Cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 đánh dấu sự trở lại của đảng Dân chủ tại Hạ viện và phần nào gây áp lực lên nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông Trump có lẽ sẽ giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình đối với Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Kể từ hồi tháng 7 khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu áp đặt các biện pháp thuế quan vào hàng hóa xuất khẩu của nhau, nhiều học giả dự đoán rằng chính sách đối ngoại với Trung Quốc của ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và gây ra sự chia rẽ đảng phái chính trị.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ và các nhà phân tích, dù cho phe Dân chủ và phe Cộng hòa có bất đồng chính kiến gay gắt về vấn đề nhập cư, chăm sóc sức khỏe, kinh tế và tài chính, thì họ vẫn phần nào tìm được tiếng nói chung đối với Trung Quốc.
“Kết quả bầu cử giữa kỳ có thể sẽ không làm thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ. Nhiều người Trung Quốc cho rằng mọi thứ sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử, nhưng có lẽ họ đã nhầm”, ông Christopher Johnson, thuộc nhóm nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với South China Morning Post.
Hiện cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đảng Dân chủ sẽ sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Một số thành viên có ảnh hưởng của đảng này ngay từ đầu đã ủng hộ chính sách trừng phạt thuế quan và đứng sau chủ trương đối đầu trên nhiều lĩnh vực với cường quốc châu Á.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi ăn mừng việc đảng của bà "tái chiếm" Hạ viện. Ảnh: Getty. |
Sự đồng thuận hiếm hoi
Vào tháng 3 khi Nhà Trắng bắt đầu công bố kế hoạch tiến hành cuộc chiến thương mại, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi, người thuộc đảng Dân chủ, đã kêu gọi chính quyền ông Trump “làm nhiều hơn nữa để chiến đấu cho công nhân và sản phẩm Mỹ”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown cũng hoan nghênh chính sách thuế quan của tổng thống và cho rằng cần có “chiến lược toàn diện và dài hạn” để đối phó với thương mại Trung Quốc.
Ngay cả một người đối đầu gay gắt với ông Trump như Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren cũng chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc sau chuyến thăm đến Bắc Kinh hồi tháng 3.
Derek Scissors, nhà kinh tế học thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng sau hàng thập kỷ, đây là lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một nhân tố quyết định lá phiếu của cử tri Mỹ, và vẫn sẽ là vậy trong cuộc bầu cử năm 2020.
Những bang Tổng thống Trump đến tranh cử thường là nơi chịu ảnh hưởng của thương mại toàn cầu và thái độ cứng rắn của ông Trump đã mang về nhiều lá phiếu. Ảnh: AP. |
Ryan Hass, giám đốc điều hành chính sách với Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Obama, cũng đồng ý rằng mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc hiện trở thành một vấn đề chính trị nội bộ của chính quyền Trump.
“Những bang chủ chốt đối với cuộc bầu cử tổng thống của ông Trump là những bang đang chịu ảnh hưởng của biến động thương mại toàn cầu, và họ rất nhạy cảm trong vấn đề Trung Quốc”, ông Hass nói với South China Morning Post.
Cựu tổng thống Barack Obama đã luôn tránh né việc tranh luận về Trung Quốc trong lần bầu cử này. “Ông ấy không muốn khiến Trung Quốc trở thành một vấn đề chủ chốt đối với chính trị trong nước”, ông Hass nói thêm.
Tuy nhiên, ông Trump đã đi ngược lại mong muốn này, và đối thủ châu Á vẫn sẽ trở thành yếu tố quyết định ít nhất là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Hass nhận định.
Di sản thời Obama?
Trước đó, trong vụ việc tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc ZTE vi phạm thỏa thuận với Mỹ, cả hai đảng đã ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm đối với tập đoàn này cũng như mở rộng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài để xem xét các hoạt động sáp nhập và mua lại của các nhà đầu tư ngoài nước.
Ngay cả các đại diện Dân chủ từng lo lắng về chiến tranh thương mại vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow của bang Michigan cũng nói rằng hoạt động thương mại của Trung Quốc là “mối quan tâm lớn nhất đối với chúng tôi”.
Vào tháng 7, Joe Donnelly, thượng nghị sĩ Dân chủ từ bang Indiana, cũng đồng ý với Tổng thống Trump rằng Mỹ “phải giải tán các tác nhân xấu, bao gồm Trung Quốc”.
Nhiều ngành nông nghiệp của Mỹ chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại, nhưng kết quả cuộc chạy đua ở Thượng viện cho thấy Tổng thống Trump vẫn có lực lượng ủng hộ đông đảo. Ảnh: Reuters. |
Theo Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, những chỉ trích của ông Trump với chính quyền Obama đã phần nào nuôi dưỡng quan điểm chống lại siêu cường châu Á. Kết quả là, một số thành viên đảng Dân chủ cảm thấy họ cần phải công khai bày tỏ thái độ “diều hâu” về mối quan hệ song phương.
Ông Trump đã liên tục chỉ trích chính sách đối ngoại với Trung Quốc của các chính quyền trước, đặc biệt là của ông Obama. Ông Johnson cho rằng việc tổng thống Mỹ buộc tội người tiền nhiệm là không công bằng. Nhưng chuyên gia của CSIS cũng cảm thấy thất vọng với chính quyền ông Obama khi không đáp ứng được “những kỳ vọng tối thiểu” về cách hành xử của Washington.
Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang khi tổng thống Mỹ đe dọa sẽ tiếp tục áp dụng các đòn trả đũa. Trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng với phản hồi của doanh nghiệp về tác động tiêu cực của thuế quan.
Những bình luận nhiều chiều nổ ra tại thời điểm cử tri Mỹ bỏ phiếu để bầu lại tất cả 435 ghế của Hạ viện; 35 ghế, tức khoảng 1/3 của Thượng viện; và chọn ra 36 thống đốc bang.
Tuy không giành được quyền kiểm soát Thượng viện và chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến chính sách đối ngoại, đảng Dân chủ vẫn được kỳ vọng sẽ đem lại ít nhiều thay đổi đối với Trung Quốc nói riêng và các vấn đề khác nói chung.