Khi các biện pháp cách ly vì virus corona chủng mới (Covid-19) được nới lỏng, người tiêu dùng Trung Quốc đang dần trở lại các trung tâm thương mại và cửa hàng xa xỉ để mua sắm.
Trước đó, người tiêu dùng Trung Quốc là động lực chính cho tăng trưởng của ngành công nghiệp xa xỉ trên toàn cầu.
Người dân Trung Quốc bắt đầu chi tiền mua hàng xa xỉ trở lại sau thời gian cách ly. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, lượng khách trở lại các cửa hàng tại Trung Quốc đang bắt đầu tăng sau khi giảm tới 80% do Covid-19 bùng phát so với mức đỉnh đầu mùa đông năm nay, khiến doanh số của các thương hiệu xa xỉ từ Burberry Group Plc cho tới Gucci sụt thê thảm.
Sự phục hồi được dự báo sẽ tăng tốc trong vài tuần tới nhờ làn sóng “chi tiêu bù” của người tiêu dùng Trung Quốc sau khi hết thời gian cách ly.
Trở lại sau thời gian kìm nén chi tiêu
Cụm từ "chi tiêu bù" từng được dùng để mô tả nhu cầu chi tiêu bị dồn nén của người Trung Quốc vào những năm 1980.
Amrita Banta, giám đốc điều hành tại Agility Research đã sử dụng cụm từ này để mô tả làn sóng chi tiêu hàng xa xỉ của những người Trung Quốc với túi tiền đầy ắp sau nhiều tuần phải huỷ hết các kế hoạch mua sắm.
“Trung Quốc dường như đang bắt đầu phục hồi và các thành phố lớn đang có nhiều tín hiệu lạc quan. Chúng tôi đã thấy sự phục hồi chậm nhưng chắc chắn”, bà Banta cho biết.
Người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp tới hơn 1/3 doanh thu hàng xa xỉ trên toàn cầu và khoảng 2/3 tăng trưởng của ngành này vài năm gần đây. Khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp phong toả vào cuối tháng 1 để ngăn chặn sự lây lan của virus, hoạt động bán hàng bị đình trệ ngay khi chuẩn bị bước vào giai đoạn mua sắm quan trọng của dịp nghỉ Tết nguyên đán.
Trước đó, ngành công nghiệp xa xỉ được dự báo sẽ có quý đầu năm bết bát, nhưng đến nay, điều này được dự báo cho cả nửa đầu năm 2020, khi các trung tâm hàng xa xỉ hàng đầu thế giới như Italy đang phải áp dụng lệnh phong toả và sự lây lan nhanh chóng của virus sang các thị trường lớn như Mỹ.
Theo nhận định của Bloomberg, kể cả khi virus lây lan ra toàn cầu, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang được kiểm soát. Ngày 11/3, nước này chỉ ghi nhận thêm hơn 20 ca nhiễm mới, giảm từ hàng trăm hay hàng nghìn ca mỗi ngày vài tuần trước đó.
Các thương hiệu xa xỉ như Hermes International đang mở trở lại các cửa hàng tại Trung Quốc.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc đang dần cải thiện”, Micaela Le Divelec Lemmi, giám đốc điều hành của Salvatore Ferragamo SpA, cho biết hồi đầu tuần. “Tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc đang phục hồi. Sau một tháng rưỡi phải đóng cửa và áp dụng các biện pháp hạn chế, họ đang háo hức trở lại”.
Andy Li, 29 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đồng tình với điều này. Li cho biết anh đã tới trung tâm thương mại Maoye ở tỉnh Sơn Tây 3 lần kể từ khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ hai tuần trước. Trung tâm thương mại này, với nhiều thương hiệu như Gucci và Bottega Veneta, kiểm tra thân nhiệt của tất cả khách mua sắm trước khi vào cửa. Mọi khách hàng tới đây đều phải đeo khẩu trang.
“Tôi bị mắt kẹt ở nhà cả tháng. Khu dân cư nơi tôi sống cũng bị phong toả và tôi chẳng được đi đâu cả. Giờ đây, tôi cảm thấy như tự do trở lại”, Li cho biết.
Li cho biết anh cũng đã cố gắng đặt hàng trực tuyến trong thời gian bị cách ly, nhưng hàng hoá bị mắc kẹt ở hải quan do hoạt động giao vận đình trệ.
Khó bù đắp doanh thu đã mất
Hãng thời trang xa xỉ Hermes của Pháp cho biết đã mở lại tất cả cửa hàng, trừ hai cơ sở ở Trung Quốc đại lục, sau khi phải đóng cửa toàn bộ 11 cửa hàng do lệnh phong toả.
Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd., hãng trang sức lớn nhất thế giới theo doanh thu, cũng cho biết 85% trong số hơn 3.600 cửa hàng tại Trung Quốc của hãng đã khôi phục hoạt động trong tuần này.
Trước đó, hoạt động hàng không ngưng trệ cùng các biện pháp hạn chế du lịch theo đoàn đã khiến du khách Trung Quốc hạn chế du lịch nước ngoài và điều này được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động mua sắm nội địa. Xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ khi thuế nhập khẩu và các loại thuế khác được giảm, giúp mua sắm trong nước trở nên hấp dẫn hơn so với ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động “chi tiêu bù” sẽ không bù đắp được cho số doanh thu bị mất. Một khảo sát 28 giám đốc hàng đầu của Boston Consulting Group và Sanford C. Bernstein cho thấy ngành công nghiệp xa xỉ có thể thiệt hại tới 45 tỷ USD doanh thu trong năm 2020. Và không phải ai cũng đổ xô tới tới trung tâm thương mại sau khi các biện pháp cách ly được nới lỏng.
Một cửa hàng Hermes tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
“Mọi thứ đều đi xuống theo niềm tin của người tiêu dùng”, Jason Yu, giám đốc điều hành tại Kantar Worldpanel Greater China, cho biết. Nhiều người làm việc trong ngành dịch vụ hoặc điều hành các công ty nhỏ, chịu ảnh hưởng lớn tới thu nhập do dịch bệnh và họ có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu.
Trở lại tình hình dịch bệnh, dù số lượng ca nhiễm virus mới tại Trung Quốc giảm mạnh, các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm có thể sẽ tăng trở lại khi người dân khôi phục hoạt động thường ngày. Khách du lịch nước ngoài có thể cũng sẽ làm bùng phát dịch khi mang virus trở lại Trung Quốc. Ngoài ra, tác động kinh tế do các biện pháp, như cấm toàn bộ di chuyển từ châu Âu vào Mỹ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể làm giảm khả năng phục hồi của Trung Quốc.