Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau ánh hào quang SEA Games: 'Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con'

Ngọc Quang ngậm ngùi tâm sự về người mẹ Vũ Bích Hường chịu nhiều khổ đau của mình, điều làm anh buồn hơn nữa là vẫn chưa giành được huy chương SEA Games mang về tặng mẹ.

“Trước đây, mẹ tôi không bao giờ khóc, nhưng thời gian gần đây mẹ khóc nhiều hơn. Mẹ tiều tụy hơn và già hơn rất nhiều. Điều này bắt đầu từ khi biết bố bị bệnh rồi mất. Tính cách mạnh mẽ ngày nào cũng trầm hơn. Có đôi khi là nuốt nước mắt vào trong vì sợ con thấy, con buồn. Tôi biết điều ấy nhưng chỉ hiểu và thương mẹ chứ cũng chẳng biết nói gì”.

Nặng lòng với điền kinh

Quang chia sẻ, anh từng tự hào về mẹ, từng thấy mẹ trên đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp và không khỏi xót xa khi nhìn mẹ trong hoàn cảnh bước đi không nổi như bây giờ. Anh tâm sự: “Khi mẹ bị bệnh, gia đình đã đi khắp nơi để chạy chữa, cả đông, tây y đều đã thử qua. Tết vừa rồi, có người mách đi Bắc Giang, sớm mùng 2 tôi đã phải đưa mẹ lên để nhờ một bà lang châm cứu bấm huyệt. Giờ dù vết thương đã tiến triển được hơn 50% nhưng có thể trở lại đường pitch huấn luyện hay không vẫn phải chờ phục hồi”.

Cuộc sống bệnh tật của cựu nữ hoàng điền kinh Việt Nam

Chồng mất vì ung thư, “tượng đài điền kinh một thuở” Vũ Bích Hường càng thêm buồn vì tai nạn ập đến khiến chị phải nằm một chỗ.

Ngọc Quang từng giành HCV và phá kỷ lục quốc gia 110 m rào nam.

Hiện tại, tài khoản của mẹ tôi đã bị bên quản lý nhà làm việc với Sở TDTT Hà Nội giữ bởi gia đình luôn chậm tiền nhà. Giờ mọi sinh hoạt trong gia đình đều là khoản lương và phụ cấp của tôi gửi về trang trải. Tôi lấy vợ nhưng vẫn chung sống cùng mẹ trong căn hộ đang trả góp hiện tại. Cũng nhờ có vợ chăm sóc mẹ mà trong quãng thời gian cấm trại trước và sau khi tôi đi thi SEA Games cũng yên tâm được phần nào. Hai mẹ con chỉ nhắn tin cho nhau vì tôi cũng không được về nhiều trong thời gian sắp sang Singapore.

Kết thúc nghiệp vận động viên, mẹ tôi trở thành huấn luyện viên. Bà đi theo nghiệp không chỉ vì đó là “nồi cơm” của cả gia đình, mà hơn hết là vì bà vẫn còn rất nặng lòng với điền kinh. Mẹ muốn tìm ra một hậu duệ để đạt được cái ngưỡng kỷ lục năm xưa của bà. Đối với mỗi huấn luyện viên, tìm ra được người trò giỏi, vượt thầy thì hạnh phúc lắm. Chính huấn luyện viên hiện tại của tôi cũng nói điều đó các học trò. Trên những đường rào dạy các học trò, mẹ nhiệt tình đến nỗi khi thực hành động tác cho các học trò mà quên cả bản thân. Tôi còn nhớ đến lần mẹ mang thai Phú Vinh nhưng vẫn đi huấn luyện, mẹ vẫn thực hành các động tác mạnh mẽ và chỉ đến khi học trò nhắc là: “Cô ơi cô đang mang bầu đấy”, mẹ tôi mới nhớ và cẩn thận.

Có thể nói điền kinh giống như sự sống của mẹ tôi. Rơi vào tình cảnh như hiện tại, nỗi buồn của bà lại còn nhân đôi. Tôi luôn canh cánh bên lòng cái điều mà mẹ chẳng bao giờ nói ra là tấm huy chương của thằng con trai được đặt đầy kỳ vọng. Điền kinh đã từng làm nên vinh quang của mẹ tôi và tôi cũng không muốn đem lại nỗi buồn cho mẹ cũng từ điều mà bà đang hy vọng. Tôi từng rất tự hào về mẹ. Ngày mẹ mới nổi tiếng, thậm chí hai mẹ con đi ra đường đến đoạn dừng đèn đỏ cũng có người quay sang hỏi Bích Hường à. Nhưng đến bây giờ có mấy ai còn nhớ mẹ và biết về hoàn cảnh gia đình tôi. Cứ nghĩ đến là thấy đau xót lắm”.

Từng nghĩ có huy chương sẽ giải nghệ

Sau thất bại của Ngọc Quang ở SEA Games 28, điều mà người ta nghĩ đến không chỉ là đoàn thể thao Việt Nam mất đi 1 tấm huy chương ở nội dung rào 110m nam mà sau đó còn dập tắt niềm hy vọng của một người mẹ và cả những người thân cùng sự hụt hẫng về số tiền thưởng lẽ ra sẽ là một phần trang trải cho cuộc sống gia đình đang bộn bề. Quang tâm sự: “Khi đi thi SEA Games, tôi vẫn luôn tâm niệm đây là lần thứ 3 và hy vọng “quá tam 3 bận”, năm nay chẳng lẽ mình lại mất huy chương một lần nữa. Tôi biết được, nơi quê nhà, mẹ đang dõi theo và đặt rất nhiều niềm kỳ vọng. Thậm chí trước hôm thi đấu, tôi có xem được phóng sự truyền hình nói về mẹ. Lúc đó cảm thấy quyết tâm và động lực vô cùng.

Tôi vẫn nghĩ giành tấm huy chương bất kỳ tại SEA Games đều sẽ là niềm an ủi, động viên mẹ đang bệnh. Bên cạnh đó, có huy chương tôi sẽ giành được một số tiền thưởng. Đây sẽ là khoản sẽ rất có ý nghĩa với gia đình tôi vào lúc này. Tôi sẽ trang trải một phần thuốc thang chữa trị và tiền nhà hằng tháng. Nhưng thành tích 14 giây 38 của tôi là rất tệ. Trong khi thành tích tốt nhất tôi đạt được là 14 giây 19. Tôi từng vô địch và phá kỷ lục toàn quốc nhưng vẫn chưa thể thành công ở SEA Games. Mẹ cũng buồn vì điều này lắm.

Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ đến tấm huy chương như giải thưởng vẫn còn nợ mẹ. Trong khi mẹ năm nào đi thi cũng mang về huy chương còn mình đã 3 SEA Games liên tiếp trắng tay. Đặc biệt đây là năm tôi quyết tâm nhất. Bởi SEA Games năm nay được tổ chức trên đất Singapore, mảnh đất mà hơn 20 năm trước mẹ đã mang về tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp (năm 1993, SEA Games 17 trên đất Singapore, Vũ Thị Bích Hường có tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp - PV). Do đó, tôi hy vọng sẽ làm một điều gì đó trên mảnh đất này. Nhưng rồi mọi thứ đã không thể đạt được.

Tôi từng nghĩ đến việc giải nghệ sau khi giành huy chương ở SEA Games năm nay. Trước đó, tôi cũng từng nghĩ sẽ giải nghệ, kể cả không có huy chương. Tôi muốn tìm một công việc khác đảm bảo hơn cho cuộc sống, có thêm thu nhập giúp gia đình. Tôi có nói với mẹ, dù mẹ tôi tôn trọng quyết định của tôi nhưng bà buồn nhiều lắm. Từng đam mê và mang vinh quang về từ điền kinh. Bà luôn canh cánh trong lòng việc tìm một truyền nhân phá kỷ lục. Và đặc biệt, luôn đặt hy vọng tuyệt đối vào tôi dù tôi có thất bại. Nghe tôi nói giải nghệ bà không giấu được những giọt nước mắt. Cũng chính trong SEA Games này, tôi đã tâm niệm chỉ cần có huy chương, làm tròn hy vọng của mẹ thì sẽ nghỉ thi đấu. Nhưng khi thất bại, tôi nghĩ lại và sẽ quyết tâm giành lấy ở kỳ sau”.

Vũ Bích Hường (trái) từng giành huy chương ở 6 kỳ SEA Games, trong đó có tấm HCV năm 1995 tại Thái Lan. Ảnh: Getty Images.

Sự kỳ vọng dành cho Quang không chỉ là người mẹ đang đau yếu mà cả người vợ vừa báo tin vui cho anh khi mang bầu đứa con đầu lòng, mà hơn hết là ở tin nhắn của cậu em tự kỷ Phú Vinh. Quang không khỏi xúc động và bất ngờ khi cậu em tự kỉ luôn bị anh mắng lại biết nhắn tin động viên anh thi tốt và an ủi khi biết anh thất bại.

Cũng chính Phú Vinh là người đã nói với mẹ về tâm sự của anh trai trên trang facebook cá nhân. Lúc mà Quang buồn nhất, lúc mà Quang cảm thấy có lỗi với mẹ với gia đình. Cái dòng cảm xúc đọng lại bằng câu “Con xin lỗi mẹ” ấy đã khiến người đàn bà của đường rào năm xưa khóc nức nở - như lời kể của bé Phú Vinh sau khi đọc “status” cho mẹ. Đó là cái khoảnh khắc của một người mẹ với đứa con chưa thể thành công và nỗi lòng của một vận động viên huyền thoại khi thấy hậu duệ của mình thất bại.

Bố mất sớm, được đặt là trụ cột trong gia đình, nhưng Quang vẫn chưa thể làm điều gì lớn lao dành cho gia đình. Hậu duệ của Bích Hường vẫn chưa thể bén duyên trên những đường rào như mẹ. Sự nghiệp xem ra vẫn chưa thể nở hoa và cuộc sống của gia đình “cô gái vàng” 1995 vẫn chưa thể mỉm cười.

Chi tiết tôi nhớ mãi trong căn hộ nhỏ khi đến gặp chị là những tấm huy chương lộn xộn và bức ảnh chân dung thời đỉnh cao của Bích Hường. Dường như tất cả đang cần một bàn tay để sắp đặt để được trang trọng hơn.

 

http://laodong.com.vn/the-thao/phia-sau-anh-hao-quang-sea-games-me-oi-hay-tha-loi-cho-con-344718.bld

Theo Đăng Huỳnh/Lao Động

Bạn có thể quan tâm