Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau Agribank, đến lượt Vietinbank và BIDV tăng phí rút tiền ATM

Không lâu sau khi Agribank tăng phí rút tiền mặt ATM, 2 ngân hàng lớn khác là Vietinbank và BIDV cũng điều chỉnh tăng mức phí này.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã ra thông báo điều chỉnh tăng phí rút tiền mặt ATM đối với các thẻ ghi nợ nội địa.

Cụ thể, biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa mới áp dụng từ ngày 4/5 của BIDV, cho biết nhà băng này sẽ thu với mức phí 1.650 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng (nội mạng). Mức phí trên đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) kèm theo.

Nếu so với mức phí cũ, phí mới đã tăng thêm 550 đồng/giao dịch, bằng với mức tăng của Agribank đưa ra trước đó.

Vietinbank cũng điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM với thẻ ghi nợ E-Partner, ở hai mức phí cho các dòng thẻ khác nhau.

vietinbank va bidv tang phi rut tien mat atm anh 1
Các khách hàng của BIDV và Vietinbank sẽ chịu mức phí rút tiền mặt ATM nội mạng 1.650 đồng/giao dịch. Ảnh: N.H.

Cụ thể, đối với thẻ ghi nợ Gold và Pink-Card, mức phí rút tiền mặt tại ATM được điều chỉnh tăng lên 2.200 đồng (đã bao gồm thuế VAT), còn các thẻ dòng C-Card và S-Card mức phí cũng điều chỉnh tăng lên 1.650 đồng/giao dịch, từ mức 1.100 đồng trước đó.

Biểu phí mới được Vietinbank áp dụng từ 5/5.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng đã thông báo từ ngày 12/5, các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để rút tiền mặt tại ATM của nhà băng này sẽ phải chịu mức phí 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), tăng 550 đồng so với mức phí cũ. Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.

Phía Agribank cho biết thời gian qua các ngân hàng, trong đó có Agribank, đã hỗ trợ cho khách hàng khi chỉ thu phí rút tiền mặt ở mức 1.100 đồng/giao dịch, trong khi mức trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 3.300 đồng/giao dịch.

Hôm qua (8/5) tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018, nói về việc tăng phí rút tiền mặt ATM của các ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, người đồng thời đang lãnh đạo tại Vietcombank, cho hay việc tăng phí đã được tính toán theo đúng lộ trình.

vietinbank va bidv tang phi rut tien mat atm anh 2

Theo đó, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày tháng 3/2013. Mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng từ năm 2015 được NHNN cho phép là 3.300 đồng giao dịch. Nhưng hiện nay, hầu hết ngân hàng mới chỉ thu phí ở mức 1.100 đồng, và mới chỉnh lên 1.650 đồng trên mỗi giao dịch.

“Mức phí tính toán 7.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM mà một số ngân hàng đưa ra, với mục đích để cho khách hàng thấy được mức phí dịch vụ ngân hàng thu hiện nay vẫn còn rất thấp. Hệ thống thẻ phát hành chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Lẽ ra mục đích là để thanh toán nhưng hầu hết hiện nay lại chỉ dùng để rút tiền. Nếu tương lai số giao dịch thanh toán bằng thẻ tăng lên, chắc chắn phí rút tiền mặt sẽ giảm xuống”, ông Tuấn khẳng định.

Theo thống kê, hiện nay hầu hết ngân hàng đều áp dụng thu phí rút tiền mặt ATM nội mạng ở mức 1.100 đồng/giao dịch và một số ngân hàng mới điều chỉnh lên 1.650 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà băng miễn phí cho khách hàng sử dụng dịch vụ này, như Vietcapital Bank và SCB miễn phí rút tiền với thẻ ghi nợ quốc tế và nội địa. Maritimebank miễn phí 2 lần giao dịch đầu tiên trong tháng với thẻ ghi nợ quốc tế, SHB cũng áp dụng cho một số thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế.

TPBank và Baovietbank miễn phí rút tiền tại tất cả các điểm ATM của ngân hàng nội địa trên toàn quốc.

Tăng phí sử dụng thẻ: Ngân hàng đang tận thu?

Câu hỏi được chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi đặt ra cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại và Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, ông Đào Minh Tuấn.

Các ngân hàng thu về bao nhiêu tiền từ phí dịch vụ năm qua?

Dịch vụ chỉ đóng góp tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng, nhưng đây lại là mảng kinh doanh nhiều ngân hàng hướng đến với tỷ suất lợi nhuận lên tới 90%.




Hoàng Thanh

Bạn có thể quan tâm