Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau An Giang, Đồng Tháp ban bố khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền

Sạt lở ảnh hưởng đến 227 hộ dân và các cơ sở sản xuất nơi đây. Nhiều nơi, sạt lở còn cách quốc lộ 30 chỉ 15 đến 20 m.

Ngày 28/4, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền, đoạn thuộc ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình).

Sạt lở diễn biến phức tạp

Sạt lở tại khu vực trên diễn biến phức tạp từ đầu tháng 4 đến nay với chiều dài gần 210 m. Trong đó, đoạn từ mương Cả Lách về chợ Bình Thành dài 150 m, từ mương Cả Lách về cầu Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) dài 60 m.

Sat lo bo song anh 1
Sạt lở đất bờ sông tại Đồng Tháp, diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh Minh Anh.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khu vực sạt lở nằm ở ngã ba Cồn Én của huyện Thanh Bình. Tại đây, sông cong, dòng chảy xoáy vào bờ phía xã Bình Thành trong khi nền đất yếu nên gây sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo huyện Thanh Bình cắm biển cảnh báo. Đồng thời yêu cầu theo dõi sát diễn biến và lên các phương án ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở xảy ra. Vận động những hộ dân trong vành đai sạt lở di dời đến nơi an toàn.

Tỉnh cũng yêu cầu huyện Thanh Bình xây dựng khẩn cấp cụm dân cư tại xã Bình Thành để các hộ trong khu vực bị ảnh hưởng có nơi trú ngụ khi xảy ra sạt lở.

Tỉnh này đề nghị Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất phương án xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở. Tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp các lực lượng chức năng lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng các phương tiện lưu thông qua khu vực sạt lở. Đồng thời, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để bộ này có biện pháp bảo vệ quốc lộ 30 qua ấp Bình Hòa.

Sat lo bo song anh 2
Khu vực bờ sông Vàm Nao bị sạt lở làm 16 căn nhà trôi xuống sông. Ảnh: Minh Anh.

Trước đó, ngày 22/4, UBND tỉnh An Giang cũng ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) khi 16 căn nhà bị sụp xuống sông Vàm Nao.

Vụ sạt lở gây thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ đồng. Nhà chức trách buộc di dời người, tài sản của 106 hộ và 1 nhà máy trong khu vực đến nơi an toàn.

Sạt lở do khai thác cát

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định: “Tình trạng khai thác cát tràn lan ở ĐBSCL làm mất 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3 m. Chính những điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở hiện nay”.

Tiến sĩ Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) nói rằng hiện nay, các tỉnh cấp phép khai thác cát nhiều và “mạnh ai nấy cấp” là nguyên nhân gia tăng sạt lở bờ sông.

Sat lo bo song anh 3
Một tàu khai thác cát trên sông. Ảnh: Minh Anh. 

Theo ông Ni, cát ở ĐBSCL được lắng đọng, bồi đắp từ hàng chục năm đến cả trăm năm.

Lượng bồi đắp không đủ trong khi nước biển kéo cát đi nhiều nên thềm của đồng bằng đang bị xói lở. “Lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống của cơ thể, nếu không có lớp cát thì hai bên bờ sông sẽ lở khủng khiếp”, tiến sĩ Ni nói.

Người cứu cả xóm thoát chết trước khi 16 căn nhà sụp xuống sông Hậu

"Trước hôm xảy ra sự cố, tôi tắm ở khúc sông quen thì thấy đất dưới chân tự dưng sụp xuống. Tôi tức tốc lên bờ, phóng xe lên Công an xã Mỹ Hội Đông trình báo sự việc", ông Bé kể.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm