Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chủ tịch Bắc Giang: Sản xuất MacBook, iPad ở Việt Nam chỉ là khởi đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết các đối tác của Apple là Foxconn và Luxshare sẽ còn đầu tư thêm và không chỉ sản xuất iPad và MacBook ở Việt Nam.

macbook ipad san xuat o bac giang anh 1

Những ngày đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn với dự án dây chuyền sản xuất MacBook và iPad của Apple tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những bước đi để Foxconn chuyển dần dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple tới Việt Nam.

Không chỉ Foxconn, những năm gần đây, Bắc Giang đang nổi lên là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI, cũng như những nhà đầu tư lớn nhất cả nước. Năm 2020, dòng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm ở tỉnh này gần 1 tỷ USD, bất chấp dịch Covid-19.

Zing có cuộc trao đổi với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong đó nhấn mạnh cách làm đặc biệt của tỉnh để thu hút những “đại bàng” lớn đến đầu tư.

Chủ tịch tỉnh có đường dây nóng 24/24h để nhà đầu tư phản ánh

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng thu hút FDI là cuộc cạnh tranh giữa các địa phương trên cả nước. Địa phương nào có khu công nghiệp, khu kinh tế thì đều mong muốn có những “đại bàng” về làm tổ. Tuy nhiên, để được các nhà đầu tư lựa chọn thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định.

Cách làm của Bắc Giang “đặt mình” vào chính nhà đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí, cũng như xây dựng một chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Dương đưa ra 3 tiêu chí chính mà các nhà đầu tư thường xem xét.

Thứ nhất, địa điểm đặt nơi sản xuất phải thuận tiện về vị trí địa lý, gần sân bay, gần các tuyến đường bộ huyết mạch, cảng biển, cửa khẩu… Như vậy, Bắc Giang đã quy hoạch những khu công nghiệp đáp ứng được tiêu chí của nhà đầu tư, sao cho thuận tiện nhất về giao thông.

macbook ipad san xuat o bac giang anh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Thứ hai, ông nhấn mạnh tiêu chí quan trọng nhất là môi trường đầu tư. Chủ tịch Bắc Giang cho rằng nhà đầu tư không đặt câu chuyện làm ăn trong 5-10 năm, mà tầm nhìn hàng chục năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, tỉnh phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, ổn định trong thời gian dài.

“Nhà đầu tư thường đánh giá tiềm năng đầu tư trong dài hạn. Do đó, địa phương không thể làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi được”, ông nói.

Thứ ba, Chủ tịch Bắc Giang nói đến tầm quan trọng của việc đồng hành cùng nhà đầu tư trong giai đoạn triển khai dự án. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề mà Bắc Giang quan tâm hàng đầu.

Ông Dương phân tích đến giai đoạn triển khai, nhà đầu tư phải đối diện với rất nhiều vấn đề về thủ tục, pháp lý đầu tư dự án. Ví dụ như thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, tuyển dụng, lao động, nhà ở công nhân, thực hiện các nghĩa vụ tại địa phương, hải quan, thuế, điện nước, hạ tầng…

Ông cho rằng thủ tục là vấn đề mà nhà đầu tư nào cũng gặp phải và tốn rất nhiều thời gian. Có những dự án thời gian chấp thuận đầu tư chỉ vài ngày, nhưng triển khai lại rất lâu do vướng mắc về thủ tục. Do đó, nhà đầu tư rất quan tâm việc địa phương sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ cho họ những vướng mắc. Trên thực tế thì Bắc Giang đã làm tốt điều này.

Ở Bắc Giang, chủ tịch UBND tỉnh có đường dây nóng với nhà đầu tư 24/24h. Bất kỳ lúc nào cũng có thể đến đăng ký gặp trực tiếp

Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Với các nhà đầu tư nước ngoài lớn, tỉnh đều thành lập một tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tổ này sẽ có cán bộ đồng hành, hướng dẫn, thậm chí trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất quan tâm có sự đồng hành của lãnh đạo cấp cao của tỉnh hay không.

“Ở Bắc Giang, chủ tịch UBND tỉnh có đường dây nóng với nhà đầu tư 24/24h. Bất kỳ lúc nào cũng có thể đến đăng ký gặp trực tiếp, phản ánh qua điện thoại, tin nhắn… Nên bất cứ khó khăn, vướng mắc nào, lãnh đạo tỉnh nắm bắt rất nhanh”, ông Dương chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh đây là 3 lý do mà bất cứ địa phương nào làm tốt, chứng minh được trong thực tiễn, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau thì sẽ thu hút được FDI.

Bắc Giang dần trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm Apple

Ông Dương kể lại nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đã dành rất nhiều thời gian khảo sát các địa điểm khác nhau trên khắp châu Á, Đông Nam Á, và cả các địa phương của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định. Foxconn cũng vậy. Trước khi đầu tư dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook, hãng công nghệ Đài Loan đã đi khảo sát, nghiên cứu nhiều địa phương của Việt Nam.

Theo đó, dự án tại khu công nghiệp Quang Châu dự kiến sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm mỗi năm, với tổng vốn đăng ký khoảng 270 triệu USD. Đến nay, Foxconn đã đầu tư 900 triệu USD vào Bắc Giang, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động.

Đáng chú ý, dự kiến năm 2021, hãng này đầu tư thêm 700 triệu USD và tuyển thêm 10.000 lao động. Như vậy, tại Bắc Giang có Luxshare và Foxconn đang sản xuất những sản phẩm của Apple là tai nghe, máy tính bảng và máy tính xách tay.

macbook ipad san xuat o bac giang anh 3

Một nhà máy của Foxconn ở Bắc Giang. Ảnh: Ricons.

“MacBook, iPad được sản xuất ở Việt Nam chỉ là sự khởi đầu, sẽ có thêm những sản phẩm nữa. Bắc Giang sẽ dần trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm Apple trên thế giới”, ông Dương nói.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết hiện tại cả Foxconn và Luxshare đều đang kéo theo khá nhiều doanh nghiệp phụ trợ vào Việt Nam, từ đó tạo thành một mạng lưới sản xuất rộng lớn.

MacBook, iPad được sản xuất ở Việt Nam chỉ là sự khởi đầu

Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Không chỉ vậy, tại Bắc Giang còn thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao khác. Nhà máy Shunsin Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử, mô đun thu phát quang học. Nhà máy hợp kim Powerway Việt Nam chuyên sản xuất hợp kim đặc chủng dạng thanh, sợi, dải, sử dụng trong lĩnh vực hàng không, không gian, vũ trụ, vốn đầu tư của dự án 50 triệu USD. Nhà máy CE Link Việt Nam 2 chuyên sản xuất dây cáp điện…

Năm 2020, thu ngân sách tỉnh Bắc Giang đạt hơn 12.000 tỷ đồng, vượt 32% dự toán Trung ương giao. Riêng khối doanh nghiệp FDI đã nộp ngân sách gần 980 tỷ đồng.

Nhà đầu tư và tỉnh cùng tìm hiểu chiến lược của nhau

Chia sẻ thêm, ông Lê Ánh Dương tiết lộ về quá trình đàm phán thu hút những “đại bàng” như Foxconn, Luxshare đến đầu tư. Ông nhấn mạnh địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh phù hợp với chiến lược thu hút FDI.

Đặc biệt, địa phương phải nắm bắt được xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng của thế giới và cả chiến lược đầu tư kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Từ đó, tỉnh phải đặt tầm nhìn, chiến lược của mình song song, phù hợp với chiến lược của nhà đầu tư.

Tỉnh phải đặt tầm nhìn, chiến lược của mình song song, phù hợp với chiến lược của nhà đầu tư

Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Ông Dương lấy ví dụ nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề tuyển dụng lao động. Theo tính toán, giai đoạn đầu của dự án sẽ dễ dàng tuyển dụng lao động, nhưng càng về sau, càng khó khăn hơn. Thấu hiểu điều đó, tỉnh phải đặt ra chiến lược phát triển nguồn lao động cho phù hợp.

Bắc Giang đang có 1,15 triệu lao động, nhưng các khu công nghiệp mới sử dụng 230.000 lao động, nghĩa là còn gần 1 triệu lao động nữa, nên có thể đáp ứng lâu dài. Ngoài ra, chiến lược của Bắc Giang đang đầu tư rất mạnh vào giáo dục, y tế, dạy nghề… Các chỉ số về nguồn nhân lực, lao động, giáo dục, đào tạo nghề… trội hơn hẳn các tỉnh trong khu vực.

“Nghĩa là chúng tôi có một chiến lược lâu dài để cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư”, ông chia sẻ.

macbook ipad san xuat o bac giang anh 4

Chủ tịch Bắc Giang cho biết tỉnh sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng và nguồn nhân lực để chuẩn bị cho chiến lược thu hút FDI. Ảnh: MT.

Thậm chí Bắc Giang cũng chuẩn bị và tính đến cả việc đón làn sóng lao động nhập cư trong tương lai. Để làm được điều đó, tỉnh chuẩn bị hạ tầng kinh tế song song hạ tầng xã hội. Nghĩa là vừa quan tâm nơi làm việc cho công nhân, vừa quy hoạch chỗ ở, đầu tư trường học, bệnh viện, cơ sở trông giữ trẻ… Công nhân đến với Bắc Giang có thể yên tâm sinh sống, làm việc.

“Chúng tôi đã quy hoạch và tính trước cho thậm chí 50-70 năm sau. Nếu không đặt chiến lược của mình vào chiến lược của nhà đầu tư thì họ sẽ chỉ thấy cái trước mắt, sẽ không đặt cứ điểm được. Nghĩa là 2 bên cùng tìm hiểu chiến lược của nhau, sao cho phù hợp”, ông Dương chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết trong 5 năm tới, tỉnh sẽ đầu tư rất lớn để mở mang kết nối giao thông hơn nữa. Ông nhấn mạnh mục tiêu là phải đưa Bắc Giang gần với biển, cảng, sân bay hơn.

“Mình không có biển nhưng phải ra biển nhanh nhất, mình không có sân bay nhưng phải ra sân bay nhanh nhất”, ông chia sẻ.

Hiện nay, Bắc Giang cũng đã và đang thi công các tuyến đường giúp kết nối sân bay Nội Bài nhanh nhất. Ngoài ra, các tuyến đường giúp kết nối Quảng Ninh, Hải Phòng cũng được làm để thời gian di chuyển nhanh hơn.

Tỉnh cũng phá vỡ thế độc đạo của một số tuyến đường bằng cách xây thêm các con đường mới, cây cầu mới. Song song với đó là bố trí lại các khu công nghiệp để không quá gần nhau, phân bổ hợp lý hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm