụ thuộc vào một quốc gia để sản xuất. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh 3 dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử... tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc về Việt Nam cùng thời điểm với kế hoạch triển khai dự án nhà máy sản xuất số ba (2026-2027).

Sau đó, tin tức tuyển dụng nhiều vị trí - từ công nhân sản xuất tới kỹ sư phần mềm, quản lý dự án, chuyên viên - liên tục được cập nhật trên fanpage của Pegatron Vietnam. Trong những bài đăng mới nhất đầu tháng 1, Pegatron cho biết nhà máy sản xuất tại Hải Phòng sẽ chính thức đi vào hoạt động sau Tết nguyên đán năm nay.

Ở lần gặp gỡ nhà đầu tư công bố về lợi nhuận năm 2019, CEO Pegatron Syh-Jang Liao có nhắc tới Việt Nam khi chia sẻ ông hy vọng nhà máy tại Việt Nam sẽ ra sản phẩm trong nửa đầu 2021. "Chúng tôi chuyển tới Việt Nam là do yêu cầu của khách hàng. Công nghiệp điện tử ở đó đã phát triển và có vị trí gần với nơi cung cấp linh kiện từ Trung Quốc", CEO Pegatron nhấn mạnh.

Những lợi thế hấp dẫn

Ngoài Foxconn hay Pegatron, Luxshare ICT và Goertek - hai đối tác chuyên về lắp ráp các thiết bị âm thanh cho Apple - cũng liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự, một số vị trí công nhân trong nhà máy yêu cầu "đi làm ngay" từ thời điểm trung tuần tháng 6/2020.

Điểm chung giữa Foxconn, Pegatron, Luxshare ICT, và Goertek (ngoài việc là đơn vị cung ứng chính thức của Apple) là đều quyết định đặt nhà máy tại các tỉnh ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Khi chia sẻ trong một diễn đàn kinh doanh tổ chức hồi tháng 10/2020 ở TPHCM, ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C ở Quảng Ninh - từng nhắc tới khu vực các tỉnh phía Bắc như một điểm sáng mới, nơi mà các doanh nghiệp FDI đang tiếp tục rót vốn vào để mở rộng hoạt động kinh doanh.

"Tôi mong mọi người nhớ một điều rằng, cho tới ngày hôm nay ở phía Bắc Việt Nam, chúng tôi vẫn đang phục vụ cho các khoản đầu tư rất lớn thông qua DEEP C, chủ yếu là các doanh nghiệp về automative và electronics", ông Jaspaert nói.

Có nhiều lý do khiến các tỉnh miền Bắc trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lớn, ví dụ như vị trí gần với Trung Quốc (nơi cung cấp các linh kiện để lắp ráp và sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện trong những năm gần đây).

Foxconn mo nha may iPad tai VIet Nam anh 3

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC). Ảnh: NVCC.

"Chi phí để đầu tư ở các tỉnh phía Bắc cộng thêm những lợi thế kể trên hấp dẫn các tập đoàn lớn nếu so sánh với khu vực phía Nam vốn đã phát triển nhanh hơn và giảm bớt không gian để mở rộng kinh doanh", US-ABC cho biết.

Chuyên gia Olson phân tích làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn về Việt Nam có những tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam trong cả ngắn lẫn dài hạn, ví dụ như hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm và nâng mức thu ngân sách của các tỉnh mà những tập đoàn lớn này quyết định đặt trụ sở.

"Quan trọng hơn, sự dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ ở quy mô toàn cầu tới Việt Nam sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đầu tiên là thu hút các doanh nghiệp phụ trợ đi theo, kế tiếp là các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như kinh tế số hay thương mại điện tử", ông Thành chỉ ra.

Dù vậy, cả hai chuyên gia tỏ ra quan ngại về sự phát triển bền vững trong tương lai của Việt Nam khi năng lực hiện tại chưa thể hấp thụ được hết tất cả những khoản vốn đầu tư liên tục được rót vào từ nhiều đại gia công nghệ trên toàn cầu.

Dòng đầu tư chất lượng

"Mặt trái của tấm huy chương trong hoàn cảnh hiện tại là liệu Việt Nam có thể hấp thụ khoản đầu tư này một cách bền vững mà không gây ra suy thoái môi trường, hoặc giảm tiêu chuẩn lao động hay không" chuyên gia từ Hinrich Foundation nói với Zing.

Phó giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đề cập tới rủi ro đối với các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam khi khó "chen chân" vào chuỗi cung ứng vốn dĩ đã ổn định của những “tay chơi” toàn cầu. Thực tế, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam với năng lực như hiện tại không dễ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung vốn được duy trì bền vững bằng nhiều hệ thống tiêu chuẩn khắt khe.

Nhưng nếu đánh giá ở góc độ trung và dài hạn, ông Thành cho rằng doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khi Sony, LG và Intel cho biết họ muốn mở rộng mạng lưới nhà cung ứng địa phương. "Sau những đợt thương thảo với các doanh nghiệp, tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ rút được nhiều kinh nghiệm để đem về những thỏa thuận tạo ra nhiều lợi thế hơn cho doanh nghiệp nội địa", ông Thành nói.

Dự báo về quãng thời gian tới, ông Thành cho rằng những khoản đầu tư tiếp theo sẽ được công bố rải rác, không tập trung. Ở bức tranh lớn hơn, làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài, nhưng không quá dồn dập.

Foxconn mo nha may iPad tai VIet Nam anh 4

Chuyên gia Stephen Olson. Ảnh: Hindrech Foundation.

Một nguyên nhân là đợt dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã được định hình bởi chiến lược Trung Quốc+1 từ trước thương chiến. Bên cạnh đó, những chính sách tiếp cận linh hoạt hơn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạo ra một khoảng thời gian cần thiết cho doanh nghiệp để họ sắp xếp hoạt động kinh doanh và cân nhắc các điểm đến kỹ lưỡng hơn.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có thật sự hưởng lợi nếu làn sóng FDI thứ tư diễn ra chậm rãi hơn dưới chính quyền ông Biden. “Chắc chắn”, ông Vũ Tú Thành nhận xét. "Tôi tin là một dòng đầu tư chất lượng, thay vì số lượng sẽ có lợi hơn cho Việt Nam vì Việt Nam có thời gian để cải thiện năng lực của mình và hấp thụ được toàn bộ những giá trị mà làn sóng đầu tư mới mang lại".

Ông Japaert cũng từng bày tỏ sự lạc quan khi chia sẻ quan điểm về làn sóng FDI vào Việt Nam trong năm 2021. Giám đốc của DEEP C nhắc tới những yếu tố về ổn định chính trị - xã hội, dân số trẻ, cũng như sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc xin giấy phép, mở chuỗi cung.... và quan trọng là thành công của Việt Nam khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Làn sóng đầu tư chất lượng, thay vì số lượng, sẽ có lợi hơn cho Việt Nam

Ông Vũ Tú Thành

Ông cũng nhận xét Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, và đương nhiên là một lựa chọn lý tưởng nếu các công ty chưa quyết định được phải dời đi đâu ngoài Trung Quốc.

"Dù ngày mai thương chiến có dừng lại thì tôi không nghĩ làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ dừng lại. Thương chiến và Covid-19 đã thay đổi mọi góc nhìn của nhà đầu tư trong lựa chọn điểm đến, đặc biệt là góc độ quản trị được rủi ro.", ông Jaspaert phát biểu tại diễn đàn hồi tháng 10/2020.

Ông Thành cũng chia sẻ rằng số lượng các doanh nghiệp Mỹ tìm tới US-ABC để bàn luận và tìm hiểu về cơ hội đầu tư ở Việt Nam đã tăng trở lại trong quý IV/2020 và những tuần đầu năm 2021. Một số doanh nghiệp liên lạc để tiếp nối "những câu chuyện dang dở" trước khi Covid-19 xảy ra, và không ít tập đoàn muốn tìm hiểu để thực hiện các thương vụ M&A.

"Tôi tin rằng hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhộn nhịp trở lại vào khoảng cuối năm nay", ông Thành dự đoán.

Foxconn và niềm tin của các tập đoàn công nghệ với Việt Nam

Chuyên gia nhận định việc Foxconn xây dựng dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tại Bắc Giang cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chủ tịch Bắc Giang: Sản xuất MacBook, iPad ở Việt Nam chỉ là khởi đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết các đối tác của Apple là Foxconn và Luxshare sẽ còn đầu tư thêm và không chỉ sản xuất iPad và MacBook ở Việt Nam.

Minh Trân

Bạn có thể quan tâm