"Dịch Covid-19 dường như không còn là nỗi lo lớn nhất đối với các nhà đầu tư Phố Wall. Giờ đây, mối bận tâm chuyển sang thị trường trái phiếu và lạm phát", nhà báo Paul R. La Monica của hãng tin CNN viết. Các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng nền kinh tế có thể nóng lên thái quá và lạm phát sẽ quay trở lại.
Điều đó dẫn đến những biến động đáng chú ý trên thị trường trái phiếu trong vài ngày gần đây. Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang ở mức 1,44% sau khi tăng vọt lên 1,61% hồi cuối tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đẩy lãi suất chạm đáy.
Trên thực tế, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm vẫn đang ở mức thấp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại về một đợt tăng đột ngột trong tương lai gần.
Các nhà đầu tư Phố Wall bắt đầu lo ngại về lạm phát và thị trường trái phiếu. Ảnh: Reuters. |
Nỗi ám ảnh năm 2013
Vào thời điểm này một năm trước, lãi suất ở mức khoảng 1%. Tháng 3 năm ngoái, lãi suất có thời điểm giảm xuống ngưỡng 0,3%, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm trong một cuộc họp khẩn cấp vào đầu cuộc khủng hoảng Covid-19.
Diễn biến của thị tường trái phiếu gợi nhắc các nhà đầu tư về sự kiện "taper tantrum" hồi năm 2013. Vào thời điểm đó, FED công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu, khiến lãi suất tăng vọt, dẫn đến sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
"Nếu kịch bản này lặp lại, các cổ phiếu sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh, nhất là những cổ phiếu Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn). Đó là những cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ lãi suất thấp", cây bút CNN cảnh báo.
"Sự thay đổi về lãi suất diễn ra quá nhanh chóng. Đó là điều khiến thị trường ngỡ ngàng", CNN dẫn lời ông David Norris, người đứng đầu US Credit tại TwentyFour Asset Management, nhận xét.
Khi lãi suất trái phiếu tăng đột ngột, Phố Wall có thể chứng kiến sự sụt giảm mạnh trên thị trường cổ phiếu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, liệu các nhà giao dịch có đang phản ứng thái quá với nỗi lo ngại về lạm phát hay không. Trên thực tế, quyết định của Chủ tịch FED Ferome Powell và những thành viên khác không đáng lo. Tăng trưởng tiền lương vẫn chậm chạp, trong khi thị trường lao động chưa thể phục hồi hoàn toàn.
“Chủ tịch Powell dường như đang khuyên các nhà đầu tư đừng nên lo lắng", ông Norris bình luận. "Ông này vẫn lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp và những việc làm bị mất do đại dịch", vị chuyên gia nói thêm.
Phản ứng thái quá
Lạm phát thường xảy ra khi người tiêu dùng kiếm được nhiều hơn và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm và dịch vụ. Việc những hàng hóa như dầu tăng giá trong thời gian gần đây có thể không đủ để tạo ra lạm phát.
"Thị trường đang dự đoán rằng lạm phát sẽ xảy ra. Giá bạch kim tăng cao hơn. Các hàng hóa khác như lithium cũng tăng giá", ông Will Rhind, Giám đốc điều hành của GraniteShares, một công ty đầu tư quỹ giao dịch hối đoái, nhận định. Quỹ ETF hàng hóa của GraniteShares đã tăng 9% trong năm nay.
FED cũng không đưa ra dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng cắt giảm kích thích, ngay cả khi cơ quan này có thể chấp nhận lạm phát, miễn là nền kinh tế phục hồi.
"Lạm phát là dấu hiệu của một nền kinh tế đang phục hồi. Đó không hẳn là điều xấu", ông Brian Walsh Jr., cố vấn tài chính tại Walsh & Nicholson Financial Group, bình luận.
Nếu kịch bản "taper tantrum" lặp lại, các cổ phiếu sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh, nhất là những cổ phiếu Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn)
Nhà báo Paul R. La Monica của CNN
"Các nhà đầu tư chỉ muốn nghe ông Powell nói rằng 'mọi thứ vẫn ổn' và FED sẽ hỗ trợ tăng trưởng với nhiều gói kích thích và tiền mặt hơn", ông nói thêm.
Theo ông Walsh, lạm phát là vấn đề của năm 2022 hoặc xa hơn. FED sẽ không tăng lãi suất cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. "Tỷ lệ lạm phát không leo lên cao cho đến khi sự phục hồi diễn ra thực sự ổn định", ông nhấn mạnh.
Một khi lạm phát xảy ra, FED có thể phải đảo ngược các chính sách và nhanh chóng tăng lãi suất. Tuy nhiên, CNN khẳng định điều đó cũng không gây tổn hại quá lớn đến nền kinh tế. Nguyên nhân là nhiều người tiêu dùng đã giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo các số liệu chính thức, tỷ lệ tiết kiệm tại Mỹ trong tháng 1 là 20,5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. "Có rất nhiều 'bột khô' (tiếng lóng chỉ tiền mặt dự trữ) trong nền kinh tế và thị trường Mỹ", ông Rhind của GraniteShares nhận định.
Nếu lạm phát xảy ra, FED có thể nhanh chóng tăng lãi suất, khiến các thị trường tài sản có rủi ro chấn động. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Norris của TwentyFour Asset Management, có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát không phải mối đe dọa lớn vào thời điểm hiện tại. Đồng USD có xu hướng suy yếu trong môi trường lạm phát. Tuy nhiên, đồng bạc xanh thực tế đã tăng hơn 1% so với các đồng tiền chính khác trên thế giới vào năm nay.
"Lạm phát có thể là một mối lo ngại. Nhưng tất cả động thái của FED cho thấy rằng lạm phát chưa phải vấn đề chính vào thời điểm này", ông Norris lập luận. "Thị trường đã vượt lên chính nó. Và FED hiện đã kiểm soát được lạm phát", ông nói thêm.