Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau cách mạng công nghiệp, đã tới thời kỳ cách mạng thanh toán lần 4

Trong thời đại smartphone và các hình thức thanh toán không chạm ngày càng phổ biến, rủi ro bảo mật của người dùng cũng tăng lên.

Khi công nghệ 5G sắp được triển khai, viễn cảnh hàng tỷ thiết bị kết nối sẽ làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp, đồng thời thay đổi cả hình thức thanh toán. Đi kèm với cách mạng công nghiệp 4.0, những hình thức thanh toán và đảm bảo thanh toán cũng phải trải qua cuộc cách mạng để đảm bảo bảo mật, thuận lợi cho người dùng.

“Chúng ta sắp trải qua cuộc cách mạng thanh toán thứ 4”, ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại Hội nghị Bảo mật Visa châu Á - Thái Bình Dương 2019.

Vạn vật kết nối đem tới nhiều rủi ro hơn bao giờ hết

Sự bùng nổ các thiết bị kết nối Internet, cùng xu hướng sử dụng các thiết bị thông minh để thanh toán đang mở ra nhiều cơ hội mới cho thanh toán kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại rủi ro về bảo mật, khi mọi thiết bị đều chứa một lượng lớn dữ liệu có thể rất nhạy cảm mà tội phạm mạng có thể khai thác.

Theo nghiên cứu của Juniper Research, gian lận thanh toán có thể khiến cho các nhà bán lẻ thiệt hại 130 tỷ USD trong 5 năm tới. Thất thoát dữ liệu là nguy cơ lớn nhất dẫn đến thiệt hại.

Bao mat thanh toan khong chi bat dau tu cong nghe anh 1
Ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Visa công bố số liệu cho thấy hơn 3,3 tỷ người đã gặp sự cố về mất mát dữ liệu trong năm 2018. Với tương lai có tới 25 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2021, tội phạm mạng cũng tạo thành một “ngành công nghiệp” với trị giá lên tới 600 tỷ USD, tương đương với 1% GDP toàn cầu.

Dữ liệu cũng là chủ đề được nhắc tới thường xuyên tại Hội nghị Bảo mật Visa. Dữ liệu không chỉ được tạo ra khi thanh toán, mà còn xuất hiện ngay từ khâu thiết lập. Do đó, việc quản lý dữ liệu, đảm bảo dữ liệu an toàn là yêu cầu cấp thiết đối với những mạng lưới thanh toán như Visa.

Mặc dù sự bùng nổ thiết bị kết nối đem đến cơn đau đầu với những người đề xuất chính sách rủi ro, đại diện Visa khẳng định họ sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số và không chạm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi cơ hội ở đây còn rất nhiều. Theo số liệu của Visa, vẫn còn tới 55% lượng thanh toán, tương đương 6,1 tỷ USD tại khu vực sử dụng tiền mặt hoặc séc.

Dữ liệu vẫn là thứ cần bảo mật nhất

Để nâng cao tiêu chuẩn an toàn đối với mọi ngân hàng và đối tác, Visa đã đưa ra 4 khía cạnh bảo mật để đảm bảo dữ liệu gồm: giảm giá trị dữ liệu, bảo mật dữ liệu, tăng quyền của người dùng và xử lý dựa trên nhiều dữ liệu hơn.

Bao mat thanh toan khong chi bat dau tu cong nghe anh 2
Những cách tiếp cận để bảo mật dữ liệu người dùng được Visa đưa vào lộ trình an toàn thanh toán áp dụng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, còn nhiều công nghệ khác như chip EMV, mã hóa tokenization, bảo mật sinh trắc học… được ứng dụng để đảm bảo những tiêu chí bảo mật dữ liệu do Visa đưa ra.

Tất nhiên, để nâng cao khả năng bảo mật thì không chỉ có nỗ lực của Visa. Những đối tác tài chính cũng phải cam kết ứng dụng những công nghệ này nhằm sớm đáp ứng những tiêu chuẩn chung của ngành thanh toán về bảo mật.

“Việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu giúp cho các đơn vị dễ dàng triển khai, đảm bảo an toàn trong xử lý giao dịch và tối ưu hóa chi phí”, ông Joe Cunningham, Phó chủ tịch cấp cao Quản lý rủi ro tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Visa chia sẻ.

Tháng 3/2019, Visa đã công bố lộ trình an ninh thanh toán cho Việt Nam để đảm bảo các ngân hàng cũng như người dùng Việt Nam có thể áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật trong tương lai gần.

“Trước khi đưa ra lộ trình, chúng tôi đã làm việc với các đối tác, những đơn vị quản lý để đi đến sự đồng thuận về một kế hoạch chung”, ông Sriraman Shivakumar - Giám đốc Quản lý rủi ro, Visa khu vực Đông Nam Á cho biết.

Bảo mật tốt là khắc phục được cả những sai lầm của người dùng

Trong bài chia sẻ tại Hội nghị Bảo mật Visa châu Á - Thái Bình Dương 2019, ông Chris Clark cũng có chia sẻ thú vị về mật khẩu thông dụng nhất thế giới: 123456. Ông Clark cho biết chính mình cũng từng dùng mật khẩu này cho một số tài khoản không quan trọng, và đây chính là nguy cơ dẫn đến những vụ việc lộ dữ liệu.

"Bạn đặt mật khẩu từ 1 đến 6 cho những tài khoản mà bạn cho rằng không quan trọng, như tài khoản mua vé xem phim chẳng hạn, nhưng tội phạm sẽ thu nhặt thông tin của bạn từ khắp nơi. Và những thông tin về bạn được cóp nhặt lại sẽ trở thành một rắc rối lớn", bà Shirley Yu, Tổng giám đốc của Visa Trung Quốc chia sẻ.

Bao mat thanh toan khong chi bat dau tu cong nghe anh 3
Những mật khẩu quá dễ đoán tiềm ẩn rủi ro đối với người dùng, kể cả khi dùng cho những tài khoản không quan trọng. Ảnh: Shutterstock.

Theo thống kê của Trung tâm An ninh mạng Vương quốc Anh, riêng nước này đã có 23,2 triệu người sử dụng mật khẩu “123456”, khoảng 3,8 triệu người sử dụng mật khẩu “qwerty”. “Password” cũng nằm trong danh sách những mật khẩu phổ biến nhất thế giới.

Bên cạnh việc đặt mật khẩu đơn giản, hầu hết người dùng cũng không biết tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ trên mạng. Có tới gần 1 nửa số người được hỏi trong một cuộc khảo sát năm 2018 cho biết họ không sử dụng mật khẩu đủ mạnh và dành riêng cho tài khoản email.

Tuy nhiên, việc tích hợp những công nghệ bảo mật mới có thể bảo vệ người dùng cả khi ý thức bảo mật của họ chưa cao, với những sai lầm như đặt mật khẩu quá dễ đoán. Với thẻ tích hợp chip EMV, nhiều ngân hàng giờ đây coi chữ ký khách hàng như tùy chọn thêm chứ không phải lựa chọn bắt buộc.

Các hình thức mới như bảo mật sinh trắc học cũng có thể dần thay thế cho mật khẩu, với những ưu điểm như tốc độ, dễ sử dụng và luôn mang theo người. Đây có thể coi là một trong những hình thức xác thực vừa tăng bảo mật, vừa thuận tiện cho người dùng, một trong những mục tiêu Visa đặt ra.

TQ gắn đèn dưới mặt đường phục vụ 'zombie' nghiện điện thoại Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), đã lắp đèn giao thông dưới vỉa hè và mặt đường để cảnh báo những người hay cắm mặt vào smartphone.

Google Chrome đang trở thành phần mềm gián điệp đáng sợ nhất

Theo Washington Post, trình duyệt Google Chrome với 11.000 cookie của nó đang theo dõi người dùng và kiếm tiền từ việc này.


Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm