Sau gần 100 ca nhiễm virus corona chủng mới và 35 trường hợp tử vong tại Mỹ, thị trường chứng khoán Phố Wall chấn động mạnh những ngày qua. Chỉ số Dow Jones sụt giảm hơn 20% kể từ đỉnh cao ngày 19/2.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất cơ bản và mới đây Tổng thống Donald Trump quyết định chặn đứng dòng đi lại giữa Mỹ và châu Âu để đối phó với virus đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Các chuyên gia quốc tế đặc biệt lo ngại nguy cơ dịch Covid-19 làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ. Trước đó, các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc tê liệt trong nhiều tuần lễ, chuỗi cung ứng bị cắt đứt, xuất khẩu lao dốc.
Trên New York Times, giáo sư kinh tế Austan Goolsbee thuộc Đại học Chicago cho biết những nền kinh tế phát triển như Mỹ không miễn nhiễm với các tác động tiêu cực của dịch bệnh có nguồn gốc Trung Quốc. Thậm chí, nó có thể gây những hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Sau nhiều tuần thể hiện thái độ chủ quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm di chuyển giữa Mỹ và các nước châu Âu trong vòng 30 ngày. Chứng khoán Mỹ giảm hơn 1.000 điểm sau tuyên bố của ông Trump. Ảnh: CNN. |
Nguy cơ suy thoái nghiêm trọng
Trước đó, dịch Covid-19 đã làm tổn thương nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa dẫn tới tình trạng nguồn cung của hàng loạt sản phẩm - từ phụ tùng xe hơi, dược phẩm và iPhone - bị gián đoạn. Các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế đã cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Nhưng việc dịch bệnh lây lan tại Mỹ sẽ gây những tác động kinh tế còn phức tạp hơn. Bởi các ngành công nghiệp dịch vụ "mặt đối mặt" là trụ cột của kinh tế Mỹ. Với nền kinh tế Mỹ, việc trẻ em không đi học, người tiêu dùng ngừng tới siêu thị, phòng tập gym, sân vận động thể thao hay phòng khám nha khoa là một thảm họa.
Tại Mỹ, hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế. Phần lớn người lao động Mỹ chỉ được trả lương tối đa 10 ngày nghỉ bệnh trong năm. Do đó, rất nhiều người sẽ ngần ngại không dám đi xét nghiệm virus và thậm chí tiếp tục đi làm khi ho, khó thở và sốt.
Khoảng 41% dân số Trung Quốc sống ở các khu vực ngoài thành thị. Ngược lại, hơn 80% dân số Mỹ tập trung ở các thành phố. Mà bệnh truyền nhiễm thường lây lan ở thành phố nhanh hơn nhiều so với những nơi khác.
Ngoài ra, có một điểm khác biệt cơ bản trong cấu trúc kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc người tiêu dùng hạn chế tương tác vì sợ virus sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp quy mô của Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vì tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Ví dụ, một người Mỹ trung bình bay 3 chuyến mỗi năm, gấp đôi người Trung Quốc. Ổ dịch trên tàu Diamond Princess khiến nhiều người xa lánh dịch vụ du lịch này. Tâm lý sợ hãi đó ảnh hưởng tới 11,5 triệu hành khách Mỹ mỗi năm, vượt xa con số 2,3 triệu của Trung Quốc.
Không ít người sẽ bỏ các sự kiện thể thao, một nền công nghiệp lớn tại Mỹ. Ước tính người Mỹ sẵn sàng chi gấp 10 lần so với người Trung Quốc cho các sự kiện thể thao. Và 60 triệu người Mỹ chi 19 tỷ USD mỗi năm cho dịch vụ tập gym, gấp 3 lần con số 6 tỷ USD của Trung Quốc.
Và mọi người sẽ ngại đi khám bệnh hoặc tới phòng khám nha khoa khi dịch bùng nổ. Nhưng chi phí y tế và nha khoa chiếm tới 17% nền kinh tế Mỹ, cao gấp 3 lần Trung Quốc.
Kịch bản nào dành cho nền kinh tế Mỹ?
Tất nhiên không phải ngành dịch vụ nào của Mỹ cũng có quy mô lớn hơn hẳn so với Trung Quốc. Ví dụ các ngành bán lẻ và nhà hàng của 2 nền kinh tế có tỷ trọng tính theo GDP tương đương. Dù vậy, nền kinh tế Mỹ dựa vào dịch vụ nhiều hơn hẳn so với Trung Quốc.
Ngược lại, nông nghiệp - ngành không đòi hỏi nhiều tương tác xã hội, do đó ít nguy cơ lây nhiễm hơn - chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, gấp 10 lần tỷ trọng ở nền kinh tế Mỹ.
Vì vậy, giáo sư Austan Goolsbee cho rằng dịch Covid-19 tại Mỹ sẽ là một "cơn bão tuyết khổng lồ", làm tê liệt gần như mọi hoạt động kinh tế và tương tác xã hội. Cơn bão này có thể kéo dài nhiều tháng, làm tan hoang nền kinh tế Mỹ.
Theo Reuters, hiện các nhà kinh tế không còn thảo luận chuyện liệu nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không, mà đã chuyển sang chủ đề sẽ suy thoái ở mức nào và hồi phục ra sao. "Đây sẽ là một cuộc suy thoái trầm trọng", chiến lược gia Dan Krieter và Dan Belton thuộc BMO Capital Market khẳng định.
Chuyên gia Michelle Meyer thuộc Bank of America Securities cho biết các nhà kinh tế không còn hi vọng nhiều vào mô hình phục hồi "chữ V", nghĩa là nền kinh tế Mỹ phục hồi rất nhanh sau khi suy giảm.
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy giảm và phục hồi chậm chạp. Ảnh: Getty Images. |
Với việc dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, buộc chính phủ nhiều nước thực hiện các biện pháp ngặt nghèo để chống trả, có nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ phục hồi chậm chạm theo hình "chữ U", nghĩa là quãng thời gian yếu ớt, chạm ngưỡng suy thoái kéo dài.
Theo các chuyên gia, tiêu dùng tại Mỹ sẽ sụt giảm, đầu tư kinh doanh bị trì hoãn và các hoạt động kinh tế tổng thể bị kìm hãm vì dịch Covid-19. Các hoạt động truyền thống ở nhiều thành phố có thể tê liệt khi chính quyền địa phương hạn chế tụ tập và hủy bỏ các sự kiện đông người.
Nhà kinh tế Kathy Bostjancic thuộc Oxford Economies dự báo kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi do tình trạng lao động bị sa thải, tiêu dùng lao dốc. “Đây không chỉ là cú sốc với nền kinh tế Mỹ mà còn là cú sốc toàn cầu”, bà Bostjancic khẳng định.
Trong trường hợp xấu nhất là dịch lan rộng, quá nhiều hoạt động kinh tế tê liệt, nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nặng và hồi phục theo hình "chữ L", nghĩa là trì trệ kéo dài và mất rất nhiều thời gian để quay trở lại với tăng trưởng.