Người dân hai miền Triều Tiên thức dậy sáng 28/4 với một viễn cảnh họ chờ đợi đã 65 năm: Hòa bình sẽ thực sự tái lập.
Báo chí tại Hàn Quốc, và đáng kinh ngạc là tại cả Triều Tiên, tràn ngập hình ảnh Tổng thống Moon Jae In tay trong tay cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un bước qua đường giới tuyến quân sự đã chia cắt bán đảo suốt 7 thập kỷ.
Đối với người dân hai miền Triều Tiên, dù có thể không xem trực tiếp giây phút hai nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố chung lịch sử, những thông tin về kết quả đột phá đạt được trong cuộc hội đàm ngày 27/4 khiến nhiều người lạc quan tin tưởng vào tương lai tái lập hòa bình đã ở trong tầm tay.
Những đột phá không mới
"Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hóa hoàn toàn, chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên trong năm nay", Seoul Shinmun, một trong những nhật báo lâu đời nhất Hàn Quốc, giật tít tóm tắt những điểm then chốt mà lãnh đạo hai miền đã thống nhất sau cuộc hội đàm lịch sử.
Tại Bình Nhưỡng, Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, dành tới 4 trên 6 trang của tờ báo đăng tải 61 bức hình màu về cuộc hội đàm lịch sử, một động thái hiếm có đối với tờ báo được cho là không mấy khi đăng tải những tin tức thời sự.
"Hội đàm lịch sử mở ra chương mới cho sự nghiệp hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng", Rodong Shinmun viết.
Nhưng, tất cả những diễn biến tưởng chừng như lịch sử ấy đều chưa thể đảm bảo cho một nền hòa bình sớm tái lập trên một bán đảo Triều Tiên hoàn toàn sạch bóng vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, hai miền đã nhiều lần tay trong tay gần nhau như vậy.
Nhiều thỏa thuận hòa giải đã đạt được trong quá khứ. Đồ họa: Nhân Lê. |
Thỏa thuận phi hạt nhân hóa không phải là văn bản mới mẻ gì với các bên liên quan về vấn đề Triều Tiên. Năm 1992 và 1994, Triều Tiên lần lượt cam kết với Hàn Quốc và Mỹ từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng đến năm 2006, nước này cho nổ quả bom hạt nhân đầu tiên.
Năm 2007, Triều Tiên ký một thỏa thuận với 4 nước láng giềng Trung - Nhật - Nga - Hàn về chấm dứt chương trình hạt nhân. Năm 2012, một thỏa thuận khác được ký với Mỹ. Nhưng rốt cuộc, bán đảo Triều Tiên chứng kiến một năm 2017 sóng gió với hàng chục vụ thử tên lửa và một quả bom hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử Triều Tiên từng thử nghiệm.
Sau nhiều năm các thỏa thuận giải trừ hạt nhân liên tiếp đổ vỡ, câu hỏi đặt ra là có gì để đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ thực hiện những cam kết họ vừa đạt được với Tổng thống Moon Jae In? Liệu ông Kim Jong Un có sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí từ lâu được coi là thanh gươm giúp nhà lãnh đạo 34 tuổi duy trì quyền lực và bảo vệ an ninh của chính quyền?
Những người chơi mới trên bán đảo Triều Tiên
Những người lạc quan tin rằng cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 có đủ những yếu tố khiến kết quả đạt được hôm 27/4 sẽ khác biệt và có thể mang lại nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Điểm khác biệt đầu tiên đến từ chính nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Những diễn biến vừa qua cho thấy cậu con trai nhà họ Kim khác xa cha và ông nội.
Ông Kim là một người hướng ngoại, không ngần ngại đưa ra những quyết định táo bạo và khó lường, như việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đúng ngày quốc khánh Mỹ hôm 4/7/2017 hay bất ngờ nắm tay Tổng thống Moon Jae In bước sang phần lãnh thổ Triều Tiên sáng 27/4.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In nắm tay nhau bước qua đường phân giới liên Triều. Ảnh: AP. |
Ông Kim sẵn sàng gọi Hàn Quốc bằng tên chính thức của nước này, hay gọi Triều Tiên bằng tên theo cách gọi của Hàn Quốc, cử chỉ ngoại giao cho thấy mong muốn tạo không khí thân thiện trong cuộc hội đàm.
Nhà lãnh đạo cũng thừa nhận sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng miền Bắc so với miền Nam, công khai nói về những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, hay thậm chí thừa nhận các vụ pháo kích của Triều Tiên đã khiến nhiều công dân Hàn Quốc thiệt mạng.
"Đây là những sự thừa nhận có ý nghĩa rất quan trọng", Washington Post nhận định.
Một trong những yếu tố góp phần vào bước tiến đột phá hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Sau những tháng đầu khó khăn do căng thẳng từ những vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng, chính quyền của ông Moon liên tục xúc tiến giảm căng thẳng và hòa giải liên Triều.
"Một điểm đáng chú ý là ông Moon xuất thân từ gia đình Triều Tiên chạy nạn về miền Nam trong thời chiến. Thúc đẩy hòa giải liên Triều là một mong muốn tự nhiên của ông ấy", Kim Ji Yoon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Seoul, nhận định.
Tổng thống Moon Jae In được đánh giá là người ủng hộ chính sách Ánh Dương của các cựu tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun. Dẫu Seoul tuyên bố chính sách Ánh Dương thất bại năm 2010, người ta thấy Tổng thống Moon nay bước những bước tương tự trên con đường Ánh Dương, đầu tiên là hội đàm với lãnh đạo miền Bắc, sau đó mở cửa lại tổ hợp công nghiệp chung Kaesong.
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhân tố không thể bỏ qua khiến tình thế hiện nay rất khác so với hai kỳ hội đàm thượng đỉnh 2000 và 2007. Nếu như những chính trị gia lão luyện như Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama không vội vàng bước vào cuộc gặp mặt đối mặt với lãnh đạo Triều Tiên, kẻ bị coi là ngoại đạo Donald Trump lại nhận lời, và dường như ông sẽ thực sự gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
"Cũng giống như nhà lãnh đạo họ Kim, ông Trump nổi tiếng với sự bốc đồng cùng tính khí thất thường, khó đoán định, điều này có thể tăng gấp đôi nguy cơ đổ vỡ, nhưng cũng có thể là cơ hội tạo ra nền tảng chung đầu tiên, hình thành quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Trump và Kim Jong Un", Bloomberg đánh giá.
Tháng 11/2017, Tổng thống Trump từng chia sẻ trên Twitter rằng ông đang cố để trở thành bạn với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và hy vọng sẽ có ngày điều đó trở thành sự thật. Trước cuộc hội đàm hôm 27/4, Tổng thống Trump nói ông dành sự tôn trọng lớn cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Và nay, ông Trump tuyên bố giữa hai nhà lãnh đạo đang có mối quan hệ công việc tốt đẹp.
Chờ đợi câu trả lời từ cuộc gặp Trump - Kim
Những thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm liên Triều ngày 27/4, dẫu đầy ắp những ngôn từ hy vọng, bị coi là mơ hồ và thiếu biện pháp thực tế về vấn đề giải trừ hat nhân, khúc mắc then chốt ngăn cản nền hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Điều này không khó hiểu bởi nó vốn được cho là bước đà chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.
Thế khó để giải quyết vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên nằm ở chỗ cả Washington và Bình Nhưỡng không sẵn sàng nhượng bộ trước, chưa kể giới chức Mỹ liên tục cảnh báo Tổng thống Trump không thể ảo tưởng về lời hứa giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Tương lai vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải chờ vào cuộc hội đàm Mỹ - Triều sắp tới. Ảnh: Reuters. |
Benjamin Silberstein, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Philadelphia, nhận định tư thế của Bình Nhưỡng nay rất khác so với trước kia "Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hướng tới cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Mỹ Donald Trump trên vị thế người đứng đầu một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân".
Ông Silberstein cho rằng chính nhờ sở hữu năng lực hạt nhân đáng kể, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ nghiêm túc bàn bạc những vấn đề trọng yếu với Washington. "Khó có chuyện Bình Nhưỡng dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân khi họ đã tiến xa tới mức này. Vấn đề là Mỹ có chấp nhận thực tế và bắt tay vào thảo luận những vấn đề thực chất hay không".
"Tất cả sẽ phải chờ xem chuyện gì xảy ra tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un", Paul Haenle, chuyên gia nghiên cứu quốc tế từ Trung tâm Tsinghua Carnegie, Bắc Kinh, nói.