"Pháo đài bay" B-52 xuất xưởng từ năm 1954 và có thể bay tới tận năm 2040. Ảnh: af.mil |
Những phi cơ B-52 ngày nay giống như món đồ cổ. Các ống chân không biến mất, nhường chỗ cho các vi chip, còn những cái gạt tàn thuốc lá – bộ phận từng là tiêu chuẩn một thời của các phi cơ ném bom – đã biến mất. Mặc dù vậy, 8 động cơ dưới cánh vẫn kết nối với khoang lái bằng dây cáp và ròng rọc, New York Times mô tả.
“Chui vào phi cơ B-52 giống như du hành ngược thời gian. Tôi yêu B-52, song việc chúng vẫn bay là thực tế điên rồ”, Lance Adsit, một phi công 28 tuổi điều khiển B-52, phát biểu. Vài phút sau, những máy tính để định hướng trên máy bay ngừng hoạt động do lỗi.
Nhiều tuổi hơn phi công
Vào năm 1966, New York Times từng nhận định toàn bộ phi cơ B-52 sẽ phải ngừng hoạt động vào năm 1975, vì khi đó chúng đã trở nên quá cũ.
Tổng thống Ronald Reagan từng phát biểu như sau vào năm 1982: “Nhiều phi cơ B-52 của chúng ta có tuổi đời lớn hơn cả những phi công điều khiển chúng".
Một phi công đang lái B-52 nói cha và ông nội của anh cũng từng lái B-52.
Giới truyền thông gọi B-52 là loại máy bay "không chịu nghỉ hưu” của Không quân Mỹ. Nhà Trắng từng định ngừng sử dụng B-52 từ nhiều thập niên trước, song chúng vẫn tiếp tục tham chiến trong các cuộc xung đột. B-52 thả quả bom khinh khí trên quần đảo Bikini vào năm 1956 và bom dẫn đường bằng laser vào năm 2006. Hiện tại, các tướng Không quân còn thúc Lầu Năm Góc đưa B-52 tới Syria.
“Chúng tôi sẵn sàng, rất muốn và háo hức tham gia cuộc chiến ở Syria”, đại tá Kristin Goodwin, người chỉ huy Phi đội ném bom số 2 tại căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana, cho biết. Khoảng một nửa máy bay B-52 đồn trú tại Barksdale.
Sau 60 năm từ khi bắt đầu phục vụ quân đội Mỹ, giờ đây những phi cơ B-52 đã trở nên chậm và “cổ lỗ sĩ” so với yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Nhưng 76 chiếc B-52 vẫn chiếm đa số trong lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Mỹ và có vẻ như ngày chúng “nghỉ hưu” còn rất xa. Phiên bản thay thế B-52 vẫn chưa được thiết kế nên giới chuyên gia nhận định chúng sẽ còn tiếp tục bay tới tận năm 2040 và thậm chí cả những năm tiếp theo. Tới thời điểm ấy, việc B-52 xung trận giống như đưa phi cơ hai tầng cánh từ thời Thế chiến thứ nhất vào chiến dịch xâm lược Iraq trong năm 2003.
Hệ thống điều khiển trong buồng lái của B-52. Ảnh:New York Times |
Ngay từ khi quá trình lắp ráp B-52 đang diễn ra, giới chức quốc phòng đã vạch ra kế hoạch thay thế chúng trong tương lai. Nhưng mỗi phiên bản tương lai đều "chết yểu" trước khi kịp phục vụ quân đội. Phiên bản đầu tiên là loại phi cơ ném bom sử dụng năng lượng hạt nhân có thể bay liên tục trong một tuần (thải ra lượng phóng xạ quá lớn). Những phiên bản tiếp theo gồm phi cơ siêu thanh B-58 với những cánh giống phi tiêu (rơi liên tục) và “pháo đài bay” B-70 có tốc độ lớn hơn (khí thải quá độc hại).
“Chúng là những phương tiện kỹ thuật của tương lai. Và vì sở hữu những tính năng quá tiên tiến, chúng thường gây nên các vấn đề kỹ thuật”, Yancy Mailes, một sử gia của Không quân Mỹ, bình luận.
B-52 phục vụ quá lâu do chúng có thể bay tới mọi nơi và thả gần như mọi thứ mà Lầu Năm Góc muốn – bao gồm bom nguyên tử và truyền đơn. Một nguyên nhân nữa là những khiếm khuyết của các phiên bản mà Mỹ từng sản xuất để thay thế chúng. B-1B Lancer, mẫu phi cơ ném bom trị giá 283 triệu USD, xuất xưởng vào năm 1988 với hệ thống gây nhiễu radar tiên tiến đến nỗi nó gây nhiễu radar của chính nó. Một thập kỷ sau, B-2 Spirit, mẫu phi cơ ném bom trị giá tới 2 tỷ USD, ra đời. Công nghệ tàng hình của B-2 Spirit tinh vi đến nỗi nó không thể bay khi trời mưa.
“Các chuyên gia từng nhiều lần chế tạo loại máy bay ném bom liên lục địa tốt hơn B-52, song những nỗ lực của họ đều thất bại. Cứ mỗi lần chúng ta cố gắng chế tạo máy bay để thay thế B-52, các vấn đề luôn xuất hiện. Vì thế Mỹ vẫn phải dùng B-52”, Owen Cote, một giáo sư về an ninh của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ, phát biểu.
Tuổi đời của nhiều phi cơ B-52 lớn hơn phi công điều khiển chúng. Ảnh: theaviationist.com |
Quân xe trên bàn cờ
Stratofortress là tên chính thức của B-52, song từ lâu các phi công đã gọi chúng là “phi cơ cồng kềnh, xấu và to”.
Quá cũ để có thể trở thành phi cơ ném bom tàng hình, B-52 trở thành phi cơ phản tàng hình vì chúng phát ra âm thanh lớn. Chúng từng dội bom xuống các đoàn xe tăng ở Iraq và hủy diệt các cơ sở của Taliban ở Afghanistan. Trong những năm gần đây, chúng thực hiện nhiệm vụ “răn đe và phòng ngừa” gần Triều Tiên và Nga. Vào năm 2013, khi Trung Quốc lập vùng Nhận dạng phòng không phía trên Biển đông, hai chiếc B-52 đã bay qua vùng đó để thách thức Bắc Kinh.
“Bạn có thể ví B-52 như quân xe trong một ván cờ. Vị trí của nó trong ván cờ có thể làm thay đổi cục diện của đối phương”, thiếu tá Mark Burley, một phi công Mỹ, phát biểu.
Song mức độ hữu dụng của những phi cơ ném bom cỡ lớn – và mọi loại máy bay ném bom nói chung – đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong thời kỳ mà chiến tranh bùng nổ bởi những phong trào ly khai và những đội quân vô quốc gia. Dù các phi cơ đã ném hàng triệu tấn bom xuống mọi nơi trên thế giới, những mục tiêu mà chúng muốn tiêu diệt vẫn giành thế thượng phong trên chiến trường.
Không quân Mỹ đang cố gắng thay đổi hình ảnh của B-52 để người ta không còn coi nó là phi cơ ném bom bừa bãi, mà là vũ khí chính xác. Những thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser ở dưới cánh cho phép chúng thả những quả bom thông minh được dẫn đường. Trong những năm gần đây, các “pháo đài bay” đảm nhận vai trò yểm trợ trong trên chiến trường Afghanistan. “Chúng tôi đã trở thành lực lượng chiến đấu chính xác. Đôi lúc trận chiến kết thúc khi phi cơ B-52 xuất hiện, bởi kẻ thù sẽ biến mất”, trung tá Sarah Hall, một phi công B-52 từng tham chiến ở Afghanistan, kể.