Trong động thái nhượng bộ, bà Carrie Lam ngày 15/6 cho biết Hội đồng Lập pháp của đặc khu sẽ dừng mọi hoạt động liên quan đến dự luật. Các bước tiếp theo sẽ được quyết định sau khi tham khảo ý kiến với các bên, theo Reuters.
Đặc khu trưởng Carrie Lam cho biết Hội đồng Lập pháp của đặc khu sẽ dừng mọi hoạt động liên quan đến dự luật dẫn độ. Ảnh: South China Morning Post. |
Khoảng 1 triệu người đã xuống đường ở Hong Kong ngày 9/6 để phản đối dự luật, theo con số ước tính của những người tổ chức biểu tình. Ngày 12/6, cuộc biểu tình quy mô lớn thứ hai diễn ra. Cảnh sát đã dùng đạn cao su và hơi cay trong các cuộc biểu tình, khiến thành phố rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Dự luật dẫn độ, sẽ áp dụng cho cư dân Hong Kong và công dân các nước đang ở trong thành phố, bị coi là mối đe dọa cho sự độc lập tư pháp vốn khiến Hong Kong trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới kinh doanh toàn cầu.
Cảnh sát trưởng Hong Kong phủ nhận ý kiến cho rằng các nhân viên an ninh đã mạnh tay thái quá với những người biểu tình. Ông khẳng định các trang bị của cảnh sát, bao gồm súng bắn hơi cay, đạn cao su và đạn túi đậu đều giống với trang bị của cảnh sát nước ngoài trong tình huống tương tự.
Cuộc biểu tình ngày 12/6 đã biến thành đụng độ và khiến gần 80 người bị thương. Ảnh: New York Times. |
Cuộc biểu tình ngày 12/6 đã khiến Hội đồng Lập pháp Hong Kong phải hủy bỏ phiên thảo luận thứ hai về dự luật, dự kiến diễn ra trong ngày hôm đó. Cho đến trước hôm nay, chính quyền Hong Kong đã kiên quyết bảo vệ sáng kiến về dự luật, với lập luận nó sẽ ngăn Hong Kong trở thành một "thiên đường tội phạm", trong khi những người phản đối cho rằng nó sẽ mở đường để Trung Quốc được xét xử những người bất đồng chính kiến và chính trị gia đối lập ở Hong Kong.
Quan chức Hong Kong từng viện dẫn vụ án liên quan sinh viên Chan Tong-kai, một sinh viên Hong Kong bị cáo buộc giết bạn gái ở Đài Loan, để bảo vệ đề xuất sửa đổi luật, cho phép dẫn độ nghi phạm từ đặc khu này đến các nơi khác để xét xử.