Theo Bloomberg, nhiều tranh cãi đã nổ ra trong giới công nghệ Trung Quốc khi khái niệm về văn hoá làm việc “996” lan truyền. Ba chữ số này mô tả lịch trình từ 9h sáng đến 9h tối, trong suốt 6 ngày một tuần. Đó là 72h làm việc và thường không có thêm thù lao.
Làm việc quá sức đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc từ lâu, thường xem là dấu hiệu của sự cống hiến và thành công lâu dài. Song, nó lại trở thành một vấn đề nhức nhối khi cơn sốt ngành công nghệ nguội đi, kéo theo các đợt sa thải nhân viên lớn.
Đồng thời, các công ty khởi nghiệp cũng gặp khó khăn khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các tập đoàn lớn giảm mạnh.
Tại sao “996” lại trở thành chủ đề nóng bỏng?
Bởi vì người giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma, đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba - đã đề cao văn hoá làm việc này như một tiêu chuẩn vàng.
“Để được làm việc theo văn hoá 996 là một ân phúc lớn”, ông viết trong bài đăng hồi tháng 4. Bên cạnh đó, Ma còn nhấn mạnh rằng thành công chỉ đến khi đã trải qua nhiều hy sinh.
Biểu đồ thống kê câu trả lời của cư dân mạng TQ khi được hỏi số ngày phải làm thêm mỗi tuần. Ảnh: Bloomberg. |
Richard Liu, Giám đốc Điều hành JD.com - công ty đối thủ của Alibaba, cũng viết rằng dù không áp dụng văn hoá 996 lên nhân viên, nhưng những ai làm việc thiếu tập trung sẽ không còn là “anh em” với ông nữa.
Tất cả những điều trên đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng và cả đời thực. Người ta không ngừng nói về những hậu quả của việc cống hiến tận tụy cho tổ chức.
Văn hoá làm việc này lan rộng thế nào?
Không chỉ tại Trung Quốc, hiện tượng làm việc quá sức cũng xuất hiện tại thung lũng Silicone. Những tập đoàn lớn như Alphabet, Google và Facebook đã cung cấp thực phẩm miễn phí để khuyến khích nhân viên làm nhiều giờ hơn, đặc biệt trong giai đoạn ra mắt sản phẩm.
Tuy 996 không giới hạn ở thế giới công nghệ. Song những câu chuyện được kể, cùng với sự chứng thực từ tỷ phú Jack Ma, khiến nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực này.
Vào tháng 3, các lập trình viên Trung Quốc đã thành lập một dự án trên Github để phản đối văn hoá làm việc cực đoan này. Dự án nhanh chóng trở thành chủ đề phổ biến nhất của trang web này với hơn 240.000 dấu sao và yêu thích. Những nhân viên từ Microsoft, công ty mẹ của Github, cũng viết thư ngỏ ủng hộ đồng nghiệp của mình tại Trung Quốc.
Câu trả lời của cư dân mạng TQ khi được hỏi số ngày nghỉ mỗi tuần. Ảnh: Bloomberg. |
Mức độ nghiêm trọng
Vài năm trở lại đây, một số vụ nhân viên công nghệ đột ngột qua đời đã gây nên sự phẫn nộ trong công chúng. Mặc dù họ có thể chết vì nhiều lý do khác, chứ không hoàn toàn do áp lực công việc.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, bất cứ công ty công nghệ nào khuyến khích - hoặc yêu cầu - nhân viên làm việc theo kiểu 996 mà không có thù lao thích đáng, đều đang vi phạm Luật lao động Trung Quốc. Luật quy định giới hạn làm việc trung bình là 44 giờ một tuần.
Ngoài ra, văn hoá làm việc xây dựng trên “sự tâm huyết” khiến doanh nghiệp khó phát hiện nhân viên “giả vờ”. Khối lượng công việc lớn thường kéo theo sự trì hoãn, nhân viên có thể cố tình kéo dài công việc của mình để hưởng thêm thù lao.
Văn hoá 996 sẽ chấm dứt?
Có lẽ không. Những người ủng hộ 996 từ ngành công nghệ đang tăng mạnh trong thập kỷ qua. Các “nông nô kỹ thuật số” này xem làm việc cho các tập đoàn lớn là một đặc quyền, tự nguyện làm thêm như bằng chứng của sự trung thành và tận tuỵ.
Nhiều người hy vọng sẽ được theo chân các tỷ phú Internet như Jack Ma và Pony Ma - đồng sáng lập công ty truyền thông và gaming Tencent.
Hiện tại, “997” - làm việc 7 ngày một tuần - đã bắt đầu xuất hiện. Một số người còn đùa về văn hoá làm việc “007”: nhân viên lao động từ nửa đêm hôm nay (0h) đến nửa đêm hôm sau, suốt bảy ngày liên tục.