Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau cái nắm tay Hàn - Triều, 'bóng' giờ đã đến chân Trump

Hai nhà lãnh đạo Moon Jae In và Kim Jong Un xác nhận cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mọi con mắt giờ dồn về phía Donald Trump với cuộc gặp ông Kim trong vài tuần tới.

Trong một động thái được coi là táo bạo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri vào tháng 5 và chứng minh một cách "minh bạch" quá trình này trước cộng đồng quốc tế.

Đây là hành động đầu tiên từ phía Triều Tiên sau khi Tuyên bố Bàn Môn Điếm được ký, trong đó Seoul và Bình Nhưỡng cùng cam kết sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, tiếp tục thúc đẩy kỳ vọng cho một bước đột phá tại hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ sắp tới.

“Đóng cửa bãi thử khác với hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là biện pháp cơ bản nhất để đóng băng việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, Korea Herald dẫn lời Kim Dong Yub, giáo sư tại Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam. "Đó là bước đầu tiên có ý nghĩa của tiến trình phi hạt nhân hóa".

Ông Kim cũng nói với ông Moon trong cuộc họp lịch sử rằng ông hy vọng niềm tin có thể được xây dựng với Washington, đồng thời nhấn mạnh không cần phải duy trì kho vũ khí hạt nhân nếu họ chính thức chấm dứt chiến tranh và ký hiệp ước không xâm phạm, phát ngôn viên tổng thống Yoon Young Chan cho biết.

Thông báo được đưa ra giữa những hoài nghi về việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn các chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử hôm 27/4.

Trump gap Kim Jong Un anh 1
Giới chuyên gia nhận định Seoul sẽ đóng vai trò trung gian, giúp thu hẹp khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington, tạo tiền đề giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Khúc mắc còn tồn tại

Tuyên bố Bàn Môn Điếm không có những biện pháp chi tiết về cách đạt được mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", cũng không đề cập định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” hay thời gian biểu cho tiến trình này.

Sau tín hiệu tích cực từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhiều khả năng những bước cụ thể cho nội dung gây tranh cãi nhất, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Donald Trump. Ông Trump nói sẽ diễn ra trong ba hoặc bốn tuần nữa.

Các chuyên gia cảnh báo con đường dẫn tới việc phi hạt nhân hóa vẫn còn nhiều thách thức, vì hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã không khẳng định được rằng Bình Nhưỡng chia sẻ với Washington định nghĩa của việc phi hạt nhân hóa.

Mỹ và Hàn Quốc đã yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi Bình Nhưỡng được hưởng bất cứ nguồn khích lệ nào, ví dụ như nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Về phần mình, Triều Tiên lại đề nghị Hàn Quốc và Mỹ thực hiện các biện pháp “theo từng giai đoạn và đồng bộ hóa” trong quá trình phi hạt nhân hóa của mình.

"Cần phải xem cam kết của Kim Jong Un về việc giải trừ hạt nhân có ý nghĩa cụ thể thế nào: đồng thuận với yêu cầu của Tổng thống Trump về việc loại bỏ nhanh chóng và có thể kiểm chứng các vũ khí hạt nhân cũng như hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng của Triều Tiên; hay thể hiện ý định thực hiện một quy trình dài hơn mức cần thiết và đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được như việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc hoặc bãi bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt, trong khi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên vẫn còn tồn tại”, chuyên gia Alexander Vershbow từ trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh Quốc tế nhận định.

"Hy vọng điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trước khi ngày tháng cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được ấn định", ông Vershbow, người còn là cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nói.

Cụm từ "bán đảo Triều Tiên không hạt nhân" cũng có thể ngụ ý rằng Triều Tiên cũng muốn Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân. Vẫn còn những lo ngại về việc Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ rút quân đội và tài sản chiến lược khỏi Hàn Quốc, cũng như đề nghị Washington ngừng bảo vệ hạt nhân ở đây, đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trump gap Kim Jong Un anh 2
Người dân xem tin truyền hình có hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một ga tàu ở Seoul hôm 9/3/2018. Ảnh: AFP.

Vai trò của Hàn Quốc

"Kiểm soát nhịp độ thực hiện tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và phi hạt nhân hóa là rất quan trọng", Shin Beom Chul, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết.

"Đơn phương thúc đẩy chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và thiết lập một chế độ hoà bình mà không có sự phối hợp với Mỹ hoặc tiến bộ trong việc hủy hạt nhân từ Triều Tiên có thể khiến liên minh Hàn Quốc - Mỹ bị đe dọa", ông nói.

Một vấn đề nữa cần lưu tâm, đó là Triều Tiên sẽ đồng ý để các thanh tra từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kiểm tra các cơ sở hạt nhân ở mức độ nào.

Triển vọng hoàn thành tuyên bố liên Triều lịch sử sẽ phụ thuộc vào việc 2 ông Trump và Kim có đạt được thỏa thuận phá bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay không.

Ngoài việc khẳng định ý chí của hai miền về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, hai nhà lãnh đạo Moon Jae In và Kim Jong Un đã đồng ý tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay, thiết lập đường dây nóng xuyên biên giới, theo đuổi kế hoạch cắt giảm vũ khí theo giai đoạn, ngừng những hành động thù địch và mở rộng những cuộc trao đổi liên Triều.

Việc ký hiệp ước hòa bình sẽ không chỉ liên quan đến hai miền Triều Tiên, bởi chính Mỹ và Trung Quốc đã ký tên trực tiếp vào thỏa thuận đình chiến, chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc, khiến hai bên ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật kể từ năm 1953.

Bất kỳ hành động nối lại các dự án hợp tác kinh tế nào cũng có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế tầng tầng lớp lớp dành cho Triều Tiên và làm suy yếu chiến dịch tạo áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng, do Mỹ khởi xướng.

Trump gap Kim Jong Un anh 3
Người biểu tình đeo mặt nạ Donald Trump và Kim Jong Un trong một cuộc biểu tình hòa bình ở Seoul vào ngày 5/11/2017. Ảnh: AFP/Getty.

Nhiệm vụ cấp bách hiện tại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là đóng vai trò trung gian giữa Triều Tiên và Mỹ. Người ta chờ đợi ông đưa ra một kế hoạch thực tế để hòa giải những khác biệt có thể có trong quan điểm của mỗi bên về phi hạt nhân hóa trước khi họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

“Vai trò của chính phủ Hàn Quốc là kín đáo chuyển lại cho Mỹ những gì đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim. Hàn Quốc cần làm việc chặt chẽ với Mỹ để chuẩn bị các biện pháp cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi Mỹ ngồi xuống đàm phán với Triều Tiên", Park Won Gon từ Đại học Toàn cầu Handong nhận định.

Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng và Washington có thể đồng ý về mục tiêu to lớn của việc khử hạt nhân và đơn giản hóa các bước để Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách nhanh chóng, và Mỹ có thể đồng thời thực hiện những biện pháp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Một vòng ngoại giao khác dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới, khi ông Moon cân nhắc gặp ông Trump trước hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ. Ông cũng dự định gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào đầu tháng 5.

Thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện vẫn đang được cân nhắc. Mông Cổ và Singapore được cho là hai quốc gia trong danh sách rút gọn.

90s: Những biểu tượng hòa bình của thượng đỉnh liên Triều Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In ngày 27/4 cho thấy nhiều biểu tượng hòa bình, thống nhất và hữu nghị.

Tổng thống Duterte gọi ông Kim Jong Un là 'người hùng'

Tổng thống Philippines Rodridgo Duterte gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là "người hùng của mọi người" sau khi ông Kim tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un 'đau lòng' vì Hàn - Triều dùng 2 múi giờ khác nhau

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông sẽ đẩy giờ Triều Tiên lên sớm 30 phút để trùng với múi giờ Hàn Quốc, động thái hòa giải tiếp theo sau cuộc gặp lịch sử hôm 27/4.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm