Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 sáng 8/5, nhiều diễn giả cũng như chuyên gia ngân hàng đặc biệt quan tâm tới vấn đề các ngân hàng ồ ạt tăng phí dịch vụ thời gian gần đây.
Ngân hàng đầu tư ATM, khách chịu hết phí?
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng hiện nay các khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, vì tính ra rất nhiều loại phí.
Theo bà Mùi, những phí ngân hàng bắt buộc thu rất thỏa đáng nhưng vấn đề là thu bao nhiêu và thu thế nào. Trong khi các ngân hàng vẫn nói là số thu phí hiện nay quá thấp, như muốn hòa vốn đầu tư vào mỗi điểm ATM thì phải thu gấp nhiều lần hiện nay, khoảng 7.000 đồng/giao dịch.
“Mức phí này luôn có xu hướng tăng. Vậy có phải cứ đầu tư vào một cây ATM bao nhiêu tiền thì bắt khách hàng phải chịu hết phí hay không”, bà Mùi đặt câu hỏi.
Hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng phí dịch vụ ngân hàng gần đây. Ảnh minh họa: NQ. |
Ngân hàng chưa thu đến mức trần được phép
Chia sẻ về việc nhiều ngân hàng tăng phí dịch vụ gần đây ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đồng thời cũng là phó tổng giám đốc tại Vietcombank, cho biết Việt Nam đã triển khai các dịch vụ thẻ từ năm 1996. Các quy định về dịch vụ phải thu phí cũng được Ngân hàng Nhà nước quy định trong Thông từ 35 ban hành năm 2012.
Theo đó, ông Tuấn khẳng định việc các ngân hàng tăng phí thời gian gần đây hoàn toàn phù hợp với các thông lệ và đã có lộ trình từ những năm 2012.
Ông Tuấn cũng cho biết các ngân hàng được phép thu phí ATM từ tháng 3/2013 đến hết năm 2013 với mức phí từ 0 đến 2.000 đồng/giao dịch. Từ năm 2015, các nhà băng được nới mức trần lên là 3.000 đồng/giao dịch.
“Thực tế mức trần là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nhưng các ngân hàng hầu hết vẫn là áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch nội mạng chứ chưa thu tới mức trần NHNN cho phép”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm đối với các loại phí được thu định trong Thông từ 35 của NHNN đều là bắt buộc. Tuy nhiên, biểu phí có thể là 0 đồng. Còn đối với các dịch vụ giá trị gia tăng mà ngân hàng kết hợp với các bên thứ 3 thì mức phí sẽ do thỏa thuận của mỗi ngân hàng với khách hàng.
“Các ngân hàng trong hội thẻ năm nào cũng họp và vấn đề phí thẻ năm nào cũng được quan tâm. Khách hàng luôn kêu gọi bảo vệ người tiêu dùng còn các ngân hàng phát hành thẻ cũng muốn kêu gọi bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Tuấn nói.
Theo thống kê, phí rút tiền mặt hiện nay phải vào khoảng 7.000 đồng/giao dịch mới giúp ngân hàng thoát lỗ. Ảnh minh họa: QT. |
Lý giải về con số thống kê 7.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM mà một số ngân hàng đưa ra để tính toán mức phí, ông Tuấn cho biết đây là số liệu đưa ra chỉ để cho khách hàng thấy được mức phí dịch vụ ngân hàng thu hiện nay vẫn còn rất thấp. Hệ thống thẻ phát hành chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa, lẽ ra mục đích là để thanh toán nhưng hầu hết hiện nay lại chỉ dùng để rút tiền.
Ông Tuấn cho biết năm 2013 chỉ có khoảng 0,7% giao dịch phát sinh từ thẻ ghi nợ nội địa là dùng để thanh toán hàng hóa. Trong khi đó, 99,3% các giao dịch là rút tiền. Đến nay, tuy số lượng giao dịch thanh toán đã tăng lên 3% nhưng vẫn còn tới 97% giao dịch chỉ là để rút tiền mặt.
“Trong tương lai, chỉ cần khoảng 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán và 80% là để rút tiền mặt thì phí dịch vụ ngân hàng chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm”, ông Tuấn khẳng định.
Cách đây không lâu, sau khi một loạt ngân hàng thương mại như VIB, Eximbank và Vietcombank… điều chỉnh loạt phí dịch vụ ngân hàng, Agribank cũng đã thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.500 đồng từ ngày 12/5. Bên cạnh đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.