Đội tuyển Tây Ban Nha, một trong những ứng viên hàng đầu cho chiếc cúp vàng, đã hồi sinh mạnh mẽ từ sau thảm bại EURO 2016 và chơi thứ bóng đá xuất sắc, thuyết phục ở vòng loại vừa qua. Nhưng họ tự bắn vào chân mình khi loại bỏ người thuyền trưởng của họ theo cách lãng xẹt nhất, bất ngờ nhất.
Điều gì sẽ xảy ra sau quyết định gây sốc ấy? Liệu cá tính và kinh nghiệm cầm quân (rất ít ỏi) của người thay thế bất đắc dĩ Fernando Hierro có thể giúp được gì cho đội quân ấy, ít nhất là trong việc kết dính đội ngũ, vực dậy tinh thần của tất cả, chưa nói gì đến vấn đề chuyên môn?
Huấn luyện viên Julen Lopetegui bị sa thải chỉ 1 ngày trước lễ khai mạc World Cup 2018. Ảnh: Sports. |
Không ai biết được, cũng không ai có thể khẳng định được rằng liệu Tây Ban Nha đã tự gạt mình khỏi danh sách các ứng viên vô địch không, và thảm hoạ đang gõ cửa họ không.
Nhưng có lẽ, chính Chủ tịch RFEF Luis Rubiales và những người ủng hộ quyết định của ông tin vào những điều thần kỳ. Hiệu ứng sốc sau khi "tiêu diệt một kẻ phản bội" có thể là tốt đối với đội ngũ tài năng, không thiếu kinh nghiệm, khao khát chiến thắng và sự khẳng định mình sau thất bại ở World Cup 2014 và EURO 2016.
Tây Ban nha có tự bắn vào chân mình?
Một số nhà bình luận cho rằng ĐT Tây Ban Nha đã tự bắn vào chân mình, tự sát một cách có hệ thống trước khi bước vào giải đấu mà họ đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhưng trong câu chuyện này, ai cũng có lý theo cách của họ.
Trên thực tế, tân Chủ tịch Rubiales đã quyết định và xử lý rất nhanh chóng. Điều đó cho thấy ông không hề là người yếu đuối và hành động sa thải Lopetegui khẳng định ông không muốn ảnh hưởng của Real Madrid, một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc ở Tây Ban Nha, lan rộng hơn nữa trong một quốc gia quanh năm chia rẽ vì xung đột Real - Barca.
Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez một lần nữa lại khẳng định rằng Real không hề mất giá. Việc hàng loạt HLV hàng đầu không đến Bernabeu thay Zidane được phủ lấp bằng cú sốc chiêu mộ Lopetegui ngay trước thềm World Cup. Và ông cũng không lo ngại nếu bị chỉ trích về việc đặt quyền lợi của Real lên trên quyền lợi của đội tuyển quốc gia.
Giờ thì Lopetegui hoàn toàn có thể dành thời gian cho Real ngay từ lúc này, thay vì phải đợi hết World Cup. Chỉ khá thiệt cho chính Lopetegui, người giờ bị cho là bắt cá hai tay. Chẳng một HLV nào đã đến sát thềm World Cup rồi lại phải trở về nhà theo cách đáng buồn đến thế này.
Rồi thực tế World Cup sẽ chứng minh cho chúng ta thấy rằng câu chuyện này sẽ ảnh hưởng đến đâu, khi vấn đề về cách xử sự, đúng hơn là về "thái độ" có thể quyết định số phận của cả một đội tuyển.
Hơn thế nữa, ảnh hưởng đến tình yêu và nỗi đam mê bóng đá. Nhưng trên thực tế, từng có tiền lệ khi trước giải EURO 2008 mà sau đó Tây Ban Nha vô địch, người ta đã công khai việc HLV Luis Aragones chia tay đội tuyển để đến với đội Fenerbahce sau giải.
Việc công bố ấy không hề gây ra cơn bão khủng khiếp như chúng ta đã thấy với sự kiện Lopetegui, nhưng Rubiales hành xử khác với các quan chức RFEF hồi ấy.
Ông Rubiales muốn thể hiện quyền lực?
Báo chí Tây Ban Nha viết rằng Rubiales muốn thể hiện quyền lực và sức mạnh của mình chỉ một tháng sau khi đắc cử Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha. Không muốn bị coi thường và cảm thấy bị đâm lén sau lưng bởi Real Madrid và chính Lopetegui, ông đã ra tay.
Đương nhiên, quyết định ấy được đưa ra không phải vô cớ, không phải là thiếu suy nghĩ, mà nó nhận được sự chia sẻ tích cực của nhiều nhân vật quan trọng trong bóng đá Tây Ban Nha và cũng có thể của các thành viên của đội tuyển Tây Ban Nha, dù báo chí nước này viết rằng họ sốc khi Rubiales căng thẳng với Lopetegui.
Thành tích thi đấu của ĐT Tây Ban Nha dưới thời Julen Lopetegui. Đồ họa: Minh Phúc. |
Rủi ro là quá lớn, bởi Lopetegui để lại rất nhiều dấu ấn trong 2 năm cầm quân bất bại của ông, bởi bài học đau đớn thua ĐT Hà Lan đến 1-5 ở trận đầu tiên vòng bảng của họ tại World Cup 2014 vẫn còn sờ sờ ra đó.
Rủi ro cũng nằm ở những thất bại từng xảy ra trước kia, ở những đội bóng lớn, khi các vấn đề liên quan đến thượng tầng của đội đã khiến họ sụp đổ. Nhưng đấy là khi các cầu thủ nổi loạn chống lại HLV, như câu chuyện của Hà Lan ở World Cup 1990 và 1994, là đội Pháp ở World Cup 2010.
Câu chuyện này thì khác hơn, nhưng thật khó tin là các cầu thủ sẽ nổi loạn chống lại HLV tạm quyền Fernando Hierro chỉ vì họ vẫn ủng hộ Lopetegui.
Tuy nhiên, người ta cũng biết rằng các đội trưởng và đội phó của Tây Ban Nha (Ramos, Iniesta, David Silva), và những nhân vật có ảnh hưởng trong phòng thay đồ (Reina, Piqué, Butsquets) đã ra sức thuyết phục Rubiales thay đổi quyết định.
Bởi họ nhận thấy đây không phải là thời điểm lý tưởng để đưa ra một quyết định trảm tướng.
Bồ Đào Nha đừng vội mừng
Còn quá sớm để nhận xét Hierro có thể tạo ra điều gì mới mẻ trong cương vị mới, nhưng con người sắt đá này rất có thể là nhân vật thích hợp với đội tuyển Tây Ban Nha vào thời điểm này. Đó từng là cầu thủ có cá tính, thủ lĩnh thực sự, đội trưởng đeo áo số 4, hình mẫu mà sau này Sergio Ramos đã học theo.
Những kinh nghiệm làm HLV ít ỏi của anh (Hierro từng là trợ lý của Carlo Ancelotti trong thời gian HLV người Italy ở Real Madrid) có thể là chưa đủ bây giờ.
Tuy nhiên, chính đội ngũ Tây Ban Nha, khi bước vào World Cup, sẽ nhận ra rằng họ đang bị buộc phải chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của mình khi đứng trước sự cố lớn lao nhường ấy.
Cơ hội để chiến thắng trong hoàn cảnh sốc hiện tại là không nhiều, nhưng sẽ trở nên lớn hơn nếu như ĐT Tây Ban Nha thể hiện được tất cả những gì tốt đẹp nhất, đẳng cấp nhất của mình, khi trở nên đoàn kết hơn và biết đặt tập thể lên cá nhân.
Và tôi tin họ sẽ làm được. Điều khiến Tây Ban Nha suy yếu thực ra không phải ở chỗ họ mất thuyền trưởng đã đi cùng họ trong suốt 2 năm qua, mà là ở mâu thuẫn giữa khối Real và Barca trong lòng đội tuyển. Lúc này, điều đó không xảy ra.
Nếu như Ronaldo và các đồng đội của anh ở đội tuyển Bồ Đào Nha đang cảm thấy rằng mình rất may mắn khi chứng kiến đối thủ của họ tự sát bằng việc sa thải Lopetegui, có lẽ họ mừng hơi sớm.
ĐT Tây Ban Nha giống như một con bò tót bị tổn thương sau cú đâm vào mạng sườn và đang say máu. Giờ mới là lúc nó thực sự nguy hiểm.